Triều Tiên sơ tán Chính phủ và công dân vào hầm

Thứ tư, 13/03/2013, 15:57
Tờ New York Times dẫn lời Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ, Triều Tiên đã bắt đầu sơ tán bộ máy Chính phủ và người dân vào các đường hầm được xây dựng cho tình trạng khẩn cấp.

Ngoài ra, cũng theo New York Times, Triều Tiên đang tiến hành ngụy trang các xe bus và xe tải. Giới chức Hàn Quốc mô tả các động thái của Triều Tiên rõ ràng nhằm để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Đây cũng là chiến thuật Bình Nhưỡng thường sử dụng trong những thời điểm căng thẳng trong quá khứ.

Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên một tuần trở lại đây leo thang đỉnh điểm sau vụ thử hạt nhân lần 3 của Bình Nhưỡng, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với nước này cũng như các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn quy mô trong khu vực.

Chính quyền Kim Jong-un đã tiến xa hơn với đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc – điều mà cha ông, cố Chủ tịch Kim Jong-il, chưa từng làm trong suốt gần 20 năm lãnh đạo Triều Tiên.

Mới đây, trong chuyến thị sát một số đơn vị quân đội, lãnh đạo trẻ của Triều Tiên tuyên bố hùng hồn “sẵn sàng dội mưa đạn vào kẻ thù” và công bố kế hoạch biến đảo Baengnyeong của Hàn Quốc thành một “biển lửa” để xóa sổ nó.

“Khi mệnh lệnh được đưa ra, các binh sĩ phải bẻ gãy sườn của kẻ thù, cắt khí quản của chúng và cho chúng thấy một cuộc chiến thực sự là như thế nào”, Cơ quan thông tấn chính thức của Triều Tiên dẫn lời lãnh đạo trẻ Kim Jong-un nhấn mạnh.

Lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) trong chuyến thị sát một đơn
vị quân đội gần đây.

Về phía Hàn Quốc, đáp lại những lời đe dọa sấm sét của chính quyền Kim Jong-un, Chính phủ mới của nữ Tổng thống Park Geun-hye cũng mạnh mẽ tuyên bố, nếu quyết tấn công hạt nhân phủ đầu, Triều Tiền cũng xem như đã ký vào bản án tử, xóa sổ chính họ khỏi trái đất.

Cùng ngày, Seoul cũng thẳng thừng chỉ trích, giễu cợt Bình Nhưỡng về việc đơn phương vô hiệu hóa hiệp ước đình chiến mà hai bên đã ký hồi năm 1953 để tạm chấp dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Seoul nhấn mạnh, động thái đó của Bình Nhưỡng rõ ràng bị cấm trong các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn.

Cũng trong ngày hôm qua, Kim Min-seok, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đưa ra khẳng định có tính trấn an rằng, chưa có dấu hiệu chứng tỏ Triều Tiên sắp thử hạt nhân hoặc tên lửa hay kích hoạt chiến tranh dọc biên giới liên Triều.

Ông Kim nhấn mạnh, hàng loạt tuyên bố đe dọa và khiêu khích tràn ngập trên truyền thông nhà nước Triều Tiên tuần qua chỉ là “đòn tâm lý” đánh vào Hàn Quốc trong bối cảnh các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vẫn đang diễn ra.

"Thông qua một loạt các hoạt động chính trị và quân sự, Triều Tiên có vẻ đang ra sức tăng cường sự đoàn kết của người dân trong nước trong khi lợi dụng các cuộc tập trận Key Resolve và Foal Eagle như là cái cớ để đe dọa và gây áp lực với Mỹ - Hàn nhằm thay đổi các chính sách", Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm này, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (DNI) Clapper trước Ủy ban đặc biệt của Thượng viện Mỹ ngày 12/3 khẳng định, đưa ra những lời đe dọa cứng rắn và "hiếu chiến" nhưng Bình Nhưỡng sẽ không thực hiện các vụ tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc trừ khi sự tồn tại của chính quyền Kim Jong-un bị đe dọa.

Tuy nhiên, ông Clapper cũng phải thẳng thắn thừa nhận: “Mặc dù đánh giá Triều Tiên sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ và các đồng minh nhằm mục đích bảo vệ chính quyền Kim Jong-un nhưng chúng tôi không thể biết đâu là giới hạn mà Bình Nhưỡng coi là cần phải hành động”.

Trong khi đó, hôm nay hãng thông tấn chính thức của Hàn Quốc Yonhap cũng thông báo, Không quân Triều Tiên vừa tăng đột ngột số chuyến bay của chiến đấu cơ và trực thăng trong vài ngày gần đây, lên tới khoảng 700 chuyến riêng trong ngày Mỹ - Hàn bắt đầu tập trận chung.

"Các chuyến bay của chiến đấu cơ và trực thăng thuộc Không quân Triều Tiên lên tới khoảng 700 vào ngày 11/3", Yonhap dẫn lời một nguồn tin quân sự giấu tên tại Seoul cho hay.

Theo Yonhap, việc triển khai như vậy "chưa từng có tiền lệ" ở Triều Tiên. Động thái của Bình Nhưỡng được cho là một phần nỗ lực nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng tác chiến và giám sát chặt chẽ cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn với sự tham gia của khoảng 10.000 lính Hàn và 3.000 lính Mỹ.

Cuộc tập trận còn có sự tham gia của các vũ khí và thiết bị quân sự như máy bay tàng hình F-22, máy bay ném bom B-52, được triển khai từ các căn cứ quân sự Mỹ ở nước ngoài.

Động thái mới nhất này diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng cũng đang chuẩn bị một cuộc tập trận lớn dọc bờ biển phía đông. Hoạt động của tàu ngầm, tàu chiến cũng đang được tăng cường tại các bờ biển phía đông và tây của nước này.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn