Biến thịt lợn thối thành bóng bì, mỡ lợn

Thứ ba, 09/04/2013, 10:20
Những miếng bì lợn bốc mùi, có miếng đã chuyển màu được các cơ sở sản xuất chất thành đống, vứt trên nền đất ẩm ướt, chuẩn bị đưa vào chế biến nem chua, bóng bì, mỡ rán. Những đồ ăn được nhiều người ưa chuộng.

Một muỗng thuốc, tẩy trắng hàng tạ bì lợn

Có mặt tại một cơ sở sản xuất bóng bì và mỡ lợn tại thôn Bình Lương, xã Tân Quang (Văn Lâm, Hưng Yên), chúng tôi được chứng kiến nhiều đống bì lợn bèo nhèo, đã bốc mùi hôi thối “vứt” bừa bãi dưới nền giếng bẩn, ẩm ướt, phân gà, bụi than từ cái bếp than tự chế để rán mỡ ngay bên cạnh.

Có hai người đàn ông đang làm việc tại đây. Một người vớt mớ bì trong nồi rồi chất đống gần với mỡ sống, người kia dùng hết sức lấy chân “làm sạch” những miếng bì lợn trong chậu nước đã chuyển màu đen kịt. Trên bếp lò, một chảo lớn đang rán mỡ sôi lục bục. Cạnh đó là chiếc nồi luộc bì bẩn như chưa bao giờ được đánh rửa.

Những người thợ thoăn thoắt phân loại, để riêng những miếng mỡ bèo nhèo, vụn nát và miếng còn bì. Mỡ lọc ra từ đống bèo nhèo trên được đem rán rồi rót vào các can xanh đen kịt đang xếp hàng. Lâu lâu sẽ có lái buôn tới gom hàng rồi bán lẻ tại các chợ hoặc cho các lò rán hành, rán quẩy.

Tóp mỡ tích trong những chiếc thùng, được cắt ra từ thùng đựng hóa chất, bán với giá từ 1.000 – 2.000đồng/kg để làm thức ăn cho cá. Bì lợn thì được ngâm qua dung dịch để làm trắng, sau đó sấy khô thành bóng bì cung cấp cho các hàng lẩu, các cửa hàng bán đồ khô.

thit thoi

Chỉ vào đống bì lợn đã được làm sạch, chị Nga, chủ cơ sở sản xuất giới thiệu: “Gia đình tôi thu mua bì lợn ở khắp nơi. Vì nguồn hàng không phải lúc nào cũng có nên nhiều khi người thu mua phải đợi gom được số lượng kha khá mới gửi xe lên, vì thế việc bì lợn đã có mùi ôi là không tránh khỏi”.

Để giải quyết mùi khó chịu và sự chuyển màu của những miếng bì, các cơ sở sản xuất áp dụng “tuyệt chiêu” vô cùng đơn giản nhưng hiệu quả, đó là ngâm bì lợn trong nước ôxy già. “Phần lớn các cơ sở dùng chất tẩy trắng, chỉ hơn 10.000 đồng/kg, một muỗng nhỏ thuốc tẩy ngâm với 200 lít nước có thể tẩy trắng hàng tạ bì”, chị Nga tiết lộ.

Tôi thắc mắc về những chiếc can bẩn, chị Nga thanh minh đó là những thùng đựng rác, còn can đựng mỡ là can “sạch còn nguyên mác”. Thế nhưng, tôi thấy mác dán trên chiếc can “sạch” lại có chữ Corrosive (chất gặm mòn).

Mùi mỡ rán, mỡ tươi trộn vào nhau trong cái nắng hanh hao khiến không khí trở nên đặc quánh, đặc trưng của làng nghề làm bì lợn. Chốc chốc, một chiếc công nông chất đầy bao tải bì khô tiến ra từ các lò chế biến.

thit thoi

Mỗi ngày hàng tạ bì lợn thối được chế biến tại đây

Chính quyền thờ ơ, người dân chịu thiệt

Theo ông Nguyễn Huy Lập, Chủ tịch UBND xã Tân Quang thì, thôn Bình Lương có nghề làm bóng, bì, mỡ nước đã vài chục năm nay. Cứ 10 nhà thì có tới 8 gia đình sản xuất bì, mỡ nước. Người dân sống được với nghề, thậm chí có gia đình còn khá giả và phất lên nhờ xuất khẩu bì, bán bóng, mỡ nước và tóp mỡ. Những năm gần đây, khi đất ruộng bị các nhà máy lấy hết, cuộc sống của họ càng phụ thuộc vào nghề này.

Nhắc tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, không giấu giếm, ông Lập thừa nhận 100% số hộ gia đình sản xuất bóng bì, mỡ lợn ở thôn Bình Lương đều không được cấp giấy phép sản xuất vì không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất cũng chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải nên nước bẩn thải trực tiếp ra môi trường.

Có mặt tại thôn Bình Lương, phóng viên đã “mục sở thị” biết bao hình ảnh rất mất vệ sinh trong quá trình chế biến bóng bì, mỡ rán. Trong khi đó, các cơ quan chức năng của xã Tân Quang lại biện bạch: “Việc quản lý là vô cùng khó khăn. Mỗi dịp giáp tết, các cơ quan chức năng đều đi kiểm tra vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các hộ sản xuất, nhưng không bắt được hộ nào vi phạm để xử phạt”, ông Lập cho biết.

Theo PGS. TSKH Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), ô xy già chỉ có tác dụng tẩy trắng thực phẩm, chứ không diệt hết được các loại vi khuẩn cùng mầm lây bệnh như dịch tai xanh, viêm cầu…, nếu dùng phải loại bóng bì được chế biến từ những con lợn mang bệnh thì hậu quả khôn lường.

Bên cạnh đó, việc sản xuất thủ công sẽ khiến các hộ gia đình lạm dụng dùng ô xy già để tẩy trắng bì lợn, như dùng nồng độ quá đậm đặc, thời gian ngâm tẩm quá lâu…, sẽ gây tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

“Lo lắng nhất là việc người làm bóng bì mua phải những loại ô xy già trôi nổi không rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm bị ngâm tẩm với những hóa chất có trong ô xy già, dễ dẫn đến các chứng như rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng tới hệ thần kinh cũng như các bộ phận trên cơ thể người”, ông Thịnh cho biết.

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn