Liên quan đến vụ việc vừa mới xảy ra ở Đăklăk, bác sĩ kê nhầm thuốc rối loạn cương dương cho bệnh nhân viêm Amydal được giải thích với lý do lượng bệnh nhân đông và không kiểm tra lại tên thuốc nên bác sĩ bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh (TP. Buôn Ma Thuột, ĐăkLăk) đã kê nhầm thuốc cho bệnh nhân.
Đơn thuốc bác sỹ Quý kê cho bệnh nhân viêm họng Amydal cấp có tên thuốc điều trị rối loạn cương dương. |
Bác sĩ bệnh viên đa khoa Thiện Hạnh sau khi chẩn đoán anh Phùng Văn Sỹ (23 tuổi, trú tại T5, xã KRông, huyện M’Đrắk, Đăk Lăk) bị viêm họng Amydal cấp nhưng khi kê đơn thuốc, trong số các loại thuốc mà bác sĩ Quý kê cho anh Sỹ có loại thuốc Levitra không liên quan gì tới việc điều trị Viêm họng Amydal cấp.
Qua tìm hiểu, được biết, Levitra là loại thuốc kê đơn - sản phẩm của hãng Bayer (Đức) mới được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để điều trị rối loạn cương dương.
Phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, ông Cường cho rằng: những lời giải thích của bác sĩ Đặng Văn Hoàng, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính, Trưởng Khoa Liên Chuyên khoa bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh (TP. Buôn Ma Thuột, ĐăkLăk) về việc bác sĩ Võ Thị Quý của bệnh viện kê nhầm tên thuốc là có căn cứ.
Theo ông Cường, đây là một sự nhầm lẫn có thật chứ không phải là sự cố ý và lời giải thích của cán bộ bệnh viện là có căn cứ. Vì đây là hai loại bệnh hoàn toàn khác nhau và đây chỉ là trường hợp hi hữu.
Ông Cường cho biết: Bộ Y tế đã đưa ra tiêu chuẩn GPP đối với nhà thuốc. Theo Quyết định 11/2007/QĐ-BYT, nguyên tắc “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP) là đặt lợi ích của người bệnh và sức khỏe của cộng đồng lên trên hết; cung cấp thuốc đảm bảo chất lượng kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn thích hợp cho người sử dụng và theo dõi việc sử dụng thuốc của họ.
Tham gia vào hoạt động tự điều trị, bao gồm cung cấp thuốc và tư vấn dùng thuốc, tự điều trị triệu chứng của các bệnh đơn giản; góp phần đẩy mạnh việc kê đơn phù hợp, kinh tế và việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, có hiệu quả.
Trong trường hợp này, bác sĩ kê đơn nhầm tên thuốc, cái sai ấy thuộc về bác sĩ. Và bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh cũng nên có những biện pháp nhắc nhở để tránh không chỉ một bác sĩ mà tất cả các bác sĩ của bệnh viện không tái phạm trong những lần sau. Điều ấy, trước hết nhằm đảm bảo uy tín cho bệnh viện.
Nhưng khi người bệnh mang đơn ra quầy thuốc, bao giờ các dược sĩ ở đây cũng phải xem lại thật kĩ đơn thuốc trước khi đưa ra tư vấn và bán thuốc cho bệnh nhân.
Nếu dược sĩ phát hiện sai sót, hoặc sẽ phản ánh lại với bác sĩ hoặc sẽ nói trực tiếp với bệnh nhân để bệnh nhân phản ánh lại bác sĩ chẩn đoán, kê đơn lại cho mình. Vì thế sẽ không có bất kì nguy hiểm nào xảy ra khi bác sĩ kê nhầm đơn thuốc. Và sự cố này cũng là hiếm khi thấy trong ngành y tế.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội |
Trường hợp của anh Sĩ, theo ông Cường, sau khi ra quầy thuốc cũng được các dược sĩ ở đây phát hiện ra sai sót và đưa cho bệnh nhân đúng loại thuốc cần sử dụng cho bệnh viêm họng Amydal cấp của mình nên mới không có việc tái khám trở lại.
“Bệnh nhân cũng nên kiểm tra lại thật kĩ đơn thuốc, hỏi bác sĩ tất cả những thắc mắc của mình trước khi rời khỏi phòng khám”, ông Cường chia sẻ.
Ông Cường cho biết thêm, Bộ Y tế có quy định về quy chế kê đơn rất chặt chẽ, thuốc gì kê được còn thuốc gì không kê được đều có quy định rất rõ ràng. Có những loại thuốc trước khi đưa ra kê đơn còn còn trao đổi với khoa Dược lâm sàng của bệnh viện trước khi kê.
Ở bệnh viện còn có quy chế hội chẩn, nhất là với các loại thuốc đặc biệt. Trong sinh hoạt khoa học được tổ chức hàng tháng ở bệnh viện, bao giờ giữa các thầy thuốc, các dược sĩ cũng phải trao đổi với nhau để biết là thuốc này chữa bệnh nhưng nó có chống chỉ định và hạn chế sử dụng. Trong trường hợp hạn chế sử dụng nhưng vẫn buộc phải sử dụng thì phải sử dụng như thế nào và cái gì phải bổ trợ để át đi cái phần tác dụng phụ đó.
Ông Cường cũng khẳng định, ở bất kì hiệu thuốc nào, các dược sĩ cũng sẽ có nhiệm vụ xem xét lại thật kĩ đơn thuốc trước khi bán thuốc cho bệnh nhân nên không có sự nguy hiểm xảy ra cho bệnh nhân. Còn những bệnh nặng, nguy hiểm thì phải điều trị nội trú.
Theo GDVN