3 tháng đầu năm: Trên 300.000 người nhiễm cúm

Thứ sáu, 03/05/2013, 10:16
Trong 3 tháng đầu năm 2013, cả nước đã có trên 300.000 người nhiễm cúm, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong do cúm A(H1N1).

Đó là thông tin vừa được Cục Y tế Dự phòng cho biết. 

Theo  cục Y tế Dự phòng, hàng năm, nước ta vẫn ghi nhận khoảng 1,6 - 1,8 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2013, cả nước có trên 300.000 người nhiễm cúm. Từ đầu năm đến nay, qua kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia, ghi nhận sự xuất hiện của cúm B và 2 phân týp virus cúm A: cúm A(H1N1) và cúm A(H3N2), trong đó phân týp virus cúm A(H1N1) chiếm tỷ lệ 46% số mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm.

Cúm A(H1N1) đã qua giai đoạn đại dịch và sẽ tiếp tục lưu hành ở nhiều quốc gia như các chủng virus cúm mùa khác. Đến nay, cúm A(H1N1) tiếp tục ghi nhận lưu hành các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, hiện chưa phát hiện sự biến đổi gen của virus cúm này, Tổ chức Y tế Thế giới cho hay.

H1N1

Cúm H1N1 lưu hành như một cúm mùa thông thường nhưng người dân không nên chủ quan.Ảnh minh họa

Các ca H1N1 biến chứng nặng đều là do đến viện quá muộn nên không thể dùng tamiflu vì thuốc này được dùng trong 3 ngày đầu khi có biểu hiện bệnh, sẽ có tác dụng ức chế sự nhân lên của virut trong cơ thể, làm bệnh diễn biến nhẹ hơn.

Theo Tiến sĩ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ TW: cúm A(H1N1) lưu hành như một cúm mùa thông thường nhưng người dân không nên chủ quan. 

Bản chất của cúm mùa là bệnh nghiêm trọng, có thể gây tử vong.

Trên thế giới, mỗi năm ghi nhận 250.000-500.000 ca tử vong vì cúm. Tỷ lệ chết trong số các trường hợp nặng là 5-10%. 

Trước tình hình tỷ lệ bệnh nhân mắc cúm A(H1N1) trong nước đang gia tăng, Bộ Y tế đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi, phát hiện các ổ dịch.

Đặc biệt phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh để điều trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; lấy mẫu tất cả các trường hợp viêm phổi nặng để xét nghiệm xác định chủng virus gây bệnh, đồng thời nghiên cứu sự biến đổi gen của virus.

Để chủ động ngăn ngừa bệnh cúm A(H1N1), Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần thực hiện những biện pháp sau: Người bệnh có các triệu chứng cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi nên chủ động đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời, hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng.

Các cơ quan, xí nghiệp, trường học chủ động theo dõi sức khỏe của người lao động, học sinh, sinh viên, để kịp thời phối hợp với y tế cơ sở tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống lây bệnh cho những người xung quanh; tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền phòng chống cúm.

Bên cạnh đó,  người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Các hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường.

Đặc biệt, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính, người già, trẻ em dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A(H1N1) do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn