Vụ treo hình Trầm Bê ở hai chùa: Sư sãi Trà Vinh lên tiếng.

Thứ tư, 08/05/2013, 23:21
Ngày 18/4 vừa qua, Phó chủ tịch Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh - Hòa thượng Thạch Sok Xane đã gửi một lá thư phản ứng mạnh mẽ vì có một số thông tin sai sự thật về việc "treo hình ông Trầm Bê giữa chánh điện" hai ngôi chùa: Vàm Ray và Cà Hom, tọa lạc tại xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Chưa có ngôi chùa Khmer nào được đặt tên gọi là chùa “ông Trầm Bê”

Mở đầu lá thư, vị hòa thượng từ tốn: :"Vào ngày 11 tháng 4 năm 2013. Chúng tôi được xem trên mạng, có một số bài viết, kèm theo hình ngôi chánh điện hai ngôi chùa Vàm Ray và chùa Cà Hom. Chúng tôi chú ý nhất đến những thông tin:  "Chùa ông Trầm Bê gây phản cảm"

Vị hòa thượng ngoài 60 tuổi này tỏ vẻ bức xúc khi ngôi chùa Vàm Ray có lịch sử tồn tại hơn 600 năm, lại được đổi tên thành "chùa Trầm Bê":

"Trong địa bàn tỉnh Trà Vinh có 141 chùa Khmer, hơn 3000 sư sãi và trên 99% Phật tử theo đạo Phật và cũng là đạo truyền thống của dân tộc. Chưa có ngôi chùa nào được hình thành xây dựng mới và đặt tên là chùa Trầm Bê, theo tiếng của dân tộc (Wat Trầm Bê). Các vị có nhầm lẫn chăng? 141 chùa vẫn còn 141. Nếu tăng thêm được một ngôi chùa Trầm Bê cho người Khmer đều đó đáng mừng, cớ sao lại bị chỉ trích?"

Trầm Bê

Lối chính vào chánh điện chùa Vàm Ray. Ảnh: Dương Cầm

Quay ngược lịch sử, hòa thượng Thạch Sok Xane nói: "Lịch sử hình thành ngôi chùa Khmer Trà Vinh có chùa trên ngàn năm, thấp nhất cũng trên 40 năm, mỗi chùa đều có Pháp hiệu gọi bằng tiếng Pali và tên gọi theo phum srok người Khmer đang sinh sống để dễ nhớ tên chùa của mình nếu họ không biết tiếng Pali.

Như chùa Bhagaraja DuangKeo Kampong doung thường gọi tắt là (Phnô Đung), Chùa Bong Ray Chas, Chùa Chrey Pra Sat…(không phải chùa Cò, chùa Vàm Ray, chùa Hang, chùa Chim, chùa Dơi.v.v.) như người khác đã thường đặt để gọi.

Trong văn học danh từ riêng, tên của người thì không thay đổi hoặc gọi khác hơn phải không? Nếu tuỳ tiện đặt và gọi tên chùa chúng tôi như vậy có nghĩa là muốn đồng hoá ngôn ngữ dân tộc hay miệt thị tên chùa của chúng tôi một cách trắng trợn".

Vị hòa thượng khiêm tốn: "Tuy rằng chúng tôi còn dốt chữ phổ thông nhưng gọi tên của mình đúng sai cũng biết chút ít chứ và cảm nhận ra sao thưa quí vị?"

Ông Thạch Sok Xane nhẹ nhàng nhưng gay gắt: "Tên chùa chúng tôi đã liệt kê vào danh sách trong đồng bào và sư sãi Khmer, về mặt hành chánh đã được đăng ký danh mục sinh hoạt tôn giáo và GHPGVN, không một ai có quyền thay đổi tên gọi khác được và cũng chưa có ngôi chùa Khmer nào được đặt tên gọi là chùa “Ông Trầm Bê” ở nơi bảng hiệu chùa.

Có lẽ quí vị xem chữ Khmer không biết hay không muốn biết hay muốn đặt tên chùa một danh từ khác để xoá tên một ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh".

"Khắc bia tên hoặc chân dung...đâu có gì gọi là trái nghịch đạo lý, phong tục của dân tộc Khmer"

Trước khi vô vấn đề chính về việc có nhiều thông tin sai lệch việc hai ngôi chùa Vàm Ray và Cà Hom cho treo hình ông Trầm Bê cùng các thành viên gia đình ông giữa chánh điện, hòa thượng Thạch Sok Xane viết:

"Ông Trầm Bê là một người giàu có lại có lòng từ thiện và lòng hảo tâm, Ông đã làm nhiều công trình phúc lợi xã hội, xây trường học, tặng nhà tình thương cho đồng bào nghèo ở Trà Vinh trên nghìn căn, chăm sóc sức khoẻ giúp đỡ bệnh nhân nghèo, tặng quà cho bà con nghèo hàng tấn gạo hằng năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, góp phần không nhỏ trong xoá đói giảm nghèo ở Trà Vinh, việc làm đó có thật và một cách tích cực. Sao không thấy biểu dương?".

Trầm Bê

Mặt tiền đẹp lung linh của chùa Vàm Ray. Ảnh: Dương Cầm

"Ông và gia đình lại là Phật tử sùng bái đạo Phật, việc phát tâm xây dựng và trùng tu, sửa chùa đó là đều đáng được trân trọng và tôn vinh công đức.Tại sao lại bị chê bai, chỉ trích? Hình ảnh, người thật việc thật thì lại bị chê bai, còn hình ảnh trừu tượng mơ hồ thì được tăng bốc. Như vậy đạo lý "uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây” đặt ở đâu?" - Hòa thượng Thạch Sok Xane đặt câu hỏi.

Hòa thượng Thạch Sok Xane vào vấn đề chính: "Việc ông Trầm Bê giúp nhà chùa trùng tu, xây dựng chánh điện hay sala tean hoặc Tăng xá…, và việc khắc bia tên hoặc chân dung gia đình trên vách bên ngoài chánh điện, có phải bên trong chánh điện, nơi Phật ngự đâu thì có gì gọi là trái nghịch đạo lý, thuần phong mỹ tục và phong tục của dân tộc Khmer?

Mà đó là việc làm để thể hiện sự tri ân và cảm niệm công đức của Chư tăng và Phật tủ trong bổn chùa đối với người đã có công trùng tu, xây dựng, sửa chữa chùa".

Và vị hòa thượng này cũng không quên việc có thông tin cho rằng ông Trầm Bê đã phá hết ngôi chánh điện cổ của ngôi chùa Vàm Ray, xây mới hoàn toàn (Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên thì  trước khi xây mới hoàn toàn ngôi chùa Vàm Ray, ông Trầm Bê đã bỏ ra một số tiền lớn để mời "thần đèn" Nguyễn Cẩm Lũy di dời hai ngôi chùa cũ trong cụm chánh điện sang một vị trí mới, trùng tu và giữ nguyên trạng di tích ngôi chùa Vàm Ray cổ):

"Còn nói ông Trầm Bê phá bỏ cái cũ để xây cái mới phải đặt tên và tôn vinh là chùa Trầm Bê. Điều đó càng sai lầm, không thể chấp nhận. Qúi vị nên phân biệt rõ ràng. Thế nào gọi là chùa, cái nào là chánh điện, sala tean , tăng xá… chùa gồm có những công trình gì? 

Đâu có chuyện xây sửa chánh điện xong phải lấy tên của mình để đặt bảng tên chùa, chuyện đó không có trên đời và người Khmer cũng không cho phép ai làm như vậy". Hòa thượng Thạch Sok Xane nhấn mạnh.

Vị hòa thượng viết tiếp: "Chúng tôi rất hoan nghênh việc đóng góp ý kiến xây dựng nét văn hoá chùa chiền bằng nhiều hình thức: trực tiếp hoặc gián tiếp, chứ đâu cho phép tuỳ tiện viết bài phản cảm như thế. Thật là mỉa mai, hơi quá đáng".

Trầm Bê

Hình ảnh gia đình ông Trầm Bê treo ngay cổng phụ phía sau ngôi chánh điện chùa Vàm Ray. Ảnh: Dương Cầm

PV đã về đến tận xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, là quê hương của ông Trầm Bê, để xác minh sự thật thông tin tại chùa Vàm Ray và chùa Cà Hom. Báo Giáo dục Việt Nam đã có bài phản ánh: "Thực hư việc ông Trầm Bê treo hình giữa chánh điện hai ngôi chùa", đăng ngày 29/4/2013.

Theo ghi nhận của phóng viên: Chánh điện hai ngôi chùa này đều có 4 cửa: Cửa chính, hai cửa phụ ở hai bên hông và cửa hậu. Lối vào cửa chính hướng về phía Đông, trên vách có một bia lưu niệm công đức đề tên ông Trầm Bê và vợ, bà Viên Đông Anh. 

Lối vào cổng phụ bên hông phải chánh điện, trên vách có khắc tên, ảnh của cha ruột ông Trầm Bê (ông Dương Quơ), mẹ ruột ông Trầm Bê (bà Trầm Thị Sinh), mẹ lớn (vợ lớn của bố ông Trầm Bê, bà Thạch Thị Sinh). Lối vào cổng  phụ chánh điện bên hông trái là 3 bảng công đức 3 người con của ông Trầm Bê là: Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều và Trầm Khải Hòa.

Trầm Bê

Bên trong chánh điện chùa Vàm Ray. Trên các vách tường là hình ảnh tái hiện cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, hoàn toàn không có tấm ảnh nào của ông Trầm Bê như thông tin trên mạng. Ảnh: Dương Cầm

Riêng lối vào cổng hậu chánh điện, có 1 tấm ảnh ông Trầm Bê, vợ và các con  được treo trên vách, bên ngoài chánh điện.

Bên trong chánh điện hoàn toàn không có hình ảnh, bia tên của cá nhân ông Trâm Bê và các thành viên trong gia đình.  Bốn bức tường bên trong chánh điện được trang trí nhiều hình ảnh tái hiện cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì vậy việc có thông tin "Vào chùa Vàm Ray và chùa Cà Hom, lạy Phật cũng lạy luôn đại gia Trầm Bê và gia đình"  là không đúng sự thật.

Ộng Nguyễn Tấn Sự, có thời gian làm Bí thư Đảng ủy xã Hàm Giang từ năm 1981 - 1992, cho biết: "Bản thân tôi từng tu học ở chùa Vàm Ray và một thời gian tu ở chùa Cà Hom. Tôi và bà con Khmer rất bức xúc trước thông tin về việc chúng tôi treo hình ông Trầm Bê và gia đình giữa chánh điện hai ngôi chùa".

Trầm Bê

Ông Nguyễn Tấn Sự, cựu Bí thư Đảng ủy xã Hàm Giang. Ảnh: Dương Cầm

Ông Sự nói thêm: "Vì quý mến, muốn tri ân ông Trầm Bê bỏ tiền công đức xây dựng hai ngôi chùa, bà con Phật tử và Ban quản trị chùa Vàm Ray, chùa Cà Hom đã đồng ý, đề nghị việc khắc bia lưu niệm, treo hình ông và gia đình trên vách bên ngoài chánh điện. Đó là một việc bình thường, phù hợp với đạo lý uống nước, nhớ nguồn của người Khmer chúng tôi".

Theo GDVN

Các tin cũ hơn