“Ngu mới xây cầu vượt trên Đàn Xã Tắc”

Thứ năm, 09/05/2013, 07:32
Nhiều nhà khảo cổ học lên tiếng cần bảo vệ di tích Đàn Xã Tắc. Nhưng luồng ý kiến khác lại cho rằng cần phải xây dựng cầu vượt ở Đàn Xã Tắc để phục vụ mục đích phát triển.

Buổi tọa đàm sáng 8/5 với chủ đề: Đàn Xã Tắc có đáng được bảo vệ hay không? Tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp, thậm chí tranh luận quyết liệt về chủ đề vốn đã rất nóng trong thời gian qua.

Khảo cổ tìm thấy gì?

Qua đào 6 hố với những hướng địa lý khác nhau, TS. Nguyễn Hồng Kiên – người phụ trách khai quật di tích Đàn Xã Tắc vào năm 2006 khẳng định “đây là di tích rất đáng được bảo tồn”. Ông dẫn dụ cuốn sử sớm nhất của Việt Nam ghi rõ nhà Lý lập Đàn Xã Tắc ở cửa Trường Quảng. Bản đồ Hà Nội năm 1943 cũng ghi rõ địa danh này.

Dan Xa Tac

TS. Nguyễn Hồng Kiên - người được giao nhiệm vụ khai quật Đàn Xã Tắc. Ảnh LD

Khi phát hiện dấu tích, Hà Nội đã giao cho TS. Kiên khảo sát. Việc này được tiến hành với diện tích 100 m2 từ 3/10 - 25/11/2006. Khi thấy dấu vết, nhóm khảo sát đã đề nghị Hà Nội cho phép mở rộng phạm vi nghiên cứu lên 800m2.

Khai quật, những dấu tích đã được phát hiện, đầu tiên là điểm mốc lấy ở một nền lát ngạch thời Lê, cao 6,2 mét. Viện địa chất cho biết khu khai quật là di tích Thăng Long với gò tự nhiên được hình thành khoảng 4 nghìn năm trước. Lớp đất cát khai quật cũng rất rõ ràng.  

Tiếp đến lớp đất mặt dày 80 cm đến 1 mét (có chỗ 1,2 mét) có màu nâu đen lẫn nhiều gạch ngói. “Chỗ ta đang sinh sống không quá dày. Cuộc sống hiện tại sẽ ảnh hưởng đến di tích bên dưới”. Lớp đất từ 1 – 2 mét, các nhà khai quật phát hiện có khu vực chống thiếu hẳn, chứng lý chứng minh khu vực này là Đàn Xã Tắc.

Ngoài ra TS. Kiên còn khai quật được những hiện vật cách 3000 năm, ngoài đồ gốm còn có nhiều vòng tay bằng đá, các công cụ lắp đặt rìu đá, mộ vò, đồ đựng, cụm đồ sang thời Lý thế kỷ 11… Khi lọc đất trong các bình gốm thu được nhóm khai quật còn phát hiện hạt thóc gạo Rọc Dền, chứng minh đây là nơi thờ thần mùa màng. Bên cạnh đó còn những viên gạch thời Lê được đóng dấu khá đẹp, trau chuốt.

Dan Xa Tac

Buổi tọa đàm với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu. Ảnh LD

“Khi khai quật tôi đã mặc cả với thành phố nếu chỉ tìm thấy lớp đất thì sẽ khẳng định đấy là di tích Đàn Xã Tắc. Và khi khai quật đã phát hiện đất lẫn đá nhỏ, gạch gói vỡ được dùng để tôn cao, mở rộng mặt bằng nền Đàn. Từ đó Hà Nội đã công nhận đó là Đàn Xã Tắc như tôi đã mặc cả” – TS. Kiên nói.

Khẳng định di tích đã khai quật được “nên bảo vệ”, KTS. Đoàn Đức Thành cho rằng, việc tìm ra được những dấu tích như vậy rất quý, nhưng các nhà khảo cổ phải khẳng định được nó rộng bao nhiêu, tâm thế nào, hướng ra sao…để vừa giữ được truyền thống, và mang cả cái hiện đại.

“Làm thế nào để không phạm quy tắc người xưa. Do vậy cần khoanh vùng lại diện tích bao nhiêu để bên giao thông có kế hoạch triển khai”. 

Nói về việc xây cầu vượt qua khu vực này, ông Thành khẳng định: “Ngu mới làm cầu vượt qua Đàn Xã Tắc”.

“Đưa Đàn Xã Tắc lên trên cầu vượt” 

Thừa nhận những gì làm được rất đáng trân trọng, tuy nhiên nhà nghiên cứu Trần Thị Kim Anh lại cho rằng Tế Xã Đàn thời Lê rất đơn giản, được quy định như Đàn Cao Môi. Không đưa ra giải pháp, song bà Anh nêu quan điểm: “Đàn Xã Tắc thời Lê không quá quan trọng. Đàn nước mình cũng không quá quan trọng như mình vẫn nghĩ”. 

Ông Nguyễn Văn Hảo – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, người đã lên tiếng ủng hộ việc xây cầu vượt cho rằng, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển luôn được đặt ra hàng ngày. Nhưng tất cả đều vì con người đang sống, vì thế cần phải cân nhắc giải quyết hài hòa.
Dan Xa Tac

Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về bảo tồn và phát triển. Ảnh LD

“Tạo sao lại đặt vấn đề có đáng được bảo tồn không? Như vậy không hợp lý. Di tích Đàn Xã Tắc thời Lý có một số sách nói nhưng rất chung chung. Trong quá trình xây dựng làm nhà của người dân trong vùng khiến việc tìm ra Đàn rất khó khăn. Việc khai quật 90 m2 trước kia đã vồ trượt, và không có dấu tích nào chứng minh Đàn Xã Tắc. Nơi đây mãi chỉ là dấu tích mà thôi”.

Ông Hảo cũng đề nghị khi xây cầu cần đào hố rộng 2 mét để xem trụ cầu có dính vào Đàn Xã Tắc không. Ngoài ra cũng cần duy trì bảo tồn địa danh đã làm và dựng tám bia đá ở một nơi thích hợp, tạo thuận lợi để giáo dục cho lớp trẻ, để mọi người có điều kiện đến tìm hiểu.

Buổi hội đàm cũng thu hút sự chú ý khi có sự góp mặt của ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, người cũng từng lên tiếng ủng hộ việc xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc. Khẳng định phải bảo tồn di tích đã khai quật, nhưng ông Liên cho rằng “cái gì chưa thấy thì cần tìm hiểu thêm, nếu vội công bố sẽ gây hoang mang cho nhân dân”.

Dan Xa Tac

Ông Nguyễn Văn Hảo khẳng định không có dấu tích nào chứng minh Đàn Xã Tắc. Ảnh LD

Tiếp tục bảo về quan điểm, ông Liên nhấn mạnh: “Phá Đàn Xã Tắc không phải quân Thanh, quân Mỹ, quân Pháp mà do chính chúng ta. Tổ tiên chúng ta phá thì không đến mức thiêng liêng như vậy. Nếu nói xây cầu là đi trên đầu tổ tiên vậy việc xây nhà thì sao, máy bay trên bầu trời thì thế nào?”.

Nhà Nghiên cứu khảo cổ học Vũ Thế Khanh nói Đàn Xã Tắc có 5 chỉ tiêu. Vì vậy muốn biết đó có phải Đàn Xã Tắc không thì phải thỏa mãn đầy đủ 5 chỉ tiêu này. Ông cho rằng nếu “chỉ khai quật một điểm mà đã khẳng định đó là Đàn Xã Tắc thì không hẳn”. Bởi khu vệ Đàn đã rộng 4,5 ha. Chỉ riêng nội Đàn thôi đã phải có diện tích 6400 m2, được bày đặt theo 4 phương, vật chứng cũng phải có 5 màu khác nhau.

“Tôn trọng di tích lịch sử nhưng chúng ta phải có cách. Có thể đưa Đàn lên cao và làm cầu vượt qua” – ông Khanh đưa ra đề nghị táo bạo.

Có cùng quan điểm này, KTS. Đoàn Đức Thành cho rằng có nhiều giải pháp để xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc mà vẫn không sợ xâm phạm di tích. Qua đó có thể “nâng Đàn lên trên cầu vượt”.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn