Nhà hỏa táng chỉ cách khu dân cư 200m?
Theo đơn phản ánh của các hộ dân ở Khu đường 23B và thôn Phú Hữu, xã Thanh Lâm, Mê Linh, Hà Nội, ngày 15/10/2012, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội ban hành Quyết định số 3101/QĐ – QHKT về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước, địa điểm tại xã Thanh Lâm, Mê Linh, Hà Nội, với diện tích đất hơn 6,4ha.
Chủ đầu tư dự án này là Công TNHH thương mại Hoa Sen Vàng, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Khu vực này sẽ di dời để xây dựng Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước. Ảnh. Xuân Hải. |
Mục tiêu của đồ án là tạo lập mô hình công viên nghĩa trang mới, văn hóa, văn minh, hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm đất đai, đáp ứng yêu cầu mai táng của nhân dân khu đô thị Mê Linh và vùng phụ cận.
Xác định quy mô nghĩa trang theo hình thức hỏa táng lưu tro, xác định công nghệ táng đảm bảo nhu cầu sử dụng trước mắt và lâu dài, hiện đại, văn minh, đảm bảo vệ sinh môi trường, phù hợp bản sắc văn hóa và nhu cầu phát triển của xã hội...
Tuy nhiên, trong tổng số hơn 6,4 ha đất để xây dựng “Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước” được Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội phê duyệt đã phân bổ 5.126m2 đất để xây dựng Khu nhà hỏa táng.
Chính việc xây dựng Nhà hỏa táng này đã khiến hàng trăm hộ dân sinh sống tại khu dân cư đường 23B và thôn Phú Hữu, xã Thanh Lâm gần “Dự án Thiên đường Thanh Tước” không đồng tình, gửi đơn lên các cơ quan chức năng của xã, huyện, thành phố.
Ông Nguyễn Văn Môn (68 tuổi), trú tại Khu đường 23B, xã Thanh lâm, Mê Linh cho biết: Dự án “Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước” đang được triển khai GPMB, xây dựng tại đây, các hộ dân chúng tôi không hề phản đối nếu dự án được triển khai đúng theo quy định, quy chuẩn của nhà nước đề ra.
Tuy nhiên, khi thấy dự án có “Nhà hỏa táng” được xây dựng chỉ cách khu dân cư chưa đầy 200m, trong khi đó các hộ dân chúng tôi sinh sống gần khu vực triển khai dự án không được chính quyền địa phương thông báo hay được tham gia bàn bạc về dự án này nên chúng tôi mới viết đơn đề nghị để các cấp chính quyền làm rõ cho người dân biết và có hướng điều chỉnh đúng theo quy định.
Cũng theo ông Môn, hiện tại nguồn nước sinh hoạt gần khu vực Nghĩa trang Thanh Tước cũ – có hơn 1 vạn ngôi mộ, đã bị ô nhiễm, không sử dụng được khiến đời sống của người dân tại khu vực này bị ảnh hưởng nhiều. Nay thêm “Nhà hỏa táng” được xây dựng gần khu dân cư thì người dân sẽ sinh sống như thế nào?
Theo quy định tại Mục 10.4, Chương 10, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị - Quy chuẩn QCVN 07: 2010/BXD, do Bộ Xây dựng ban hành theo Thông tư 02/TT – BXD ngày 5/2/2010, thì khoảng cách tối thiểu từ nghĩa trang chôn cất một lần đến đường bao khu dân cư phải là 500m.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 3110/QĐ – QHKT do ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội ký ngày 15/10/2012 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 “Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước” thì khoảng cách từ “công viên” này đến khu dân cư chỉ chưa đầy 200 m.
Cũng theo khoản 1, Mục 10.9, Chương 10, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị - Quy chuẩn QCVN 07:2010/BXD, đối với “Nhà hỏa táng” quy định: “Nhà hỏa táng được xây dựng thành một khu riêng hay trong khuôn viên nghĩa trang tùy theo điều kiện của địa phương. Khoảng cách ly nhỏ nhất từ nhà hỏa táng hiện đại đến khu dân cư gần nhất là 1.500m”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ dân sinh sống tại khu đường 23B, Thanh Lâm thì “nhà hỏa táng” chỉ cách khu dân khoảng 300m.
Dân mong chính quyền tổ chức họp để được bàn bạc
Chị Trần Trang Nhung, Khu đường 23B, xã Thanh Lâm cho hay, người dân tại khu vực này rất bức xúc trước việc chính quyền địa phương không họp dân để bàn bạc hay thông báo, công bố công khai khi dự án được phê duyệt để người dân nắm được dự án này có tác động môi trường như thế nào đối với cuộc sống của họ và dự án được xây dựng có đúng với quy định của nhà nước không như khoảng cách, xa gần thế nào...
Trong khi đó người dân đang sống gần khu Nghĩa trang với hơn 1 vạn ngôi mộ. Ảnh. Xuân Hải. |
“Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng của Thành phố cần thực hiện dự án theo đúng quy định mà Bộ Xây dựng đã ban hành. Cụ thể, “nhà hỏa táng” phải cách khu dân cư gần nhất là 1.500m và đối với nghĩa trang chôn cất một lần tối thiểu là 500m. Bên cạnh đó, phải thông báo cho chúng tôi mức độ ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng như thế nào đối với người dân sinh sống gần khu vực nghĩa trang mới này”, chị Nhung đề nghị.
Trao đổi với PV chiều 14/5, ông Đoàn Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cũng đã thừa nhận: Chúng tôi mới chỉ thông báo và họp đối với những bà con ở thôn Phú Hữu có đất nông nghiệp nằm trong diện thu hồi để phục vụ dự án. Còn những hộ dân xung quanh khu vực dự án chúng tôi sẽ tổ chức họp, thông báo sau.
Cũng theo ông Trọng, liên quan đến vấn đề tác động môi trường đối với người dân xung quanh khu vực, cũng như khoảng cách từ Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước đến khu dân cư thì thuộc trách nhiệm của các sở, ngành Thành phố sẽ trực tiếp họp, thông báo và trả lời những thắc mắc, kiến nghị của bà con.
“Sáng 15/5, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo các Sở ban ngành liên quan đến dự án Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh tước như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch kiến trúc... với các đảng viên ở các thôn, khu xung quanh khu vực dự án để trả lời và giải đáp các thắc mắc của bà con.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục tổ chức các cuộc họp với bà con ở từng khu, thôn xung quanh khu vực dự án để giải quyết kịp thời những thắc mắc, kiến nghị của người dân”, ông Trọng nhấn mạnh.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Theo Infonet