Bố đừng hút thuốc kẻo không ai nuôi con!

Thứ bảy, 25/05/2013, 07:37
Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đã có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, thế nhưng vẫn nhan nhản các trường hợp vi phạm. 

Nhiều người tỏ ra nghi ngờ hiệu quả thực thi Luật này. Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) tỏ ra lạc quan, tin tưởng và cho rằng mọi thứ sẽ dần đi vào quỹ đạo. 

Cấm triệt để là cực đoan 

Tại sao thuốc lá có hại mà không cấm triệt để, như cấm pháo chẳng hạn?

 -Thuốc lá không phải là ma túy nên không thể cấm. Phòng, chống thuốc lá là vấn đề lớn mà QH đã thảo luận kỹ, bởi vì lĩnh vực sản xuất, buôn bán thuốc lá nộp ngân sách cũng khá nhiều, tạo việc làm cho người trồng nguyên liệu thuốc lá, nhất là nông dân ở nhiều vùng. Hiện nay, tính chung các loại, một năm ngành này nộp ngân sách Nhà nước khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng. 

Pháo cũng là truyền thống từ bao đời nay mà còn cấm được. Phải chăng khó cấm triệt để thuốc lá do nguồn thu lớn?

- Thực sự, thu ngân sách từ thuốc lá không phải lý do chính. Cái chính là quyền con người được hút thuốc. Nếu hút mà không ảnh hưởng đến ai thì không có lý do gì để cấm. Pháo được quy định là mặt hàng nguy hiểm nên phải được kiểm soát chặt chẽ. Thuốc lá không phải ma túy, chỉ là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên không thể cấm sản xuất và cấm hút.

Khi QH thảo luận Luật này cũng xác định: Luật PCTHTL chỉ cấm hút ở một số nơi và đưa ra các biện pháp như hạn chế nơi bán, cấm bán cho trẻ em, tăng thuế... nhằm mục đích tuyên truyền tác hại của thuốc lá, tăng giá thuốc lá để gián tiếp hạn chế người hút. 

Trên thế giới có nước nào cấm triệt để thuốc lá không?

- Không có nước nào cấm triệt để thuốc lá. Họ cũng có Luật như mình thôi. Chỉ có điều một số nước kiểm soát, xử phạt rất chặt hơn, đánh thuế cao hơn. Cấm toàn bộ thuốc lá là một điều cực đoan và không phù hợp, vì có những người nghiện rất khó bỏ. Nếu cấm triệt để ở nước ta, thì sẽ sinh ra tình trạng buôn lậu, nhập lậu thuốc lá để đáp ứng nhu cầu hút thuốc của những người nghiện, như vậy sẽ làm cho tình hình phức tạp hơn nhiều. 

cam thuoc la

Tương lai thuốc lá sẽ đắt hơn

Ông có hút thuốc lá không?

- Trước tôi có hút, nhưng sau tôi bỏ, hiện nay tôi không hút.

Trước ông hút ở mức bình thường hay cũng là người nghiện?

- Hồi đi bộ đội tôi hút khá nhiều. Gọi là nghiện cũng được. Nhưng sau đó, tôi đi học ở nước ngoài, vì bên đó thuốc lá bán đắt quá và không hợp gu của mình nên tôi bỏ. Khi thuốc lá đắt hơn thì một số người sẽ bỏ.

Với ông, việc bỏ thuốc lá có khó khăn không?

- Tất nhiên cũng khó khăn. Mất một vài tuần. Nhưng giờ nhìn lại tôi lại thấy bỏ thuốc không phải là điều gì quá khó, nếu quyết tâm thì sẽ bỏ được.

Tôi thấy giá thuốc lá ở Việt Nam vẫn rẻ, giá trung bình một bao thuốc chưa bằng bát phở, dù đã bảo là tăng giá. 

- Tương lai thuế tăng, thuốc lá sẽ đắt hơn. So với các nước thì thuế thuốc lá của mình vẫn thấp.

 

Trách nhiệm của người đứng đầu

Khi đưa ra QH bàn thảo Luật này, mọi người có lường trước được tuy Luật có hiệu lực nhưng người dân vẫn nhờn không? Ví dụ, yêu cầu đội mũ bảo hiểm còn có công an giám sát. Còn thuốc lá, người ta dễ vi phạm hơn nhiều. 

- Khi thảo luận luật này, điều các đại biểu QH quan tâm là: Ai sẽ là người đi phạt? Sau khi tham khảo kinh nghiệm của các nước, chúng tôi thấy: Người đứng đầu các cơ sở có trách nhiệm quan trọng trong việc nhắc nhở, kiểm soát việc hút thuốc lá trong phạm vi cơ sở của họ.

Và nếu người hút thuốc cố tình vi phạm thì sẽ gọi cho công an nơi sở tại đến xử phạt. Thực tế, từ khi chưa có Luật (nhưng có chỉ thị của Thủ tướng về cấm hút thuốc ở nơi công cộng) thì lãnh đạo ở một số bệnh viện đã kiểm soát khá tốt việc hút thuốc ở trong khuôn viên của họ.

Ông nói đến vai trò của người đứng đầu. Nhưng tôi thấy ở một số nơi, như trường đại học chẳng hạn, có những giáo sư rất giỏi lại nghiện thuốc lá. Bác sĩ cũng vậy, chuyên môn giỏi nhưng nghiện thuốc lá. Người đứng đầu đơn vị biết điều đấy nhưng rất khó phạt.

- Không phạt nhưng sẽ nhắc nhở, để người hút biết và hút thuốc đúng nơi đúng chỗ. Tôi cho rằng những người nghiện, nếu được tuyên truyền, hiểu và thấy được trách nhiệm của mình thì họ sẽ hút thuốc lá đúng nơi đúng chỗ. 

Sự thực tôi gặp là người ta vẫn hút, rất khó xử phạt hay nhắc nhở vì những người đó lại sống rất đứng đắn, nghiêm túc, mỗi tội nghiện.

- Đấy là chưa có quy định cấm hút thuốc lá ở chỗ đó. Bây giờ đặt biển: Cấm hút thuốc lá trong giảng đường, tôi cam đoan không có thầy giáo, giáo sư nào hút thuốc lá trong giảng đường. 

Ở nhiều nơi đã có biển cấm hút thuốc lá ở hành lang từ khi chưa có Luật.

- Chưa có Luật, bảo vệ nhắc nhở ở mức độ có hạn thôi. Khi đã có Luật, nếu bảo vệ đã nhắc mà người hút thuốc lá cố tình vi phạm, chống đối, sẽ gọi công an, thanh tra đến phạt. Số tiền phạt cũng không nhỏ đâu. Khi QH thảo luận luật này, đã có cuộc tranh cãi rất lớn, cũng có khá nhiều ý kiến còn lo ngại việc xử phạt.

Nhưng xét về khía cạnh nhân văn thì chúng ta phải ban hành Luật này, vì phòng bệnh hơn chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và tiết kiệm ngân sách. Nếu để người dân hút lung tung ở khắp mọi nơi thì sẽ gây bệnh tật và chúng ta sẽ rất tốn tiền chữa bệnh cho người dân. 

Tính nhân văn của Luật

Ông có vẻ rất tin tưởng, lạc quan về việc thực thi Luật này?

- Bạn cứ yên tâm. Mọi thứ sẽ dần dần đi vào quỹ đạo. Nó sẽ không được như quy định về đốt pháo hay đội mũ bảo hiểm - nhìn là rõ. Đội mũ bảo hiểm ở ngoài đường, đi ra đường kiểm soát rất dễ.

Việc thực thi Luật này tản mát ở khắp các cơ quan, ban ngành, công sở. Chính vì thế, trách nhiệm chính kiểm soát là của người đứng đầu cơ quan. Thật ra, theo tôi, mục tiêu của Luật rất nhân văn, nhất là hạn chế hút thuốc nhả khói tràn lan ở những nơi công cộng, công sở.

Ở nơi công cộng có người giám sát. Còn trong gia đình, khi ông bố vi phạm thì sẽ khó  xử phạt đây?

- Nhà trường sẽ tham gia vào việc giáo dục học sinh. Khi đó, nếu trẻ thấy ông bố hút thuốc, trẻ sẽ kêu, chẳng hạn như "Bố đừng hút thuốc kẻo mang bệnh thì không ai nuôi con", tôi nghĩ một ông bố nghe vậy, chắc xót xa và suy nghĩ lắm! Chúng ta nên tin tưởng, mọi thứ phải dần dần. Ban hành được Luật này đã là một thành công bước đầu. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. 

Từ ngày 1/5/2013, Luật PCTHTL có hiệu lực. Theo quy định, các địa điểm cấm hút thuốc lá công cộng hoàn toàn gồm:

Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục (trừ trường cao đẳng, đại học, học viện); cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; các địa điểm trong nhà cấm hút thuốc lá hoàn toàn, gồm nơi làm việc, trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng, phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn, gồm ô tô, máy bay, tàu điện.

Những hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm; bỏ tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000đ. Phạt tiền 500.000 - 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi bán cung cấp thuốc lá chưa đủ 18 tuổi và sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá.

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn