Cận cảnh dây chuyền chế biến "trà ướp xác" ở Bình Dương

Chủ nhật, 02/06/2013, 12:32
Một ông chủ thu gom bã trà từ các công ty sản xuất nước đóng chai về tái chế thành "trà ướp xác" chuyên dùng để khâm liệm người chết. Nhưng ai biết được họ có bán cho người dùng bình thường để uống.

Xâm nhập “dây chuyền công nghệ” tái chế bã trà thành "trà ướp xác"

“Nhà máy” tái chế bã trà không bảng hiệu, ở khu phố Bình Đức. Giữa trời nắng như đổ lửa, trước mắt chúng tôi, trên khu đất trống rộng khoảng 5.000m2, các công nhân đang đổ hàng tấn bã trà xanh nhão nhoẹt như phân trâu ra phơi. Sau khi bã trà đã khô, các công nhân đổ vào máy sàng sảy...

Ghé vào chỗ nghỉ của 5 người làm, chúng tôi được một thanh niên cho biết: “Ông chủ mua bã trà phế thải từ mấy Cty sản xuất nước trà xanh đóng chai”. Tôi hỏi: “Phơi để làm gì?”. Một người trả lời: “Làm trà ướp xác”.

Những người làm công kể cho tôi và anh Sang nghe quy trình, công nghệ tái chế bã trà thành loại “trà ướp xác”, mà lần đầu tiên tôi mới nghe, mới biết: Sau khi các Cty “ông lớn” sản xuất các loại nước trà đóng chai; bã trà phế thải - thay vì hủy bỏ hoặc dùng làm phân bón cho cây trồng - lại được tuồn ra, bán rẻ cho ông chủ (tên Hoàng) chuyên tái chế bã trà.

Tại gian nhà tôn lụp xụp, chất hàng chục tấn bã trà đã được phơi, sấy... Ông chủ thuê hơn chục người làm công việc tái chế bã trà. Lương mỗi người từ 2 - 4 triệu đồng/tháng. Hằng ngày, nhiệm vụ của họ là đổ bã trà ra phơi, sàng lọc ra nhiều chủng loại...

Trong nhà có gần 10 lò sấy, liên tục đỏ lửa, có 2 - 3 người đổ từng mẻ bã trà vào lò sấy. Sau khoảng 2 giờ, cánh trà se cuốn, mẻ bã trà được đổ ra thành đống cạnh lò...

Bốc một nắm trà đã được sấy xong, đưa lên mũi ngửi không thấy mùi vị gì. Nhưng về mặt cảm quan, những lá trà khô, màu đen cứng, se lại, không khác gì trà được bỏ vào bọc, bán ký ngoài thị trường.

Tôi thắc mắc: “Trà này có mang ra bán cho người ta uống không?”. Một người làm công cho biết: “Tụi em chỉ sấy thôi. Sau đó chia làm nhiều loại, loại tốt, loại vừa, loại xấu. Bã trà sấy xong, chở về thành phố ướp hương, trộn lài, rồi bán cho các trại hòm để ướp xác”.

Một người khác ỡm ờ: “Mang về ướp hương trà, trộn hoa lài, hoa sen, làm trà uống có sao đâu. Trà đó có giá tới 10.000 đồng/kg”...

“Nhà máy chui” và “trung tâm” phân phối vô danh

Bất ngờ, chiếc ôtô BKS 51A – 380.20 chạy xộc vào. Anh Sang vồn vã chào đón ông chủ Hoàng (gần 40 tuổi): “Bọn tui xuống tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới”. Từ ngờ vực, ông chủ chuyển sang thân mật: “Vậy mà mấy đứa gọi tôi về gấp, tưởng có chuyện...”.

Tôi nhanh trí: “Xưởng to quá, bã trà mua ở đâu vậy anh?”. Ông Hoàng đáp: “Mua từ mấy Cty sản xuất nước trà xanh”. “Anh mua bao nhiêu một ký? Phơi, sấy xong, bán ra được bao nhiêu?”.

Ông Hoàng trả lời: “Lúc trước, họ cho không, nhưng giờ họ bán từ 200 - 300 đồng/kg. Tôi phơi, sấy, bán làm trà ướp xác người chết cho các trại hòm, giá từ 2.000 - 4.000 đồng/kg”.

Anh Sang hỏi: “Cơ sở chế biến có giấy phép không?”. Ông chủ Hoàng giả lả: “Không, tôi có thuê đất của phường”. Anh Sang: “Hôm nào ông lên phường kê khai, tôi hướng dẫn thủ tục cho. Không có giấy phép, quản lý thị trường kiểm tra là chết”.

Ông Hoàng nói: “Quản lý thị trường huyện, toàn quen biết hết mà. Anh em dưới phường, tôi cũng quen luôn” (!?). Chúng tôi chia tay ông chủ và rời khỏi “nhà máy”.

Theo anh Sang, “nhà máy” này tồn tại đã hơn 2 năm nay, nhưng thật không ngờ, một cơ sở to đùng như vậy, hoạt động... “chui”, không có giấy phép mà không ai “hỏi thăm”.

Sáng hôm sau, tôi mật phục tại cổng “nhà máy”. Khoảng 10 giờ, một xe tải có cần cẩu chở hơn chục chiếc giỏ màu trắng, bên trong mỗi giỏ chứa trên 100kg bã trà. Chiếc xe chạy vào “nhà máy”, dùng cần cẩu móc từng giỏ lớn bã trà thả xuống cho những người làm công đổ ra sân phơi...

Khoảng 10 giờ 30, chiếc xe tải BKS 54V-7592, có ghi dòng chữ “Hội Chữ thập Đỏ” chạy ngược ra. Xe chở đầy sản phẩm... bã trà đã được tái chế. Lập tức, tôi bám đuôi theo dõi...

Sau hơn một giờ, chiếc xe tải ghé vào “bãi giữ xe Thanh Phát” (địa chỉ 245/61B Hòa Bình, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú, TPHCM). Tôi tìm cách vào sâu trong bãi giữ xe. Lại một gian nhà tôn xập xệ không bảng hiệu. Những bao bã trà được chất cao tận nóc nhà.

Hóa ra, đây là điểm tập kết bã trà đã tái chế. Một người đàn ông chạy xe gắn máy vào, một thanh niên vác 2 bao loại 50kg, đặt lên xe. Người lái xe máy chở bã trà ra khỏi bãi xe và mất hút.

Tôi xông vào nhà chứa bã trà và thấy hơn chục bao tải màu xanh được may kín miệng, do xe tải 54V-7592 chở xuống. Hai thanh niên trông coi hàng cho hay: “Đó là trà lá, tốt hơn. Chờ giao cho người ta chở đi ướp hương, ướp lài”.

Tôi hỏi tiếp: “Hàng có giao về các tỉnh không?”. Một thanh niên nói: “Có chứ, hàng đó giao về Đồng Tháp”. Tôi băn khoăn: “Liệu có mang trà này bán cho người ta uống không?”. Họ trả lời: “Anh đi hỏi ông chủ, tụi em làm công không biết”...

Một số hình ảnh về công việc tái chế chè:

tra uop xac

tra uop xac

tra uop xac

tra uop xac

tra uop xac

tra uop xac

tra uop xac

tra uop xac

Theo Laodong

Các tin cũ hơn