Bộ Công an vừa ban hành dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính và đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính đã quá thời hạn mà không tự nguyện nộp phạt sẽ bị cưỡng chế bằng nhiều biện pháp.
Trừ tối đa 50% tổng thu nhập
Cụ thể, người bị cưỡng chế có thể bị khấu trừ một phần lương, thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá… và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả khác.
Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ lương là cán bộ, công chức, cá nhân đang làm việc và được hưởng lương tại một tổ chức hoặc cá nhân đang được hưởng bảo hiểm xã hội.
Người bị xử phạm vi phạm hành chính nhưng không nộp phạt sẽ bị cưỡng chế bằng cách trừ lương, thu nhập... |
Theo quy định tại dự thảo Nghị định, tỷ lệ khấu trừ tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với cá nhân không quá 30% tổng số tiền lương, bảo hiểm xã hội được hưởng của cá nhân đó. Đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhưng không quá 50% tổng số thu nhập.
Đến kỳ lĩnh tiền lương hoặc thu nhập gần nhất, cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế có trách nhiệm khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế và chuyển số tiền đã khấu trừ đến tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo nội dung ghi trong quyết định cưỡng chế, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết.
Trừ qua tài khoản ngân hàng
Nếu không áp dụng được biện pháp cưỡng chế bằng cách trừ lương, bảo hiểm, cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng. Biện pháp này được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả hoặc không thanh toán chi phí cưỡng chế mà có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam.
Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản có quyền đề nghị người có thẩm quyền yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp các thông tin về tài khoản, số tiền hiện có trong tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, đồng thời có trách nhiệm bảo mật những thông tin đó khi được cung cấp.
Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có trách nhiệm thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản về tên tổ chức tín dụng, nơi mở tài khoản, số tài khoản của mình tại tổ chức tín dụng khi có yêu cầu.
Tổ chức tín dụng nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế mở tài khoản phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin bằng văn bản về tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế hiện đang mở tài khoản tại tổ chức tín dụng của mình khi có yêu cầu. Đồng thời ngân hàng phải giữ lại trong tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế số tiền tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức đó phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.
Trường hợp cá nhân là người lao động tự do; cá nhân, tổ chức không có tài khoản ngân hàng, số tiền trong tài khoản không đủ hoặc cố tình không thực hiện quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương đương số tiền bị phạt.
Theo Infonet