Phóng viên BBC có mặt tại hiện trường cho biết, các đợt tuần hành trong tối thứ Ba theo giờ địa phương diễn ra trong hòa bình, khi không còn cảnh lực lượng chức năng dùng hơi cay để giải tán đám đông.
Bầu không khí tại quảng trường Taksim là khá vui nhộn bởi người biểu tình nhận thấy chính phủ đã tìm cách giảng hòa. Họ hô vang khẩu hiệu: “Các người đã nghe chúng tôi nói gì chưa”, với hy vọng chính phủ sẽ lắng nghe những yêu cầu của mình.
Người biểu tình tụ tập trong đêm tại Istanbul
Đây là đêm thứ 5 liên tiếp người biểu tình tụ tập tại Taksim. Trước đó ít giờ, Phó thủ tướng Bulent Arinc đã chính thức lên tiếng xin lỗi những người biểu tình bị thương trong cuộc tuần hành phản đối việc phá công viên Gezi.
Ông Arinc khẳng định những cuộc biểu tình đầu tiên là “hợp pháp và công bằng”, còn “việc sử dụng vũ lực quá mức” của cảnh sát là sai. Ông cũng kêu gọi người dân chấm dứt các cuộc biểu tình bởi họ đang bị “các phần tử khủng bố” lợi dụng.
Tuyên bố có tính hòa giải của ông Arinc hoàn toàn trái ngược với quan điểm và các biện pháp cứng rắn của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, người tuyên bố các hành động biểu tình là phi dân chủ.
Trong khi đó truyền hình quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ NTV cũng đã phải xin lỗi vì không đưa tin các cuộc biểu tình ngay từ đầu. Giám đốc điều hành của tập đoàn truyền thông sở hữu kênh NTV Cem Aydin of Dogus thừa nhận những chỉ trích với kênh này “hầu hết là đúng đắn”.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận đã có 2 người biểu tình thiệt mạng. Một người đàn ông tại thành phố Antakya đã bị một tay súng không rõ danh tính bắn chết. Trước đó một người khác thiệt mạng sau khi một chiếc ô tô lao vào đám đông tại Istanbul.
Theo tổ chức Hiệp hội nhân quyền Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 2800 người biểu tình đã bị thương trên toàn quốc, nhiều người bị thương nặng. 791 người bị bắt, nhưng khoảng 500 người đã được trả tự do.
Còn ông Arinc cho biết 244 cảnh sát và 64 người biểu tình bị thương. Ước tính thiệt hại do các vụ bạo động sau 5 ngày vừa qua khoảng hơn 37 triệu USD.
Theo Dantri