Tại phiên thảo luận hội trường sáng nay về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai Huỳnh Thành góp ý cho điều 13, về quốc ca.
"Tôi thấy hiện nay quốc ca có giai điệu hào hùng rất phù hợp và đi vào lòng người, nhưng nên thay lời mới cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước. Ví dụ chúng ta sẽ sửa nội dung lời "Đường vinh quang xây xác quân thù" bằng nội dung khác", ông nói.
ĐB Huỳnh Thành. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Tranh luận cơ chế bảo vệ Hiến pháp
Tranh luận nhiều chiều xảy ra trong phiên thảo luận sáng nay khi các ĐBQH bàn về mô hình bảo vệ Hiến pháp.
Những luồng ý kiến phản đối việc lập mô hình Hội đồng Hiến pháp nói các quy định về mô hình này trong dự thảo là không khả thi.
Theo ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai), như tinh thần của bản dự thảo thì Hội đồng Hiến pháp gần như chỉ có chức năng phát hiện và kiến nghị, dễ trùng dẫm chức năng với các cơ quan của nhà nước trong việc bảo vệ pháp luật. Do đó ông Thành cho rằng không cần lập ra cơ quan này.
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cũng nói, mô hình Hội đồng Hiến pháp như trong bản dự thảo là chưa rõ về cơ sở thực tiễn. "Vì vậy theo tinh thần chỉ đạo về sửa đổi những vấn đề gì chưa rõ, chưa tạo được sự đồng thuận hoặc ý kiến còn rất nhiều khác nhau, tôi đề nghị chúng ta nên tiếp tục nghiên cứu, bởi vì Hiến pháp không phải là những chuyện chúng ta có thể làm vội vàng để đưa vào được", ông Phương nói.
ĐB Bùi Văn Phương |
Các ĐB cho rằng nên tiếp tục nghiên cứu mô hình cơ quan bảo hiến độc lập như nhiều quốc gia tiên tiến đã làm.
"Không nên tổ chức Hội đồng Hiến pháp mà cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành và tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện các cơ chế bảo Hiến", Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Dương Ngọc Ngưu nói.
Chủ tịch nước đứng đầu Hội đồng Hiến pháp
Ở chiều ngược lại, một số ĐB đưa ra lập luận để chứng minh việc lập Hội đồng Hiến pháp là cần thiết.
ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) nói, thời gian qua, việc đảm bảo và bảo vệ Hiến pháp đã được giao cho các cơ quan của Quốc hội. Tuy nhiên cơ chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm của các cơ quan trong bộ máy nhà nước còn phân tán. Giao cho nhiều chủ thể cùng tiến hành nên hiệu quả kiểm soát đảm bảo việc thi hành các quy định của Hiến pháp, xử lý các vi phạm Hiến pháp trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp chưa cao.
ĐB Nguyễn Viết Nhiên |
"Việc lập Hội đồng Hiến pháp, một cơ quan độc lập có chuyên môn cao để giúp đỡ Quốc hội xem xét kết luận tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trung ương và địa phương ban hành là cần thiết", ông Nhiên nói.
Thậm chí theo ông Nhiên, đây được coi là một bước tiến mới, một thiết chế mới cũng là quá trình cụ thể hóa nguyên tắc, quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công phối hợp kiểm soát quyền lực giữa cơ quan.
Tuy nhiên để Hội đồng Hiến pháp thực sự khẳng định được vị trí, vai trò, ông Nhiên nói nên trao cho Hội đồng Hiến pháp những công cụ mạnh mẽ hơn thay vì dừng lại ở hoạt động kiểm tra, kiến nghị.
"Việc xử lý văn bản vi hiến vẫn phụ thuộc vào ý chí của chủ thể đã ban hành, vì vậy tôi đề nghị: Một, quy định Hội đồng Hiến pháp có quyền phán quyết, đối với các văn bản vi phạm pháp luật, vi phạm Hiến pháp đã được nêu trong nghị quyết của Đảng khóa X và khóa XI. Có như vậy mới mang tính bắt buộc đủ mạnh.
Đồng thời vẫn quy định Hội đồng Hiến pháp có quyền kiến nghị với Quốc hội về tính hợp hiến trong hoạt động lập pháp như dự thảo đã nêu", ông Nhiên nói.
Cũng theo ông Nhiên, Hội đồng Hiến pháp phải là cơ quan có chuyên môn cao, hoạt động thường xuyên gồm đại diện các thiết chế, bộ máy nhà nước ở Trung ương và các chuyên gia pháp lý có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức.
Chung ý kiến với ông Nhiên, ĐBQH Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) bổ sung, tên gọi Hội đồng Hiến pháp quá chung chung không phản ánh đầy đủ chính xác nhiệm vụ duy nhất của tổ chức này là bảo vệ Hiến pháp. Do vậy nên cân nhắc đổi sang tên gọi là Hội đồng bảo hiến hay Hội đồng bảo vệ Hiến pháp.
Hàng năm Hội đồng bảo hiến và trình Quốc hội có phán quyết cuối cùng về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa Hội đồng và cơ quan chức năng. Đồng thời, Chủ tịch nước đứng đầu Hội đồng.
Chủ tịch nước sẽ kiến nghị với Quốc hội xem xét lại những điều luật được xem là vi hiến trước khi ký công bố luật do Quốc hội thông qua. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu các cơ quan khác sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các văn bản vi phạm Hiến pháp.
Theo VNN