Sửng sốt trẻ học cấp 1 đi khám... vô sinh

Thứ tư, 05/06/2013, 10:34
Nhiều người cho rằng, chỉ những người lớn, người trưởng thành mới đi khám hiếm muộn. Tuy nhiên, trong một lần vô tình qua khoa Hiếm muộn tại một bệnh viện tại Hà Nội, chúng tôi "sửng sốt" khi có những em nhỏ mới 9, 10 tuổi cũng được bố mẹ đưa đến bệnh viện để khám... khả năng làm cha.

Sợ di truyền hiếm muộn

15h, tại khoa Hiếm muộn bệnh viện Đ. Hà Nội, trên hàng ghế chờ tới lượt mình vào, anh Minh (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) luôn tay lấy tờ báo quạt cho con vì trời nóng bức. Tưởng anh đi với vợ để khám hiếm muộn nên người ngồi bên cạnh nhanh nhảu: "Chị nhà đâu rồi mà để anh trông con thế này?".

Anh Minh cho biết: "Có hai bố con tôi đi thôi, vợ tôi ở nhà trên Tuyên Quang để đi làm. Tôi đưa cháu xuống đây để khám hiếm muộn, đợi mãi chưa đến lượt...".

vo sinh

Anh Minh đưa con trai đi khám hiếm muộn

Nhìn cậu bé khoảng 9 tuổi, ngơ ngác khi ngồi bên cạnh bố ai cũng ngạc nhiên, vì sao mới bé thế mà vợ chồng anh đã đưa đi khám... nam khoa. Lân la nói chuyện với anh Minh, tôi được biết lấy nhau 7 năm, anh chị mới sinh được bé Trần Văn Nam. Hồi trẻ, anh Minh là một thanh niên khỏe mạnh, bình thường, nhưng lấy nhau đã lâu mà vợ chưa có bầu.

Thời gian đó, anh chị đã uống thuốc bắc, thuốc nam, thuốc tằng cường sinh lực... vẫn chưa có tin vui. Xuống Hà Nội khám hiếm muộn, anh Minh mới biết rằng, vợ anh khó mang thai do "tinh binh" của anh yếu. Hơn một năm điều trị, chị Mai mới mang thai bé Nam trong niềm vui của hai bên gia đình.

Anh cho biết, do mình hiếm muộn nên anh rất lo sợ cậu con trai duy nhất cũng bị di truyền giống bố, nên Nam vừa thi xong học kỳ lớp 3, nhân dịp nghỉ hè đã được bố đưa xuống Hà Nội để khám.

Anh Trần Ngọc Long (xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, Ninh Bình) cho biết: "Tôi lên đây điều trị theo phác đồ của bác sĩ, vợ chồng lấy nhau 3 năm rồi mà chưa thấy tin vui nên sốt ruột. Lần nào vào khám cũng gặp cảnh những ông bố, bà mẹ đưa con khám vô sinh, có cháu 8, 9 tuổi, có cháu 16, 17 tuổi. Đúng là bị cái gì thì "phiền" cái ấy. Mình đi chữa bệnh đã mệt, thấy các cháu nắng nôi thế này phải về Thủ đô chữa bệnh cũng thấy ngao ngán".

Ngồi chờ ở bên ngoài phòng khám, nhiều phụ huynh cho biết, đưa con lên Hà Nội khám là giấu hàng xóm và bạn bè vì sợ xấu hổ. Vì muốn duy trì nòi giống và muốn con phát triển tự nhiên, khỏe mạnh nên nhiều người quyết định đưa con lên Hà Nội khám cho yên tâm.

Anh Lê Trần Quang (huyện Văn Trấn, Yên Bái) cho biết: "Hai vợ chồng tôi đã đưa con đến khám ở bệnh viện tỉnh, nhưng người ta bảo phải xuống đây mới có chuyên khoa nam học. Nếu cháu có bị làm sao, mong rằng các bác sĩ chữa trị kịp thời cho cháu...".

vo sinh

Một số hồ sơ khám bệnh hiếm muộn của học sinh tại bệnh viện Đ. Hà Nội

Ăn chực nằm chờ để khám hiếm muộn

Tại phòng khám nam khoa của bệnh viện Đ. Hà Nội, nhiều đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có bố mẹ không phải là những người hiếm muộn cũng được đưa đến đây để kiểm tra. Chị Tân (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: "Gần nhà chị có một người hơn 30 tuổi, lấy vợ hai năm rồi mà chưa có con.

Đi khám bệnh mới biết anh ấy không có tinh trùng. Bác sĩ chuyên khoa nam học và tiết niệu đã khám và kết luận: "Anh ấy không thể sản sinh được tinh binh vì hai tinh hoàn của anh đều nằm lạc chỗ trong ổ bụng".

Đó được gọi là bệnh tinh hoàn lạc chỗ, không nằm đúng vị trí nên "cậu nhỏ" không được nuôi dưỡng đầy đủ ở nhiệt độ thích hợp, vì thế không thể sinh ra được những con giống khỏe mạnh. Kiểm tra cậu con trai 10 tuổi, vợ chồng tôi cũng thấy sợ vì hai bên tinh hoàn của cháu không đều nhau, liền đưa cháu đến đây kiểm tra cho yên tâm".

Ở phòng khám nam học, chúng tôi được xem một số hồ sơ khám bệnh của một số em học sinh, sinh viên. Từ các em 8, 9 tuổi theo bố mẹ vẫn còn mè nheo, khóc nhè, ngủ quên trên tay bố mẹ, đến những em học cấp 2, cấp 3...

Bác sĩ chuyên khoa Trần Văn Quang cho biết: "Mấy năm trở lại đây, phụ huynh đưa con đến khám vô sinh, hiếm muộn rất nhiều. Nhiều người đã từng hiếm muộn nên cũng lo con mình bị như thế nên rất sốt sắng, có người đã phải chờ hai ngày mới tới lượt. Vì bệnh viện khám bệnh theo sổ, đặt thứ tự, ai đến trước, khám trước.

Có người ở tỉnh ngoài còn phải ăn chực nằm chờ ở bệnh viện để khám bệnh cho con. Nói chung là người lớn có bệnh đi khám đã vất vả, trẻ con càng vất vả hơn. Có em cứ nhìn thấy bác sĩ là khóc toáng lên, không cho bác sĩ khám. Cha mẹ và các y tá phải dỗ dành mãi...".

Chị Lê Thị Thu (Thái Thụy, Thái Bình) cho biết: "Hai mẹ con đi từ 4h sáng ở nhà, mong lên đến Hà Nội trời vừa sáng để vào khám, tuy nhiên xe đi chậm nên hơn 8h mới tới được bệnh viện. Một số người quen cũng mách nước là nếu khám nam khoa, nên đưa cháu đến những phòng khám tư nhân cho nhanh, nhưng tôi vẫn muốn vào những bệnh viện Nhà nước để khám cho yên tâm".

Bác sĩ Quang cho biết, một số chứng bệnh vô sinh thì chỉ khi nào các cháu trưởng thành, có khả năng sinh tinh binh thì mới xét nghiệm được là có bị hiếm muộn hay không như tình trạng tinh binh yếu, ít, chất lượng kém... còn lại chúng tôi chỉ kiểm tra sinh học xem tinh hoàn đã ở đúng vị trí chưa hay bị lệch lạc đâu đó.

Nếu kiểm tra thấy các bé trai có những bất thường thì các phụ huynh nên đưa con đến khám ngay. Nếu để lâu quá, các bác sĩ sẽ khó can thiệp.

Theo một số bác sĩ chuyên khoa nam học, bệnh viện Đ. Hà Nội, hiện nay một số em nhỏ bị mắc chứng bệnh "đi lạc", nhiều phụ huynh kiểm tra cho con cũng phát hiện ra nhưng thường tặc lưỡi cho rằng, cứ để lớn rồi tinh hoàn sẽ về đúng vị trí.

Tuy nhiên, quan niệm này là sai lầm, nếu không can thiệp từ lúc còn nhỏ, để một thời gian dài mới đến bệnh viện thì các bác sĩ chỉ đảm bảo giữ được chức năng sinh lý cho chủ nhân chứ không thể khôi phục chức năng sinh tinh của tinh hoàn. Nếu chỉ đưa được một bên tinh hoàn về thì phải cắt bỏ bên kia.

Bởi khi tinh hoàn lạc chỗ, dây treo của nó không được phát triển bình thường tương ứng với sự lớn lên của cơ thể. Nếu quãng đường từ vị trí lạc tới "cậu nhỏ" dài thì buộc phải cắt bỏ. Thậm chí, do lạc quá lâu, không được các bác sĩ can thiệp vào lúc còn nhỏ, tinh hoàn dễ bị xoắn, có nguy cơ ung thư và nếu phát hiện nguy cơ ung thư sẽ phải cắt bỏ cả hai bên.

Theo bác sĩ Quang, nhiều người đến khám nam khoa, đã phải bật khóc khi nghe các bác sĩ kết luận là vô sinh khi không được phẫu thuật kịp thời lúc còn nhỏ. Họ không biết sẽ tiếp tục cuộc sống vợ chồng ra sao với cô vợ vừa mới cưới đang chờ ngoài hành lang bệnh viện?

Trò chuyện với một số bác sĩ chuyên khoa nam học, hiếm muộn, chúng tôi được các bác sĩ cho lời khuyên, nếu thấy con trai mình bị bất thường gì về "cậu nhỏ" thì nên đưa các cháu đi khám sớm để có hướng chữa trị. Y học ngày nay rất hiện đại, có thể can thiệp được để các em nhỏ trở về đúng khả năng đàn ông của mình.

Chung một mối lo

Theo quan sát của chúng tôi, ngoài anh Minh, cũng có một số ông bố, bà mẹ đưa con đi khám hiếm muộn. Không chỉ những người ở tỉnh xa, mà con của một số phụ huynh ở ngay Hà Nội cũng đưa con trai đang ở độ tuổi phát triển đi khám hiếm muộn.

Chị Mai Hồng Ngọc (ngõ 114, đường Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội) cho biết, chị đưa cậu con trai 14 tuổi, đang học lớp 9 đi khám xem có vấn đề về đường sinh sản không, vì cả vợ chồng chị lấy nhau gần 10 năm mới sinh được con. Chị cũng sợ con trai giống bố hoặc mẹ nên đưa con đến đây để kiểm tra... chức năng đàn ông.

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích