Tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, giãn tĩnh mạch tinh rất hay gặp trong những bệnh nam khoa. Đây cũng là một trong những thủ phạm gây vô sinh ở nam giới mà nhiều người không ngờ tới.
Nghiên cứu của các nhà nam học trên thế giới cho thấy giãn tĩnh mạch tinh gặp khoảng 15% ở nam giới. Nam giới bị giãn tĩnh mạch tinh thường nghĩ mình mắc một căn bệnh chung chung là yếu sinh lý, ít người biết mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của nó là gây vô sinh.
Tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ cũng cho biết theo nhiều nghiên cứu trên thế giới đưa ra những nguyên nhân nam giới bị giãn tĩnh mạch tinh dẫn tới vô sinh, đó là:
- Nhiệt độ tinh hoàn tăng: Bình thường nhiệt độ tinh hoàn là 35 độ C, khi bị giãn tĩnh mạch tinh nhiệt độ tăng lên đến 37 độ C, bằng nhiệt độ trong ổ bụng. Nhiệt độ tăng kéo dài làm cho sản xuất tinh trùng giảm xuống.
Giãn tĩnh mạch tinh là một trong những thủ phạm gây vô sinh ở nam giới. (Ảnh minh họa)
- Ứ máu tĩnh mạch tại tinh hoàn: làm cho sản phẩm chuyển hóa tại tinh hoàn bị ứ đọng, đào thải khỏi tinh hoàn chậm lại gây ngộ độc tế bào sinh tinh trùng.
- Máu động mạch đến nuôi tinh hoàn giảm: do ứ máu tĩnh mạch làm cho máu động mạch đến tinh hoàn giảm đi dẫn đến oxy và chất dinh dưỡng nuôi tinh hoàn bị giảm ảnh hưởng sinh tinh trùng.
- Rối loạn nội tiết tại tinh hoàn tác động lên trục đồi thị - tuyến yên - tinh hoàn: làm cho nội tiết tố hướng sinh dục bị rối loạn ảnh hưởng xấu đến sản xuất tinh trùng.
Người bị giãn tĩnh mạch tinh, tùy mức độ tác động lên tinh hoàn mà số lượng và chất lượng tinh trùng bị giảm, có thể không còn tinh trùng trong tinh dịch dẫn tới vô sinh.
Ngoài tác động đến sinh sản, gây vô sinh, nam giới bị giãn tĩnh mạch tinh còn bị rối loạn sinh lý tình dục. Nam giới bị giãn tĩnh mạch tinh thường đau tức tại tinh hoàn, đau một cách mơ hồ, rất khó xác định vị trí đau cụ thể, đau nhiều khi mệt mỏi hay nắng nóng. Tinh hoàn có thể bị nhỏ đi so với bên bình thường.
Theo Tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ, bệnh giãn tĩnh mạch tinh tiến triển âm thầm và ngày càng nặng theo thời gian. Sẽ rất khó hồi phục nếu để bệnh nặng, lâu năm, và càng cao tuổi càng khó chữa, thậm chí không chữa được.
Theo Khampha