Công văn trên không nêu lý do dẫn đến việc tạm ngừng sử dụng vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của VNN, sau khi có nhiều trẻ gặp tai biến sau tiêm, trong đó có gần 10 trẻ từ vong từ tháng 12/2012 đến nay, Bộ Y tế Việt Nam đã đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tái kiểm định toàn diện loại vắc-xin này, đồng thời đề nghị WHO giới thiệu đơn vị kiểm định độc lập để kiểm định lại vắc-xin trên (trước đó, kết quả kiểm định trong nước đều cho thấy vắc xin này đảm bảo an toàn).
Vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem |
Trong quá trình chờ đợi các kết luận từ WHO, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Bộ Y tế đã đưa ra quyết định tạm ngừng lưu hành.
Do đó, vắc-xin chưa sử dụng vẫn phải được bảo quản theo đúng điều kiện quy định ghi trên nhãn.
Quinvaxem là vắc-xin “5 trong 1” duy nhất được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Sau khi có thông báo ngừng sử dụng, hiện chưa rõ Bộ Y tế sẽ đưa ra phương án nào để thay thế.
Theo ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia thì Quinvaxem được đưa vào sử dụng tại Việt Nam từ tháng 6/2010 do Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) viện trợ thông qua UNICEF.
Đây là vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới tiền kiểm định về chất lượng.
Theo nhà sản xuất tại Hàn Quốc, Quinvaxem được cung cấp cho 91 quốc gia sử dụng từ năm 2006 với 427 triệu liều.
Mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 4,5 triệu liều vắc-xin Quivaxem tiêm miễn phí cho trẻ từ 2 - 4 tháng tuổi.
Hà Nội vẫn tiêm chủng bình thường Trao đổi với VNN, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết sáng nay (5/5) là ngày tiêm chủng định kỳ trên địa bàn thành phố. Việc tiêm chủng vẫn diễn ra bình thường. Chỉ riêng vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem bị ngừng tiêm, còn lại Hà Nội vẫn tiêm vắc-xin phòng lao, sởi, cho trẻ uống vắc-xin bại liệt và tiêm “vét” vắc xin viêm não Nhật bản cho trẻ của 14 quận, huyện của Hà Nội cũ. |
Theo VNN