Đức – Cường quốc mù chữ

Chủ nhật, 05/05/2013, 10:39
Có rất ít người biết rằng, Đức – nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu hiện đang có tới 7,5 triệu người không biết đọc, biết viết và mỗi năm có khoảng 60.000 trẻ em bỏ học trước khi kết thúc chương trình học phổ thông. Chính phủ Đức đã phải soạn thảo một chính sách khẩn cấp để kêu gọi những người trưởng thành đến trường xóa mù chữ.

 

 

Khi Johan đến trường, mỗi lần các giáo viên đề nghị đọc bài anh thường từ chối thẳng thừng hay phản ứng tiêu cực hơn là im lặng và đi ra ngoài. Có đôi lần, anh thừa nhận mình không thể đọc hay viết còn chuyện làm bài tập về nhà thì rất hiếm hoi. Có đôi lần, Johan cũng thử viết nhưng những thứ mà anh viết không ai đọc được. “Tôi chỉ nhìn vào các chữ cái và cố gắng vẽ lại nó”, chàng trai 25 tuổi nói.

Câu chuyện của Johan chỉ là một trong số hàng triệu người trưởng thành đang sống ở nước Đức mà không biết đọc, biết viết hoặc có thể đọc-viết ở mức vô cùng hạn chế. Số liệu từ kết quả điều tra của đại học Hamburg mới hồi đầu năm 2013 đã gây ngạc nhiên và sợ hãi cho rất nhiều nhà lãnh đạo Đức: 1/7 tương đương 14% dân chúng tại Đức trong lứa tuổi từ 18-64 đã không đọc được chữ nghĩa đàng hoàng hay nói cách khác là có tới 7,5 triệu người còn trong lứa tuổi lao động của nền kinh tế lớn nhất châu Âu hoàn toàn mù chữ.

Vấn đề này khiến các nhà quản lý và hoạch định chính sách của Đức phải đặt ra câu hỏi: Tại sao có tới 7,5 triệu người đã từng trải qua các cấp học kéo dài ít nhất 9 năm của đất nước này cuối cùng lại bị tách ra khỏi đời sống xã hội chỉ vì họ không thể đọc – viết?

Bà Anke Grotlüschen – chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết: Trong số 7,5 triệu người này có khoảng 300 ngàn người (từ 18-64 tuổi) đã không đọc-viết được chút nào; 2 triệu người đọc-viết được sơ sài từng chữ; và 5,2 triệu người chỉ đủ khả năng đánh vần từng câu chữ mà không hiểu hết một đoạn văn ngắn.

Và con số này chắc chắn sẽ chưa dừng ở đó bởi nghiên cứu còn cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 60 ngàn trẻ em Đức bỏ học giữa chừng. Những em này, đa số đều đã có thể đọc được những từ đơn lẻ nhưng không thể đọc hoặc viết một bức thư, càng không thể soạn thảo văn bản hay thậm chí còn không đọc hiểu được các bảng chỉ dẫn công cộng. Rào cản này khiến cuộc sống của chúng trở nên vô cùng khó khăn.

 

 

Điều trớ trêu là kể từ năm 2003, Liên Hợp Quốc đã phát động thập kỷ xóa mù chữ và đáng lẽ ra tỷ lệ người mù chữ trên khắp thế giới phải giảm thì Báo cáo Giáo dục 2012 của UNESCO cho biết, hiện vẫn còn khoảng 775 triệu người mù chữ trên toàn cầu và riêng nước Đức đã chiếm khoảng 1% con số này.

Bộ trưởng Giáo dục Đức, bà Annette Schavan cho hay, Đức sẽ thực thi các chính sách khẩn cấp như yêu cầu hiệp hội chủ lao động, công đoàn… mở các lớp bình dân học vụ để tiêu trừ nạn mù chữ. Bộ Giáo dục Đức dự kiến sẽ chi khoảng 20 triệu Euro tài trợ cho tới năm 2014 để xúc tiến ngay kế hoạch ngắn hạn này.

"Kể từ những nghiên cứu đầu tiên chúng tôi đã nhận thấy người Đức đang gặp vấn đề với nạn mù chữ", Peter Hubertus thuộc Hiệp hội Giáo dục và Đào tạo cơ bản Đức nói, "Gần 10% số người trẻ tuổi không thể thu nhận được thông tin từ các đoạn văn đơn giản là vấn đề đáng báo động”.

Theo quan điểm của các nhà quản lý, nếu một học sinh đã kết thúc chương trình tiểu học mà không thể đọc viết thì đó là một nền giáo dục thất bại. Các nhà khoa học giáo dục Đức thì cho rằng, những nhóm học sinh có khả năng đọc-viết kém cần phải được quan tâm hơn nữa bằng những khóa học cả ngày ở trường. “Đi học không có nghĩa là chỉ cần một buổi đến trường. Nhà trường sẽ không thể làm được gì với những em không bao giờ được gia đình kèm cặp hay giám sát việc học hành”, ông Peter Hubertus nói.

Vấn đề đã đáng báo động đến mức các chính trị gia Đức cũng đã phải đồng ý chi 35 triệu Euro cho chương trình xóa mù chữ cho người trưởng thành theo đề án “Chiến lược quốc gia về xóa mù chữ và đào tạo cơ bản”.

Hồi năm 2011, Đức đã cho thành lập Bộ về các chương trình nghiên cứu điều kiện làm việc. Nghiên cứu phát hiện ra rằng, có tới 57% số người bị coi là mù chữ ở Đức vẫn có việc làm nên sáng kiến xóa mù cấp tốc ngay tại nơi làm việc đã được đặt ra. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 200 ngàn trong tổng số 7,5 triệu người mù chữ của Đức tiếp cận được với chương trình này.

 

Chàng trai trẻ Johann cho biết thêm, khi còn học ở trường phổ thông anh gần như không được giúp đỡ gì và cũng dần dần xa lánh giáo viên. Thậm chí cha mẹ anh cũng không biết là anh không biết đọc – viết. Khi lớn hơn một chút, anh bỏ học để đi học nghề. Tại đó, anh phải thú nhận với giáo viên là anh không biết chữ nên không thể theo kịp khóa học. Nhưng Johan đã gặp may khi một đồng nghiệp đã quyết định giúp đỡ anh và anh đang tiến bộ dần dần.

Ở các quốc gia láng giềng Đức, tình trạng mù chữ của những người trong độ tuổi lao động cũng là vấn đề gây đau đầu cho các nhà quản lý quốc gia. Tại Anh, tỷ lệ này là 16% còn tại Pháp là 9% (tương đương mức khoảng 2,5 triệu người). Đáng lo hơn cả là những người bị xác định là mù chữ này đều đã tốt nghiệp trình độ học phổ thông tối thiểu bắt buộc.

Theo Infonet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn