Nữ sinh đeo "ba lô ngược" ở giảng đường

Chủ nhật, 05/05/2013, 08:25
Chuyện về những cô gái trẻ đang là sinh viên, sống thử, mang thai rồi loay hoay tự nuôi con tưởng như không còn mới nữa, nhưng những chiếc "ba lô ngược" này thấp thoáng trên giảng đường ngày càng nhiều.

Tiền gia đình cho đi học thành tiền nuôi con

Theo giới thiệu của một người bạn, tôi tìm đến dãy trọ của T.T.T (SN 1991, tạm trú tại hẻm số 179, đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Nhìn T. bế và chơi đùa cùng bé trai tám tháng tuổi  không ai nghĩ họ là hai mẹ con, bởi T. còn quá trẻ. Vừa đút xong muỗng bột cho con trai, T. vừa chỉ tay về tấm hình và nói đó là chồng tương lai, tên N.M.Q, đang học năm thứ tư, trường đại học L. (TP.HCM). T. kể, T. và Q. quen nhau trong buổi giao lưu văn nghệ của trường đầu năm.

Sau đó, họ yêu nhau từ năm thứ nhất, bước sang năm thứ hai, T. và Q. quyết định sống chung như vợ chồng. Dù đã kế hoạch rất chu đáo nhưng đến năm thứ ba, T. mang bầu ngoài ý muốn, đến tháng thứ tư mới phát hiện.

Khi được hỏi về cuộc sống trước khi sinh con có khó khăn gì không, T. buồn rầu: "Tôi mang thai trong trạng thái lo sợ, trốn tránh bạn bè và những người quen biết. Tháng thứ sáu, thứ bảy mang thai, tôi vẫn đến trường như bao sinh viên khác, nhưng mặc áo khoác để che "bụng". Gần đến ngày sinh, Q. phải nghỉ học một tuần đưa tôi đi đến bệnh viện sinh con…".

nu sinh

Đám cưới là mơ ước của nhiều cặp vợ chồng sinh viên. (Ảnh minh họa)

T. tâm sự: "Tôi và bạn trai vẫn đang giấu bạn bè và người thân chuyện sinh con. Q. hứa khi ra trường thì vừa đi làm và sẽ chăm sóc con trai để tiếp tục cho tôi học ra trường. Sau đó, hai đứa sẽ công khai chuyện hôn nhân với hai gia đình.

Nhưng tôi chỉ lo một điều, về bên nhà chồng tương lai, cha mẹ Q. là người miền Bắc sẽ có những thành kiến về con dâu khi "ăn cơm trước kẻng". Còn tôi là người miền Trung, chắc cũng tránh khỏi sự rầy la của cha mẹ. Do chưa đăng ký kết hôn, giấu mọi người nên con tôi chưa có giấy khai sinh, không thể đi mẫu giáo như những đứa trẻ khác".

Một trường hợp khác là L.T.M (SN 1993, sinh viên trường đại học SP TP.HCM, tạm trú tại đường Bình Tiên, quận 6). M. có hoàn cảnh đáng thương hơn T. rất nhiều.

Khi chung sống với  H. được sáu tháng, do không chịu được tính cách "ông cụ non" của người yêu, M. khuyên răn và góp ý nhiều lần nhưng không hiệu quả nên xảy ra cãi vã to tiếng. Lòng tự trong và tính tình trẻ con của hai người trẻ, không ai nhường ai và kết quả phải chia tay nhau.

Cũng lúc đó, M. biết mình đã mang thai sáu tuần. Khi báo tin cho H. thì bị người yêu hỏi lại liệu có phải con H.. Không, đau lòng, tức giận, M. quyết định sẽ sinh con một mình để H. phải thử ADN và cũng chứng minh cho tình yêu của M..

Sau khi sinh con trai, M. buộc H. đi xét nghiệm. Kết quả ADN chứng minh H. là bố của đứa trẻ và H. đã nhận con bằng trách nhiệm mỗi tháng cấp cho bạn gái 700.000 đồng nhưng không yêu H. nữa. Trong lúc người yêu vật lộn với thai nghén, sinh con thì H. đã kịp tìm cho mình một người yêu mới.

Chỉ còn M. phải bảo lưu kết quả học, loay hoay với cậu con trai còn đỏ hỏn, không có người lớn bên cạnh giúp đỡ. Vì M. giấu mọi người nên gia đình vẫn nghĩ cô còn là sinh viên, đang miệt mài với sự nghiệp đèn sách.

Chuyện của V.T.N (SN 1988), vừa lấy bằng  tốt nghiệp cử nhân thì lại khác. N. đã phải nghỉ học một năm để sinh con vì có bầu khi bước vào năm thứ ba: "Lúc sinh con cũng là lúc vượt qua ranh giới sự sống và cái chết mà tôi cũng không hề vui vẻ, thoải mái. Phải đi thi học kỳ, không đến chăm nom, nên người yêu tôi đã nhờ người chị gái đến giúp.

Nhưng tôi đâu phải em dâu chính thức trong nhà mà có thể được chu đáo mọi việc. Ngược lại, tôi còn bị ánh mắt khinh rẻ từ chị gái, gia đình Đ. khi biết chuyện. Cũng may là hiện giờ, tôi đã được gia đình Đ. thông cảm chấp nhận và chuẩn bị tổ chức đám cưới cho chúng tôi cũng là lúc mừng con trai tròn hai tuổi".

nu sinh

Bé N.M.Q, con trai của nữ sinh T.T.T

Không còn dằn vặt vì bạn bè mình cũng vậy

Sống chung, quan hệ trước hôn nhân không còn là vấn đề quá nghiêm trọng với những người trẻ. Xã hội cũng dần cởi mở hơn với vấn đề này. Chính vì vậy, giới trẻ, đặc biệt là những sinh viên, sống xa nhà có quan hệ yêu đương rất dễ dẫn đến việc "ăn cơm trước kẻng" hoặc "góp gạo thổi cơm chung".

Khi nhìn thấy quanh mình rất nhiều người cũng đang sống như vậy, họ không còn phải lo sợ, suy nghĩ nhiều về cái nhìn ác cảm của mọi người xung quanh. Đôi khi, họ được chính bố mẹ gật đầu đồng ý hoặc lối sống ở những xóm trọ đã gián tiếp thừa nhận để họ sống như vậy.

T.T.T chia sẻ: "Những ngày đầu làm mẹ và sống trong cảnh lủi thủi giấu giếm mọi người, tôi cũng khổ tâm lắm. Tôi đã từng thoáng nghĩ việc cho con cho những người hiếm muộn hay gửi con vào trại trẻ mồ côi để tiếp tục con đường học hành.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, không đủ can đảm nên ráng tiếp tục cuộc sống nuôi con và đi học. Cũng rất may, người yêu tôi là người tử tế và chung tình. Tôi cũng biết vài người bạn khác khoa, cũng từng sống chung với người yêu, có thai và cũng đã sinh con".

N.V.S (SN 1991, sinh viên năm thứ tư, trường ĐH S.G) cho biết: "Tôi cũng đang sống chung cùng người yêu. Chúng tôi sống chung có nhiều cái thuận lợi về thời gian cũng như mọi sự quan tâm lẫn nhau trong cuộc sống.

Tuy nhiên, những va chạm hàng ngày, có tiếng lớn, tiếng nhỏ không tránh khỏi nhưng rất mừng là hai đứa đều biết giảng hòa. Chúng tôi đã xác định ra trường sẽ cưới nhau, nên cùng xin phép cả hai bên gia đình công khai sống chung".

Bà N.T.H.L, chủ nhà cho sinh viên thuê trọ tại quận 10 (TP.HCM) cho biết: "Hiện nay, không chỉ riêng nhà bà mới cho sinh viên nam nữ thuê phòng ở chung mà còn nhiều nhà trọ khác cũng tương tự. Ban đầu khi đến hỏi thuê phòng, họ chỉ nói là sinh viên và có quan hệ anh em họ xin ở cùng nhau cho tiện chi phí và sinh hoạt.

Những sinh viên này, ở được vài tháng mới có những biểu hiện không phải "anh em" bình thường. Nhưng thường thì những chủ nhà nào khó tính quá mới không chấp nhận việc nam nữ sống chung phòng. Đa phần họ đều không can thiệp, miễn tới tháng đóng đủ tiền nhà là được".    

Tỷ lệ nạo phá thai đứng thứ 5 thế giớiTại hội thảo "Ngừa thai hormone - Hiểu biết nhu cầu và lựa chọn của phụ nữ" mới diễn ra tại TP.HCM, thạc sĩ - bác sỹ Lê Quang Thanh, Giám đốc bệnh viện Từ Dũ công bố, với trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới.    

Theo Nguoiduatin

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn