Vụ "hòn đá lạ" : Đi tìm nguyên lý bùa chú và trấn yểm

Thứ bảy, 04/05/2013, 20:03
Hòn đá, con dao,... thậm chí chỉ bằng một tờ giấy, giới "cao tay ấn" sẽ "hô phong hoán vũ" thay đổi số phận một con người hay cả gia đình. Lợi dụng “sức mạnh tâm linh” không tưởng này, có người đã bỏ qua ranh giới của pháp luật, xã hội cho mình cái quyền “trấn yểm” để... quốc gia được hưng thịnh, tốt đẹp, hay thực chất là vì mục đích cá nhân?

"Hòn đá mà biết nói năng..."

Như thông tin đã đưa, thời gian gần đây, giới truyền thông trong nước được hâm nóng vì "hòn đá lạ" được đặt tại đền Thượng trong khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ).

Hẳn sự việc cũng chẳng có gì đáng nói, nếu như đây là một vật cúng tiến có lý lịch rõ ràng, nhưng lạ ở chỗ, khi thấy dư luận ồn ào, lục lại hồ sơ lưu trú, đơn vị quản lý (Ban quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng) mới tá hỏa bởi không tìm thấy một dấu tích nói về "vật lạ" này. Mặc dù "niên đại" hòn đá có mặt ở đền Hùng chưa được 4 năm (từ năm 2009).

hon da

Vẫn chưa có phương án giải quyết hòn đá lạ xuất hiện ở Đền Hùng.

Có mặt tại đền Thượng, theo quan sát của chúng tôi, hòn đá lạ này được đặt tại góc trong cùng bên trái đền Thượng. Hòn đá cao khoảng 50cm, bề rộng nhất khoảng 35cm, hình cánh buồm, được đặt trên bệ hình bát quái. Mặt trước và sau của hòn đá có nhiều ký tự cổ, dấu ấn vuông, họa tiết phức tạp, khó hiểu, trông như một lá bùa có hai mặt.

Theo ông Nguyễn Xuân Các, giám đốc Ban quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng, “tác giả” của hòn đá này là ông Nguyễn Tiến Khôi, nguyên Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng, hiện là Chủ tịch Hội sử học tỉnh Phú Thọ và ông Nguyễn Minh Thông, một đại tá quân đội, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng văn hóa Phương Đông.

Trả lời về việc này, ông Nguyễn Tiến Khôi cho rằng, khi tu sửa đền Thượng, các công nhân đã phát hiện một viên gạch lạ có chữ Hán lộn ngược. Trong văn bản trả lời của ông Nguyễn Minh Thông khẳng định, viên gạch trên là một bùa yểm.

Sau đó, ông Nguyễn Đình Khảm, Giám đốc một công ty đá quý trong Hội Liên hiệp đá quý Việt Nam (ở Hà Nội), đã công đức viên đá ngọc xanh theo kế hoạch của ông Thông, để trấn yểm, phản lại viên gạch yểm xấu kia, hóa giải các hung khí. Việc làm này, theo ông Thông, đã được ông Khôi và một số lãnh đạo tỉnh đồng ý?!!

hon da

Ông Hà Kế San, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ

Nguyên lý trấn yểm

Một người được xếp vào hàng kỳ cựu trong số các thầy phong thủy hàng đầu Việt Nam (xin được giấu tên), khi được PV đặt vấn đề về trấn yểm cho hay: Trong phong thủy có một phương thuật gọi là "Trấn - Yểm". "Trấn" tức đè lên, ấn vào.... "Yểm" tức là chôn xuống, là giấu vào... chỗ nào đó.

Phương thuật trấn yểm vô cùng biến hóa. Trải hàng ngàn năm tồn tại thăng trầm của khoa phong thủy, đã xuất hiện nhiều chiêu thức và cách trấn yểm lưu truyền trong dân gian qua các thuật sĩ rất ảo diệu.

Cũng theo vị này, những chiêu thức trấn yểm thông thường và phổ biến mà chúng ta thường thấy là: Chắn bình phong, treo gương bát quái, treo gương lồi, gương lõm, để đèn Ngũ Hoàng sát, bày Đào Hoa Trận, bày con tỳ hưu, viên ngọc...vv... Huyền bí hơn một chút thì chôn thanh gươm, đao xuống nền nhà.

Những phương thức trấn yểm này trong khoa phong thủy gần giống trấn yểm trong phương pháp trấn yểm của bùa chú. Chỉ có khác là: Khoa phong thủy thì dùng vật trấn yểm, còn bùa chú thì dùng ký hiệu hữu hình (vẽ bùa trên giấy bằng ký tự), hay vô hình (yểm bùa vào vật liệu, hay vẽ bùa trong không gian), rồi cũng trấn hoặc yểm vào nơi nào đó.

Do hình thức tương tự là "Trấn" và "Yểm", nên mặc dù phương pháp khác nhau, người ta dễ ngộ nhận phương pháp trấn yểm của khoa phong thủy như của phái phù thủy (hay còn gọi là Lỗ Ban). Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho khoa Phong Thủy thêm phần bí ẩn. Thực ra, bùa chú và trấn yểm trong khoa phong thủy là hai phương pháp riêng biệt. Những nguyên lý của bùa chú và trấn yểm trong khoa phong thủy hoàn toàn khác nhau.

Nói về hòn đá lạ đang ngự tại Đền Hùng, vị này khẳng định: khi đặt bùa chú, người thầy phải "thân khẩu ý hợp", trực tiếp "họa" lên tấm bùa thì tấm bùa mới linh nghiệm, có năng lượng. Trong trường hợp hòn đá trên, người công nhân chạm khắc các chi tiết bằng đá, gắn ngọc theo ý của một ông thầy, chứ không phải trực tiếp thầy "họa", khắc lên đó. Việc đặt hòn đá yểm bùa trên tại đền Thượng là một sự thiếu hiểu biết, để lâu dễ nguy hại.

Nhà nghiên cứu văn hóa Thương Huyền cho hay, mặc dầu thế gian có những khối đá tốt lành, kết tinh những tinh hoa, năng lực, Khí thiêng vũ trụ như đã nói trên, nhưng cũng có rất nhiều khối đá gây nguy hại.

Nhiều nhà thám hiểm hay sưu tập đồ lại quý hiếm đã mang về nhà những khối đá kỳ dị nơi hoang vắng hay những tượng đá mà có khi đã bị "ai đó" yểm bằng bùa chú hay dấu hiệu bí mật bởi lý do khó biết. Kết quả là người trong nhà bị vô số tai nạn, xui xẻo dồn dập mà không hay.

"Nếu dựa theo những yếu tố vật liệu, hình tượng thì khối đá được đặt ở Đền Hùng không dựa theo một nguyên lý trấn yểm nào cả. Nếu nhìn kỹ những hoa văn, họa tiết trên khối đá này sẽ thất rất nhiều hạt sạn. Đó là điều khó chấp nhận khi nó được biện minh là đem lại phúc lộc cho dân tộc", bà Huyền cho hay. 

Vi phạm pháp luật?

Sau sự vụ hòn đá lạ ngang nhiên xuất hiện giữa Đền Hùng trong gần bốn năm qua, các nhà quản lý văn hóa mới té ngửa, bấy lâu việc cung tiến lễ vật ở các di tích văn hóa lịch sử vẫn chưa được quản lý chặt chẽ bởi lý do, quyền hành quyết định nằm trong tay Ban quản lý khu di tích đó.

Một cán bộ từng nhiều năm nghiên cứu văn hóa (bộ VHTT&DL) xin không tiết lộ danh tính nói: Hiện nay những lễ vật mà cá nhân hay một tổ chức nào đó muốn cung tiến cho khu di tích văn hóa lịch sử chỉ cần liên hệ với Ban quản lý khu di tích đó là xong.

Đúng ra khi được liên hệ, Ban quản lý khu di tích đó phải xin ý kiến thẩm định của sở VHTT&DL. Sau đó, trong thẩm quyền quyết định thì cho phép, nếu không phải xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Thực tế hiện nay, vì thiếu chuyên môn, cũng như sự dễ dãi hay cả nể trong các mối quan hệ, các Ban quản lý khu di tích văn hóa lịch sử vẫn vô tư nhận lễ vật cống tiến, thiếu sự thẩm định kỹ càng.

Đứng trên góc độ pháp lý, luật sư Lê Quang Vinh, giám đốc Công ty luật Tích Thiện nhận định: Điều 4, Nghị định 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ "những hành vi vi phạm làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa" như:

"Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích;... Tùy tiện đưa những yếu tố mới không phù hợp làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể;...".

"Chiểu theo những quy định này, có thể thấy rõ Ban quản lý di tích lịch sử đã vi phạm các quy định pháp luật", luật sư Vinh khẳng định.   

Ông Hà Kế San, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ (Ảnh trên) cho biết: "Đây không phải là hiện vật có từ lâu mà mới có từ năm 2009. Đây không phải là đồ từ ở bên ngoài, mà do chúng ta làm, nên khi làm một việc gì ai cũng mong muốn yếu tố tâm linh.

Trong khi đó UBND tỉnh Phú Thọ cũng mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với cả dân tộc nên mới có như vậy. Ban đầu tỉnh dự định sẽ thực hiện một hội thảo để bàn về việc này, nhưng sau đó, chúng tôi thấy rằng chuyện nó đã lớn, không còn là của Phú Thọ nữa nên quyết định dừng và có văn bản đề nghị bộ VHTT&DL, mà cụ thể là cục Di sản văn hóa cho phương án giải quyết". 

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn