Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban tổ chức lễ hội đền Hùng Hà Kế San khẳng định, hòn đá nói trên không phải lạ mà đã được đặt trong đền từ năm 2009, đến nay đã trên 3 năm. Hòn đá không phải do người nước ngoài đặt mà do những người có trách nhiệm với khu di tích thời điểm đó quyết định.
Theo ông San, chưa thể di dời hòn đá ra khỏi khu di tích đền Hùng bởi ảnh hưởng tốt, xấu chưa được xem xét kỹ lưỡng. UBND tỉnh sẽ tổ chức cuộc hội thảo, mời các nhà nghiên cứu Hán Nôm, chuyên gia, nhà lịch sử và Cục Di sản cùng đánh giá về hòn đá này.
"Tuy nhiên, có thể khẳng định khi đặt viên đá này thì người cung tiến và người đặt đều mong muốn những sự tốt đẹp cho đất nước, cho nhân dân", ông San bày tỏ.
Nguyên Giám đốc Ban quản lý khu di tích đền Hùng Nguyễn Tiến Khôi khẳng định, không thể tự ý di rời hòn đá ngọc xanh ra khỏi đền Hùng. Ảnh: Kiều Trinh. |
Là người hiểu rõ nguồn gốc của viên đá, nguyên Giám đốc Ban quản lý khu di tích đền Hùng Nguyễn Tiến Khôi cũng cho rằng không thể tự ý di dời.
Theo ông, khi hoàn thiện tu bổ đền Thượng (nằm trong quần thể khu di tích đền Hùng), những vật dụng được đặt trong đền đều có quyết định của Cục Di sản. Đồ thờ phải để nguyên, các vị trí thờ tự theo hội đồng di sản đặt nguyên phía trong, không động chạm đến hậu cung. Hòn đá được đặt ở góc đền, không ảnh hưởng đến lối đi, bên kia đặt trống đồng đối xứng.
Một lý do khác, theo ông Khôi, hòn đá là "bùa cát, bùa lành, phản lại bùa yểm của quân Nguyên Mông đã được phát hiện khi hạ giải đền Thượng".
Nguyên Giám đốc Ban quản lý khu di tích đền Hùng kể, khi bắt đầu tu sửa khu di tích đền Hùng, ông đã nhờ những người có trách nhiệm ở Bộ Văn hóa tìm người giỏi về tâm linh để hỗ trợ trong việc tìm vị trí xây dựng. Viện trưởng Viện tu bổ di tích lúc bấy giờ giới thiệu ông Nguyễn Minh Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng văn hóa phương Đông, người từng chọn huyệt đạo xây đền Mẫu Âu Cơ.
Việc tu bổ đền Thượng, Trung, Hạ đến đền Giếng, xây dựng đền Lạc Long Quân đều có sự tham gia giúp đỡ của ông Thông. Khi tháo dỡ đền Thượng, công nhân đào nền phía trong hậu cung, ở ban giữa, phát hiện có vật lạ. "Đó là viên gạch được bọc bởi một lớp giấy bạc, trong có dòng chữ lộn ngược, khi bóc tờ giấy ra thì chữ in mờ trên gạch. Tôi không biết là chữ gì nên nhờ ông Thông xem giúp", ông Khôi kể.
Mặt trước chạm “trận đồ bát quái thiên tinh Phật Tổ Như Lai” dựa trên trận đồ bát quái của đức Thánh Trần trong Binh Thư Yếu Lược của nhà Trần. Ảnh: Kiều Trinh. |
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Minh Thông nêu rõ, qua nghiên cứu, thẩm định của các chuyên gia ngoại cảm, giáo sư, tiến sĩ, Trung tâm ứng dụng văn hóa Phương Đông kết luận viên gạch có bọc giấy bạc đó là bùa yểm được "đạo sĩ cao tăng Nguyên Mông cải trang" mang sang. Bùa này được yểm tại ban giữa đền Thượng, thần chú trên tờ giấy viết bằng chữ của vùng cao nguyên Ấn Độ - Tây Tạng.
"Để hóa giải bùa yểm, Trung tâm đã lên kế hoạch tìm một viên đá ngọc xanh có nhiều năng lượng tốt lành, có khả năng hóa giải và tiếp nhận năng lượng tốt của tinh tú trời đất, mặt trời, mặt trăng...", ông Thông trình bày.
Sau đó, ông Nguyễn Đình Khảm, giám đốc một công ty đá quý, đã phát tâm công đức viên đá ngọc xanh. Qua thẩm tra, nhiều chuyên gia khẳng định viên đá đạt tiêu chuẩn.
Trung tâm đã thuê người chạm ngọc rubi và các loại ngọc quý khác lên viên đá. Mặt trước chạm “trận đồ bát quái thiên tinh Phật Tổ Như Lai” dựa trên trận đồ bát quái của đức Thánh Trần trong Binh Thư Yếu Lược của nhà Trần. Trên mặt của Trận đồ được chạm mật chú mật tông của Ấn Độ làm "tăng hào quang của Phật và độ linh, độ uy của Phật để giải hóa bách nạn, bách khổ, bách bệnh cho nhân dân"...
Mặt sau của viên đá ngọc phía trên là chạm ấn của Vua Hùng, dưới là lá bùa giải bách họa cho nhân dân. Ảnh: Kiều Trinh. |
"Theo các chuyên gia, phải có linh khí của Phật và linh khí của Đức Thánh Trần mới hóa giải được bùa phép nguy hiểm đã yểm của Phương Bắc", ông Thông nêu trong báo cáo và cho hay, ở mặt sau của viên đá ngọc, phía trên chạm ấn vua Hùng, dưới là lá bùa giải bách họa cho nhân dân.
Ông Khôi cho biết, ngày nhập trạch đền Thượng cùng với lễ dâng ngọc hóa giải bùa yểm có lãnh đạo tỉnh cùng cán bộ trong khu di tích và Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Văn hóa Phương Đông tham dự. Cả ông Khôi và ông Thông đều cho rằng "từ ngày được hóa giải, tỉnh Phú Thọ và khu di tích đền Hùng được phát triển tốt đẹp và viên đá ngọc xanh càng ngày càng được tích năng lượng thu phát".
Trước dịp lễ hội đền Hùng, nhiều du khách phát hiện hòn đá có ký tự cổ, dấu ấn vuông, họa tiết phức tạp khó hiểu. TS Nguyễn Xuân Diện, Viện nghiên cứu Hán nôm cho rằng, nhìn hình thức bên ngoài cho thấy hòn đá là đạo bùa cát, cầu giải tai ương, thỉnh cầu phúc đức. Tuy nhiên, các chi tiết chưa được biết có thể phản lại ý nghĩa trên. Vì vậy, ông Diện đề nghị di dời ngay lập tức hòn đá ra khỏi khu vực đền Hùng để tránh những tác dụng xấu tới khu di tích linh thiêng này. |
Theo VNE