Thi hành công vụ: Làm sai, ai bồi thường?

Thứ hai, 22/04/2013, 10:38
Quy định liên quan đến bồi thường thiệt hại cho người dân khi “dính” hậu quả từ việc cán bộ thi hành công vụ sai còn nhiều bất cập, trong khi Nhà nước cũng khó khăn thu hồi số tiền bồi thường.

Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp liên ngành xung quanh việc cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước bồi thường cho người dân chịu thiệt hại từ việc người thi hành công vụ sai quy định gây ra.

“Nợ” khó đòi

Theo quy định, sau khi ngân sách chi trả, bồi thường thiệt hại cho người dân thì người thi hành công vụ sai phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền đó. Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Hồng, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp - Bộ Tài chính, cho biết sau khi cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước để bồi thường, gần như không thu được tiền hoàn trả của người thi hành công vụ sai.

Quy định hiện hành mà cụ thể là Nghị định 16/2010/NĐ-CP về mức hoàn trả hiện quá thấp, khó bảo đảm tính răn đe đối với người thi hành công vụ sai. Đó là chưa kể mức hoàn trả được pháp luật quy định trên cơ sở phải xác định lỗi của người thi hành công vụ nhưng các quy định của pháp luật về việc này hầu như chưa có nên còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thi hành công vụ: Làm sai, ai bồi thường?
Gây thiệt hại cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn, các cựu quan chức huyện Tiên Lãng - Hải Phòng phải hầu tòa. Ảnh: TTXVN

Hơn nữa, trong hoạt động thi hành án dân sự, giải quyết bồi thường đang tồn tại song song hai loại việc: Thứ nhất, bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Thứ hai, bồi thường theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều này khiến Bộ Tài chính gặp khó khăn khi thẩm định các hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường vì không biết phải áp dụng theo quy định nào cho phù hợp.

Đại diện Cục Bồi thường Nhà nước - Bộ Tư pháp cho biết cơ quan này đang soạn thảo thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện việc xem xét trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ sai. Trong đó, quy định cụ thể về việc xác định lỗi cố ý và vô ý của người thi hành công vụ khi xem xét trách nhiệm hoàn trả.

Đại diện Bộ Tài chính đề nghị thời gian tới, khi Bộ Tư pháp tổ chức sơ kết 3 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cần đưa mức hoàn trả vào nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính răn đe đối với người thi hành công vụ.

Thiệt thòi cho người dân

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng Thông tư liên tịch số 08/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 19/2010 hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính (có hiệu lực từ ngày 14/4) của liên bộ Tư pháp - Tài chính - Thanh tra Chính phủ vừa ban hành cũng chưa khắc phục được những bất cập hiện tại liên quan đến giải quyết hậu quả việc thi hành công vụ sai.

Điều 1 Thông tư 08 quy định: “Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại; trường hợp người thi hành công vụ và người bị thiệt hại cùng có lỗi thì Nhà nước chỉ bồi thường một phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người thi hành công vụ. Việc xác định thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người thi hành công vụ được thực hiện theo quy định tại điều 308 và điều 617 Bộ Luật Dân sự năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

Theo luật sư Hậu, việc xác định đâu là phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người thi hành công vụ là cực kỳ khó nếu không muốn nói là không khả thi. Hơn nữa, rất khó để xác định người dân bị thiệt hại và người thi hành công vụ gây ra thiệt hại có mức độ lỗi như thế nào, tương ứng với mức lỗi đó phải bồi thường bao nhiêu.

Vì vậy, việc xác định mức độ lỗi và bồi thường thiệt hại cho người dân sẽ phụ thuộc khá nhiều vào ý chí chủ quan của người ra quyết định và rất dễ vi phạm đến quyền lợi của người bị thiệt hại.

“Nên quy định cụ thể, rõ ràng mức độ bồi thường trong từng trường hợp (ví dụ trường hợp người bị thiệt hại, người gây thiệt hại cùng có lỗi và người gây thiệt hại có lỗi vô ý thì phải bồi thường theo một tỉ lệ phần trăm nhất định của thiệt hại xảy ra) thì quy định mới có tính khả thi cao, tránh nhiều hiện tượng tiêu cực phát sinh” - luật sư Hậu kiến nghị.

Đề nghị 78 tỉ đồng, chỉ được bồi thường gần 300 triệu đồng

Khi nói về chuyện bất cập trong bồi thường do thi hành công vụ sai, các chuyên gia pháp lý thường nêu ra ví dụ là vụ án hủy hoại tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (huyện Tiên Lãng - Hải Phòng).

Tháng 5/2012, sau khi kiểm kê những thiệt hại do việc thu hồi, cưỡng chế đất trái pháp luật xảy ra hôm 5/1/2012, gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã có văn bản yêu cầu chính quyền huyện Tiên Lãng phải bồi thường 7 khoản, gồm: giá trị quyền sử dụng đất; vật chất kiến trúc, công trình có trên đất, hoa màu; cây cối, hoa màu; dừng đầu tư không được sản xuất… với tổng giá trị lên tới gần 78 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm 10/4 vừa qua, TAND TP Hải Phòng ngoài tuyên mức án với 5 cựu quan chức nguyên là cán bộ huyện Tiên Lãng với tội danh “Hủy hoại tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, chỉ buộc các bị cáo bồi thường cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn và gia đình ông Đoàn Văn Quý gần 300 triệu đồng.

 

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn