Hòn đá kỳ lạ trong ngôi đền cổ ở thành nhà Hồ

Thứ sáu, 03/05/2013, 17:20
Hòn đá in dấu đầu người và hai bàn tay được lưu giữ tại ngôi đền thờ nàng Bình Khương nằm ở phía đông di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ (Thanh Hóa).

 

Ngôi đền cổ thờ nàng Bình Khương nằm sát chân tường thành phía đông thành nhà Hồ. Ảnh: Lê Hoàng

Xung quanh di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp. Ngoài vấn đề thời gian, kỹ thuật xây thành, đôi rồng đá bị chặt đầu, hay chuyện ngôi mộ táng khổng lồ ở đàn tế Nam Giao, còn có một huyền tích lịch sử về nàng Bình Khương tuẫn tiết kêu oan cho chồng và ngôi đền cổ thờ phiến đá kỳ lạ.

Đền thờ nàng Bình Khương nằm ở phía đông thành nhà Hồ, thuộc làng Đông Môn, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Huyền tích kể rằng, cuối thế kỷ 14, việc dời đô vô cùng gấp gáp bởi giặc Minh đang lăm le vượt qua ải bắc, những ngọn hỏa hiệu vùng biên ải Cao Bằng, Lạng Sơn mấy lần đã báo khói, báo cháy khiến vua quan nhà Trần lo sợ. Năm 1397, để nhanh chóng dời đô từ Thăng Long về đất An Tôn, Hồ Quý Ly đã gấp rút sai quân lính ngày đêm đào thành, đắp lũy.

Việc khai thác, vận chuyển những phiến đá nặng hàng chục tấn rất gian khổ, nhưng việc lắp ghép bức tường sừng sững cao đến 3-4 m mà không có máy móc hiện đại hay vôi vữa đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện. Trong số người tham gia việc đốc công có chàng Cống sinh Trần Công Sĩ. Viên quan này được Hồ Quý Ly giao nhiệm vụ trực tiếp giám sát, đốc thúc thi công bức tường thành phía Đông. Quan quân ngày đêm làm việc không nghỉ để đảm bảo tiến độ, trong 3 tháng phải hoàn thành “kinh đô bất khả chiến bại”.

Trên phiến đá nàng Bình Khương đập đầu kêu oan cho chồng còn hằn nguyên vết lõm sâu in hình đầu người và hai bàn tay. Ảnh: Lê Hoàng

Tiến độ thi công gấp rút nghiêm ngặt là thế, nhưng đoạn thành phía Đông do Trần Công Sỹ phụ trách cứ xây gần xong lại đổ sập, không ai rõ nguyên nhân. Nghi ngờ Trần Công Sỹ có mưu làm phản, cố ý chậm trễ công việc xây thành, Hồ Quý Ly tức giận hạ lệnh cho quân lính đem vùi thân chàng vào ngay vị trí bức tường thành bị đổ để làm gương răn đe những kẻ mưu đồ dám chống thượng lệnh.

Vợ chàng là nàng Bình Khương nghe tin chồng bị xử tội chết oan nên rất uất hận. Đau khổ tột cùng, nàng lao tới bức tường đá, lấy hết sức để xô đổ những tảng đá xây thành mong nhìn thấy xác người chồng vắn số. Kiệt sức nhưng bức tường thành vẫn không hề rung chuyển, Bình Khương quyết định đập đầu vào đá để được chết theo chồng. Kỳ lạ phiến đá nơi nàng tuẫn tiết lõm xuống một hố rất sâu như hình đầu người và hai vệt bàn tay cào xé.

Cảm thương trước người phụ nữ tiết nghĩa, người dân địa phương đã lập đền thờ nàng ngay sát bức tường phía cửa đông thành An Tôn. Phiến đá in dấu đầu người và hai bàn tay được đưa vào đền thờ. Cụ Phạm Đức Vinh (90 tuổi), người dân địa phương cho hay, chuyện nàng Bình Khương vỗ đá kêu oan cho chồng có từ xa xưa, được người dân trong vùng lưu truyền từ đời này sang đời khác. "Nếu tới thành nhà Hồ, hỏi về nàng Bình Khương thì đứa trẻ mới lớn cũng có thể kể lại vanh vách sự tích này", cụ Vinh tự hào nói.

Tấm bia đá người xưa khắc ghi công trạng Cống sinh Trần Công Sĩ và tấm gương thủy chung tiết hạnh của nàng Bình Khương. Ảnh: Lê Hoàng

Theo sử sách, đến đời vua Đồng Khánh (triều Nguyễn), nghe đồn về dấu tay và đầu nàng Bình Khương qua 500 năm vẫn còn in rõ trên phiến đá nên khách xa gần tìm về đây rất đông. Viên hào lý trong làng Đông Môn lo ngại tiếng đồn ngày càng vang xa sẽ gây nhiều phiền nhiễu nên thuê thợ về đục cả phiến đá đem chôn. Nhưng đục xong, nhóm thợ mắc bệnh lạ rồi qua đời.

Bấy giờ tri phủ Đoàn Thước nghe tin lo sợ mới sai lính tìm và cho đào phiến đá đó lên, lắp đúng vào chỗ cũ, đồng thời sai thợ khắc dòng chữ “Trần triều Cống Sinh - Bình Khương nương, phu nhân tri thạch” (đại ý tảng đá này ghi dấu vết của nàng Bình Khương, là nương tử của ông Cống sinh, triều nhà Trần). Tri phủ cũng cho dựng thêm một phiến đá ở chân thành, nơi xưa kia Cống Sinh bị chôn lấp, trên đó cũng khắc dòng chữ “Trần triều Cống Sinh - Bình Khương phu quân chi biếm” (nghĩa là nơi chôn lấp chồng bà Bình Khương, là Cống Sinh triều Trần).

Năm 1903, tổng đốc Vương Duy Trinh đã làm sớ tâu lên nhà vua ban sắc phong cho nàng Bình Khương 4 chữ: “Tiết liệu khả phong” và giao cho 3 làng Đông Môn, Xuân Giai, Tây Giai xây dựng một ngôi đền kiên cố.

Hàng trăm năm nay, ngôi đền cổ đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và du khách gần xa. Ảnh: Lê Hoàng

Hiện đền thờ nàng Bình Khương tọa lạc ở phía đông của thành, chính nơi nàng từng vật vã khóc than kêu oan cho chồng. Phía sau ngôi đền cổ là mộ Trần Công Sỹ. Bên phải đền có một cái ao nhỏ, dù nắng to hay hạn hán thế nào, ao cũng không bao giờ cạn nước. Trong đền còn có ba tấm bia đá cổ khắc chữ Hán ca ngợi công đức và tấm gương tiết liệt của nàng Bình Khương.

Ông Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho biết, hàng trăm năm nay, ngôi đền cổ đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và du khách gần xa. “Tin vào sự linh thiêng của ngôi đền nên cứ vào dịp mùng một, ngày rằm hay dịp lễ tết đầu xuân, người dân địa phương đều đến đây dâng hương để cầu mong sức khỏe, bình an, may mắn cho gia đình...”, ông Toán nói.

Theo VNE

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn