GS.Ngô Đức Thịnh trả lời trên một tờ báo: "Áo dài, khăn đóng của nam giới nhìn yếu ớt, không phù hợp khi đi đôi với áo dài dành cho phụ nữ Việt Nam. Áo dài phụ nữ Việt Nam đã trở thành truyền thống, nhắc đến phụ nữ Việt Nam, người ta liên tưởng ngay đến tà áo dài nên không thể tìm được loại trang phục khác để thay thế áo dài phụ nữ.
Nếu kết hợp áo dài khăn đóng của nam giới đi đôi với áo dài phụ nữ thì không phù hợp. Ví dụ, nguyên thủ quốc gia mặc áo dài khăn đóng khi đi ngoại giao, nếu đi cùng một phụ nữ Việt với trang phục áo dài truyền thống thì không toát lên vẻ nam tính oai vệ của vị nguyên thủ quốc gia".
GS Ngô Đức Thịnh: "Không nên quan tâm quá đến vấn đề quốc phục"
Tuy nhiên, về đề xuất chọn complet - áo dài làm lễ phục, quốc phục, GS.Ngô Đức Thịnh cho rằng, nhìn bên ngoài thì phù hợp, nhưng lại không thể hiện được bản sắc văn hóa Việt cũng như lòng tự hào dân tộc.
"Áo dài phụ nữ Việt Nam mà kết hợp với bộ quần áo complet tuy nhìn thì rất hợp lý, nhưng xét ở góc độ văn hóa thì đó không thể là một bộ quốc phục. Nguyên tắc của một bộ quốc phục là làm sao phải thấy được truyền thống văn hóa và hiện đại, phải có tính dân tộc, trong khi rõ ràng, ai cũng nhận thấy, quần áo complet, veston xuất phát từ châu Âu", GS.Thịnh nói.
Theo đó, GS.Thịnh cho rằng: "Đừng quan tâm quá đến vấn đề quốc phục bởi trên thực tế không nhất thiết phải có quốc phục, nhiều nước khác cũng đâu có quy định về quốc phục. Trong khi đó, rất nhiều những vấn đề văn hóa khác lẽ ra đáng phải quan tâm thì lại không lo. "Nước ta đa dạng những sắc màu văn hóa, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa độc đáo riêng thể hiện qua những trang phục đa sắc màu, kiểu dáng.
Giống như việc chọn quốc hoa, việc đi chọn một cái trong nhiều cái có sẵn là rất khó. Vì sao khi thực hiện chọn quốc phục lại mất thời gian dài đến như thế? Bởi vì quốc phục là quần áo mặc lên người. Khi mặc lên người thì phải xem quần áo thật ấy có trang trọng không? Có tính dân tộc không? Có đẹp không? Kết hợp hài hòa như thế nào, vải vóc ra sao?... Thực tế đó là chuyện của các nhà tạo mốt".
"Khi chưa tìm được bộ quốc phục hợp lý thì nên cứ từ từ, sao phải vội, bởi không nhất thiết phải cần có ngay. Làm sao để ra được một bộ quốc phục phải điển hình, sang trọng, chứ vội vã, làm cho xong, bộ quốc phục mà như phường tuồng là không được", GS.Thịnh kết luận.
Theo Nguoiduatin