Đã có 8 trẻ bị phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem trong 2 tháng qua nhưng chỉ 3 bé ở Bình Định được cứu sống vì cấp cứu kịp thời. Bác sĩ Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện (BV) Đa khoa Bình Định, cho biết quy trình điều trị, cấp cứu 3 trẻ này tương tự phác đồ điều trị chống dị ứng, chống sốc thuốc.
Cha mẹ nên theo dõi chặt chẽ phản ứng của trẻ sau khi tiêm chủng |
Thận trọng với phản ứng chậm
Theo bác sĩ Toàn, bản thân vắc-xin là một kháng nguyên lạ, khi đưa vào cơ thể cũng có thể gây ra phản ứng cho trẻ, nhất là trong Quinvaxem lại có thành phần ho gà toàn tế bào. Trong 3 trẻ nhập viện vì có phản ứng sau tiêm Quinvaxem, một bé bị nặng nhất với các biểu hiện khóc thét, co giật, tím tái và có cơn ngừng thở.
Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhi này được chăm sóc, điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, đồng thời truyền dịch, thở ôxy. Hai bệnh nhi còn lại được theo dõi tại BV, kích thích cho bú mẹ và quan sát các chức năng sống. Sau gần 2 ngày điều trị, cả 3 bé đã xuất viện.
Bác sĩ Toàn cho biết vào ngày địa phương tổ chức tiêm vắc-xin, số trẻ đến khám và nhập viện do các phản ứng liên quan cũng nhiều hơn.
“Tiêm chủng là việc chắc chắn phải làm để giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ nhưng trước hàng loạt tai biến liên quan đến vắc-xin thời gian qua, Sở Y tế tỉnh Bình Định và lãnh đạo BV đã liên tục thông báo, nhắc nhở nhân viên cảnh giác, theo dõi sát các trường hợp liên quan để xử lý kịp thời, nhất là với Quinvaxem. Sau khi trẻ tiêm chủng, cha mẹ cũng được nhắc nhở rất kỹ về nguy cơ có thể xảy ra” - bác sĩ Toàn nói.
Bác sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho rằng cấp cứu phản ứng do vắc-xin cũng là cấp cứu sốc. Các đơn vị tiêm chủng đều được trang bị đầy đủ, được tập huấn kỹ về xử trí sốc với các tình huống như: ngạt, ngưng tim, rối loạn huyết động... Vì thế, ngoài những phản ứng sớm sau tiêm, cần chú ý cả phản ứng chậm.
Chuỗi tai biến nghiêm trọng
Theo giới chuyên môn, tai biến sau tiêm Quinvaxem là một trong những chuỗi tai biến nghiêm trọng nhất 20 năm nay. GS-TS Phạm Ngọc Đính, Phó Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam, nhìn nhận vắc-xin về cơ bản là an toàn nhưng cũng như thuốc, trong quá trình tiêm chủng, mỗi cơ thể phản ứng khác nhau nên có người bị sưng đau tại chỗ, sốt nhẹ, sốt cao, số ít có thể bị sốc. Hiện tượng này xảy ra do kháng nguyên trong vắc-xin khi vào cơ thể gây phản ứng.
Năm 2008, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo về triệu chứng lâm sàng có thể gặp sau khi tiêm tất cả các loại vắc-xin và hướng dẫn cách xử lý. Phần lớn trẻ bị phản ứng nhẹ sau tiêm vắc-xin có thể tự khỏi nhưng có bé phải được chăm sóc hỗ trợ, truyền dịch, điều trị kháng sinh, dùng thuốc giảm đau…
“Riêng vắc-xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván - thành phần có trong Quinvaxem), trẻ tiêm chủng được cảnh báo có phản ứng: khóc thét, khóc dai dẳng, giảm phản xạ, đặc biệt có những cơ co giật toàn thân và trẻ phải được xử trí cấp cứu như một tình trạng co giật nói chung” - Bộ Y tế khuyến cáo.
PGS-TS Trịnh Quân Huấn, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng trong thời điểm này, kể cả trẻ gặp những phản ứng nhẹ (sốt, bỏ bú) sau tiêm Quinvaxem, cha mẹ cũng cần đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra.
“Nhiều trẻ có cơ địa quá nhạy cảm hoặc bản thân khi tiêm đã bị nhiễm trùng hay một số bệnh khác mà cha mẹ không biết. Ngay cả cán bộ y tế khám sàng lọc trước tiêm chủng cũng có thể không phát hiện được vì biểu hiện bệnh ban đầu ở trẻ vài tháng tuổi thường rất khó thấy” - PGS Huấn lưu ý.
Giới chuyên môn cho rằng sau khi tiêm vắc-xin, trẻ có thể bị sốt hoặc không. Những phản ứng phụ thường thấy: Sốt nhẹ hoặc cao trong vòng 24-48 giờ, đau tại chỗ tiêm...
Một số ít có biểu hiện nổi mẩn, ngứa, mề đay hoặc hồng ban, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, mất ngủ, dễ kích động, bứt rứt khó chịu thoáng qua. Với các dấu hiệu nặng: Sốt cao trên 39oC, co giật, tay chân lạnh, tím tái, thở khó, co lõm ngực, bứt rứt, quấy khóc nhiều, không đáp ứng thuốc giảm đau hạ sốt thông thường, lừ đừ, bỏ bú, sưng to và đỏ quanh chỗ tiêm..., cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
“Tiêm chủng cho trẻ luôn luôn cần thiết, nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe con mình sau khi tiêm thì cần trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc. Cha mẹ cần theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau” - GS Đính khuyên.
Đề nghị WHO kiểm tra
Chiều 11/1, tại buổi giao ban với lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đã đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kiểm tra tính an toàn của Quinvaxem. Bộ cũng sẽ xem xét việc mời chuyên gia độc lập điều tra nguyên nhân các ca tử vong sau tiêm vắc-xin này.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thống kê chung với 13 triệu liều vắc-xin đã được tiêm tại Việt Nam từ tháng 6/2012 cho thấy tỉ lệ tử vong là 0,17/1 triệu liều, tỉ lệ phản ứng nặng: 0,69/1 triệu liều, tương tự mức khuyến cáo.
Tuy nhiên, chỉ riêng trong một tháng qua đã có 5 ca tử vong là cao hơn so với khuyến cáo chung. Vì vậy, Bộ Y tế tạm ngưng sử dụng các lô vắc-xin có trẻ tiêm bị tai biến nặng cung cấp cho Nghệ An (số lô 37), Hà Nội (77), Kiên Giang và Bình Định (75).
Khi nào không chủng ngừa? Trẻ đang có bệnh cấp tính, viêm phổi, tiêu chảy… (thường biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, ho hoặc tiêu chảy nhiều lần). Trẻ có phản ứng trầm trọng với thuốc chủng ngừa ở những lần tiêm trước (tạm ngưng vài tháng, khi tiêm lại nên tiêm từng vắc-xin một, không nên kết hợp nhiều loại cùng lúc). Trẻ bị HIV (+) có triệu chứng suy giảm miễn dịch. Trẻ đang có bệnh ung thư, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải. |
Theo NLD