Lưu vực sông Đồng Nai: Ô nhiễm tiếp tục gia tăng

Thứ bảy, 12/01/2013, 08:33
Ngày 11.1 tại TPHCM, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (UBBVMTSĐN), UBND TPHCM tổ chức hội nghị 5 năm triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. 5 năm đã trôi qua, tình trạng ô nhiễm trên các con sông trong lưu vực ngày càng nghiêm trọng, tác động trực tiếp lên đời sống của 20 triệu dân.

Ngày càng ô nhiễm nặng

Theo đánh giá của UBBVMTSĐN: “Trong giai đoạn 2007-2012 mặc dù các địa phương đã nỗ lực, tuy nhiên chất lượng nước mặt của các con sông thuộc lưu vực sông Đồng Nai vẫn đang bị ô nhiễm cục bộ, đặc biệt là tại các kênh rạch nội thành, nội thị chủ yếu do hoạt động phát triển của các ngành công nghiệp và nước thải sinh hoạt  gây nên”.

Trên thực tế, diễn biến môi trường nước trên các con sông chính trong lưu vực như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông có phần nghiêm trọng hơn so với đánh giá của UBBVMTSĐN.

o nhiem moi truong

Cửa lấy nước của Nhà máy nước Tân Hiệp (huyện Củ Chi, TPHCM) nguồn nước ô nhiễm nhưng vẫn phải sử dụng làm nguồn nước nguyên liệu. Ảnh: Trần Phan

Chẳng hạn trên sông Sài Gòn – con sông cung cấp nước uống cho gần 10 triệu dân của TPHCM – các chỉ số cơ bản như BOD 5 (Biochemical Oxgen Demand - là lượng ôxy cần thiết để vi sinh vật tiêu thụ trong quá trình ôxy hóa các chất hữu cơ trong nước).

COD (Chemical Oxygen Demand - là lượng ôxy cần thiết cho quá trình ôxy hoá các chất hữu cơ trong nước thành CO2 và H2O), WQI (Water Quality Index – chỉ số chất lượng nước) và vi sinh... đều không đạt quy chuẩn chất lượng nước mặt dùng làm nguồn cấp nước cho mục đích sinh hoạt.

Còn theo  số liệu của các cơ quan chức năng TPHCM, ô nhiễm vi sinh trong nước sông Sài Gòn vượt chuẩn vài chục lần, thậm chí có thời điểm lên đến 400 lần.

Biết vậy, nhưng các nhà máy nước trên địa bàn TPHCM vẫn phải “cắn răng” lấy nguồn nước từ sông Sài Gòn để xử lý sau đó cung cấp cho toàn thành phố dùng. Tương tự, chất lượng nước trong các con sông khác như Đồng Nai, Vàm Cỏ Đông... cũng bị ô nhiễm trầm trọng bởi nước thải từ các khu công nghiệp, nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị chưa qua xử lý đổ thẳng vào sông...

Cả 11 tỉnh, thành (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận) trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đều có một danh mục những vấn đề môi trường bức xúc của mình.

Nếu nhìn vào danh mục những vấn đề môi trường bức xúc của 11 tỉnh, thành trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có thể đưa ra nhận định, còn lâu vấn đề môi trường trong lưu vực sông Đồng Nai mới được cải thiện khi mà những vấn đề của từng địa phương chưa được giải quyết một cách rốt ráo.

Chưa làm được gì nhiều

Theo nhận định của UBBVMTSĐN, những thành tựu lớn nhất sau 5 năm triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là  tình hình ô nhiễm môi trường nước trong hệ thống sông đã có dấu hiệu được cải thiện (mới chỉ là dấu hiệu).

Thể hiện rõ nhất là hiệu quả từ việc xử lý vụ Vedan đối với chất lượng  nước sông Thị Vải và việc dự án vệ sinh môi trường  nước TPHCM bước đầu hoàn thiện đưa vào vận hành. Hệ thống cơ chế chính sách trong công tác bảo vệ môi trường nói chung đã từng bước được xây dựng và dần hoàn thiện từ trung ương xuống địa phương, tạo tiền đề  thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai.

Xử lý được 3.500 tổ chức cá nhân thiếu tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường; kiến nghị không xây dựng thêm các thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai...

Trong phần thảo luận tại hội nghị, đại diện của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bức xúc: “Thực tế mà nói, UBBVMTSĐN có chức năng nhưng không có quyền hạn. Chúng ta cần phải làm gì để 20 triệu dân sống trong lưu vực được hưởng lợi, có UBBVMTSĐN nhưng nước sông mỗi ngày lại thêm ô nhiễm, đến một lúc nào đó là không thể cứu”.

Đại diện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn khẳng định là đã  kiểm soát được các nguồn làm phát sinh ô nhiễm trên địa bàn. Mô hình của Bà Rịa – Vũng Tàu là thành lập các tổ chức giám sát nhân dân, chỗ nào có dấu hiệu vi phạm là báo cho cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, theo đại diện của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì những kết quả trên sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu các địa phương ở thượng nguồn lưu vực không kiểm soát được nguồn ô nhiễm.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn