Ba nữ du khách từ TP.HCM đi nghỉ mát tại một resort ở Bình Thuận và được tư vấn đắp bùn rồi ủ người dưới cát để giải trừ… độc tố trong gan vì trong cát có muối khoáng, có chất nóng nên mới hút được độc.
Sau chuyến du lịch trở về, ba nữ du khách bỗng phát ngứa một vài nơi. Đi khám, bác sĩ cho biết cả ba người bị nhiễm ấu trùng giun móc chó, mèo, vốn là bệnh nhiễm chỉ thường gặp ở trẻ 3-8 tuổi.
Chúng có thể di chuyển vài cm mỗi ngày và gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
Tưởng giải độc ai ngờ mang bệnh
Chị NHM kể: “Sau khi du lịch trở về khoảng một tuần, tôi cảm thấy ngứa ở ống quyển chân như bị kiến cắn. Lấy tay gãi chỗ ngứa thì thấy nổi màu hồng hồng rồi có một vệt nhỏ như sợi chỉ di chuyển 1-2 cm/ngày dưới da nên tôi rất sợ. Tôi điện thoại hỏi spa thì họ nói bùn nhập từ Trung Quốc nên tôi càng sợ hơn”.
Điện thoại cho hai người bạn đi cùng chị M. mới biết một người bị đến hai chỗ: Đùi và ống quyển với các triệu chứng y như chị. Chị này đi khám được bác sĩ da liễu cho là bị côn trùng cắn hay giời leo và cho chị 10 ngày thuốc thoa và uống nhưng không khỏi. Người thứ ba cũng bị tương tự nhưng ở ngực.
“Chúng tôi đã đi khám tại BV ĐH Y Dược. Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, bác sĩ bảo chúng tôi bị mắc ấu trùng di chuyển và cho uống thuốc Ivermectin. Sau khi uống ba ngày thì chúng tôi thấy đỡ hẳn” - chị M. nói. Theo lời chị M., bác sĩ da liễu cho biết đây là ca bệnh hiếm gặp, đặc biệt là mắc trên ba người cùng lúc.
Hình ảnh ấu trùng giun móc chó, mèo chui vào di chuyển dưới da người. Ảnh: ML |
Sống một thời gian trên người rồi chết
Chúng tôi đã liên hệ với BS Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám Da liễu BV ĐH Y Dược TP.HCM - người điều trị cho ba nữ bệnh nhân trên, để xin trao đổi về chuyên môn nhằm cung cấp thông tin cho người dân biết khi tắm bùn, ủ cát nhưng BS. Minh từ chối.
ThS-BS. Đinh Nguyễn Huy Mẫn, phòng khám Ký sinh trùng BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, nhận định: Qua lời kể của bệnh nhân và hình ảnh ghi được cho thấy đây là trường hợp bệnh ấu trùng di chuyển ngoài da do ấu trùng giun móc chó, mèo.
Theo đó, giun trưởng thành ký sinh trong đường tiêu hóa của chó, mèo, đẻ trứng và trứng sẽ theo phân ra ngoài. Trứng nở ra ấu trùng. Ấu trùng giun móc chó, mèo có thể sống trong môi trường đất ẩm, quanh nhà hoặc bùn sình. Bình thường ấu trùng có thể xuyên qua da chó, mèo để vào máu, về tim, về phổi và cuối cùng trưởng thành ở ruột non của chó, mèo để hoàn tất chu trình phát triển.
Khi có cơ hội, ấu trùng trong đất có thể xuyên qua da người, di chuyển dưới da, tạo thành những đường đi ngoằn ngoèo có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Chúng có thể di chuyển vài cm mỗi ngày và gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Do ấu trùng không thích nghi được trên cơ thể người nên chỉ sống được một thời gian rồi chết, hay bị đóng kén, gọi là ngõ cụt ký sinh.
“Bệnh thường xảy ra sau khi bệnh nhân tiếp xúc với đất cát bằng tay không hoặc chân trần. Thí dụ sau khi bệnh nhân dùng tay không để bón phân hay trồng trọt, sau khi đá bóng ngoài sân cỏ hoặc đi chân không những nơi thường có chó, mèo đi phân rồi lẫn trong đất cát...
Cơ chế gây bệnh là do ấu trùng xuyên qua da, do vậy bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tránh tiếp xúc với đất cát bằng da trần, như phải mang giày dép, mang bao tay khi có những hoạt động có tiếp xúc với đất cát ẩm ướt, đặc biệt những nơi thường có chó, mèo qua lại và phóng uế” - BS Mẫn khuyến cáo.
Cũng theo BS Mẫn, trường hợp sau khi đắp bùn, ủ cát như nói trên mà bị bệnh, có khả năng trong bùn, cát có chứa ấu trùng giun móc chó, mèo.
Theo PLTP