Hoang mang khi đứa con đầu lòng lại mắc bệnh, thay vì đến bác sĩ để kiểm tra và được tư vấn, chị H tiếp tục lên mạng và tự tìm cơ sở chữa bệnh, trường học cho con. Sống với ám ảnh tự kỷ “ảo” của con đến nỗi cả hai vợ chồng chị rơi vào... tự kỷ.
Tự kỷ... ảo
Tự kỷ là một trong những căn bệnh được quan tâm và lo sợ nhất hiện nay. Nhiều phụ huynh có con nhỏ cứ lo ngay ngáy và đặt ra nhiều câu hỏi. Chỉ cần thấy con có một số hành động lạ hay phát triển chậm so với những đứa trẻ cùng trang lứa, họ lại nghĩ đến tự kỷ và lo sợ.
Cháu N.H.T (ở TPHCM) đã 33 tháng tuổi nhưng chỉ nói được vài từ “ba”, “mẹ”, “sữa”... Theo gia đình, T nghe và hiểu người lớn sai bảo. Lúc ở trường, khi cô giáo yêu cầu T làm việc gì thì đôi lúc T không làm. Mỗi khi đi học về nhà, T muốn kể lại những việc đã học ở trên lớp nhưng lại nói những từ không ai hiểu.
Lúc xem phim hoạt hình thấy cảnh nào căng thẳng T cũng nhăn mặt theo hoặc chạy lại ôm ba mẹ. Khi không được đáp ứng vấn đề gì đó là cháu lăn ra ăn vạ. Nếu sai làm việc gì đó thích thì đi làm, không thích thì nói "không". Chính vì những biểu hiện trên nên cả gia đình lo lắng và cho rằng, con mình bị tự kỷ.
Trẻ tự kỷ học hoà nhập tại trường mầm non ở quận 1, TPHCM. |
Sau khi được ông bà tổ chức lễ “đuổi tà” nhưng vẫn không cải thiện, T đã được đưa đến khám tại BV Nhi Đồng 2, TPHCM.
Các BS đã tiến hành cho T làm bài xét nghiệm và kết luận: Cháu bé hoàn toàn khỏe mạnh và cũng không rối loạn ngôn ngữ, chỉ thiếu vốn từ để diễn đạt mà thôi. Ở lứa tuổi này, trẻ thường có xu hướng khẳng định cái tôi thông qua lời nói, hành vi chống đối, ăn vạ… Những biểu hiện trên cũng sẽ ít dần và biến mất khi bé lớn.
Một trường hợp tương tự khác, đó là bé trai 3,5 tuổi tên Tr.T.H, ở Bình Dương đến Khoa Tâm lý của BV Nhi Đồng 1 khám. Theo lời mẹ cháu, H rất hiếu động, ngồi không yên, phá phách, thường hay cắn ông bà, anh chị em. Đến lớp, H hay đánh bạn, nói chuyện hỗn hào và chỉ thích xưng mày tao.
H thích xem tivi đến nỗi bố mẹ hỏi cũng không trả lời và thích sống với nhân vật trong đó. Ngoài ra, cháu chỉ thích nói chuyện một mình. Mỗi lần đến lớp đón con, cô giáo hay phàn nàn H không tập trung học như nhiều bạn trong lớp và đề nghị gia đình cho H đến BS khám.
Đọc trên mạng, mẹ của H thấy con mình có một số biểu hiện giống tự kỷ và tăng động giảm chú ý nên cũng cho con đến BV. Sau khi kiểm tra, các BS khẳng định, H vẫn phát triển bình thường và không có biểu hiện gì là tự kỷ.
Theo BS Thái Thanh Thuỷ giải thích về trường hợp này: “Đứa trẻ phát triển bình thường có khả năng bắt chước hành vi, lời nói của người lớn rất sớm. Khi thấy trẻ có những hành vi và lời nói như trên thì gia đình nên tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ lại có những biểu hiện như vậy”.
Tin người ngoài!
Thời gian gần đây, số trẻ được đưa đến khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1, 2 (TPHCM) khám bệnh ngày càng nhiều. Lý do xuất phát là cha mẹ thấy các cháu chậm nói hoặc hoặc nghi ngờ con mắc bệnh tự kỷ. Theo nhiều nhận định của các chuyên gia, số BS chuyên ngành trị liệu tâm lý còn quá ít, nên việc chẩn đoán bệnh tự kỷ thiếu chính xác.
Thay vì được khám kỹ lưỡng căn cứ từ những biểu hiện từ bên ngoài và khả năng tiếp thu, nhận thức mới đưa ra kết luận thì hiện nay có tình trạng bệnh bị dễ dãi suy đoán theo chủ quan. Chính vì điều này, tại VN bất cứ ai như cha mẹ, giáo viên, chuyên viên tâm lý, BS tâm thần đều có thể tự chẩn đoán và kiêm luôn điều trị bệnh.
Hậu quả tai hại là nhiều trẻ không bị tự kỷ lại chịu một phương pháp giáo dục cứng rắn dành cho trẻ tự kỷ, khiến trẻ cảm thấy không an tâm, có những rối loạn giấc ngủ và không phát triển được về ngôn ngữ.
Thậm chí, có nhiều trẻ, các BS tâm lý khẳng định không có bệnh nhưng gia đình vẫn nhất quyết không tin vì thấy con mình không phát triển giống như trẻ cùng trang lứa. Không tin BS nhưng họ lại tin theo các diễn đàn trên mạng, bạn bè để rồi biến những đứa trẻ bình thường thành bệnh.
BS Phạm Ngọc Thanh - chuyên gia tâm lý tại BV Nhi Đồng 1 dẫn chứng trường hợp: Một bé gái 4 tuổi, ở TPHCM, khoẻ mạnh và ăn uống bình thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây cháu có biểu hiện biếng ăn, bị sút cân. Đến khám bệnh về dinh dưỡng, tâm lý thì BS khẳng định không có bệnh gì.
Thế nhưng, khi đến cơ quan làm việc, mẹ của cháu tâm sự với các đồng nghiệp và được mách rằng, đó là biểu hiện của tự kỷ thể nhẹ. Nhiều người đều nói như vậy, nên gia đình nằng nặc xin các BS khám lại tâm lý một lần nữa cho cháu bé.
Để giải thích cho trường hợp trên, BS Thanh cho rằng, triệu chứng biếng ăn và sụt cân không phải là dấu hiệu của tự kỷ. Thay vì đến khám tự kỷ, gia đình nên nhờ một BS dinh dưỡng tư vấn về vấn đề ăn uống. Ở khía cạnh tâm lý, các BS tìm hiểu nguyên nhân đối với trường hợp trên là biếng ăn do tâm lý. Có thể thức ăn không hợp khẩu vị, quá ngán hoặc bị gia đình ép ăn để rồi cứ vào bữa ăn là trẻ sợ…
Chứng tự kỷ đã “ám ảnh” đến nỗi, các bậc phụ huynh lúc nào cũng lo sợ con mình mắc căn bệnh này. Theo các BS của BV Từ Dũ, nhiều cặp vợ chồng chỉ có một đứa con và không dám sinh tiếp đứa thứ 2 vì đọc trên mạng thấy trên 37 tuổi mà mang thai thì sinh con dễ mắc tự kỷ hoặc trẻ sinh non.
Hoặc trẻ bị vàng da lúc mới sinh, họ cũng nơm nớp so lợ con sau này mắc tự kỷ… Câu hỏi các bậc phụ huynh thường hỏi nhiều nhất khi gặp BS tâm lý là: “Sao con tôi không giống mấy đứa trẻ khác?”, “Sao con tôi quá chậm nói?” hoặc “Sao con tôi hiếu động quá, có phải tự kỷ?” rồi “Tự kỷ có chữa được không?”…
Tự kỷ đã thực sự là nỗi ám ảnh với các gia đình và qua nhiều năm khám tâm lý, nhiều BS nhận định: Con chưa tự kỷ nhưng đã thấy bố mẹ tự kỷ trước!
2-5 tuổi là thời gian thích hợp để chữa bệnh Trẻ mắc tự kỷ đang gia tăng trong thời gian gần đây là một thực tế cần phải nhìn nhận. Tại TPHCM, năm 2000 chỉ có 2 trường hợp điều trị thì năm 2008 là 324 trẻ, tăng hơn 160 lần. Theo chuyên viên Đỗ Hà Cát Uyên, Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2: Tỉ lệ trẻ mắc tự kỷ hiện nay là 1-2/1.000 trẻ ra đời. Trẻ trai mắc bệnh cao hơn 6-8 lần so với trẻ gái. Chỉ tính riêng tại Khoa Tâm lý của BV, số trẻ được chẩn đoán tự kỷ và điều trị tại khoa năm 2010 là 3.019 lượt, năm 2011 là 2.657 trường hợp. BS Huỳnh Tấn Mẫm, một chuyên gia trong lĩnh vực tự kỷ cho biết: “Kiến thức của người dân về căn bệnh này còn sơ sài, số BS, giáo viên hiểu biết về bệnh của trẻ không nhiều. Tôi sợ trẻ tự kỷ sẽ mất cơ hội “tuổi vàng” từ 2-5 tuổi để chữa bệnh. Nếu được phát hiện và can thiệp sớm trong khoảng thời gian này sẽ có nhiều cơ hội trở thành người bình thường hơn”. Chính vì loạn thông tin và kiến thức về tự kỷ nên nhiều bậc phụ huynh khi có con thay vì tìm hiểu kỹ thông tin về căn bệnh này và nơi can thiệp đúng để tận dụng thời gian vàng thì ngược lại, họ lên mạng Internet tìm đến các trường không có chuyên môn, vừa tốn tiền, thời gian mà trẻ lại không hết bệnh. Càng chữa càng không thấy tiến triển đã khiến cho nhiều người nản chí. Thậm chí, trên mạng còn truyền nhau loại thuốc chữa tự kỷ. BS Phạm Ngọc Thanh khẳng định: Không có thuốc đặc trị, mà phương pháp điều trị tốt nhất là tâm lý giáo dục. |
Theo Laodong