Xuất hiện từ khá lâu - cà phê cóc được xem là nét sinh hoạt mang tính đặc trưng ở đất Sài thành. Ở đâu người ta cũng thấy cà phê cóc: từ khu trung tâm đến khu lao động... thậm chí cà phê cóc còn xuất hiện ở những tỉnh lân cận.
Từ "cóc" có thể lý giải đơn giản: khách ngồi uống trên các ghế đẩu thấp "ngồi như cóc" hoặc do loại hình cà phê này thường thay đổi chỗ xoành xoạnh như "nhảy cóc". Dù là cà phê cóc, nhưng cũng có những cái tên nổi tiếng và tồn lại lâu năm. Người Sài Gòn xưa vẫn không quên được những cái tên như: Thái Chi, Năm Đường, Năm Dưỡng, Lão Tử...
Khách đến với cà phê cóc thật đa dạng, nhiều thành phần: từ bác xe ôm đến anh công chức, từ những tay anh chị đến giới văn nghệ sĩ... Họ đến đây với nhiều lý do: tiện, không cầu kỳ, bình dân, cà phê ngon, gặp nhiều bạn bè, thân thiện... Đồng thời, nơi đây còn là nguồn cung cấp thông tin "vỉa hè" phong phú và nhanh nhạy nhất: từ sì-căng-đan của giới văn nghệ sĩ đến chính trị, thời cuộc...
Thức uống tại đây cũng có nhiều loại, nhưng người ta vẫn uống cà phê, thứ nước màu nâu, thơm nồng, được chế biến bằng cách pha phin hay pha bằng vợt.
Trong thời gian dài, do kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nên không đủ cà phê để cung cấp cho thị trường. Thế là các loại cà phê "tự chế" lần lượt ra đời, họ pha trộn, bắp, đậu nành... do lượng tiêu thụ cà phê hàng ngày là quá lớn, nên người dân bắt đầu quen dần với "khẩu vị" mới.
Tiếp đến là sự xuất hiện ồ ạt của các loại hóa chất tạo mùi khiến người bán cà phê chuyển sang "công thức" khác: trộn thêm hóa chất tạo mùi vào cà phê đang chế biến, đổ hóa chất vào nước để tạo cà phê... rất ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đứng trước thực trạng cà phê bẩn hoành hành với lượng tiêu thụ hàng ngày rất lớn, người dân bắt đầu giật mình bởi những tác hại ghê gớm của loại cà phê "đem ngòm, đắng nghét" đang bán ồ ạt ngoài thị trường.
Bắt đúng bệnh, các quán cà phê mini với khẩu hiệu “sạch, rang xay tại chỗ” ra đời, dần dần thay thế kiểu cà phê cóc truyền thống. Mô hình quán cà phê dạng này có diện tích nhỏ đi theo xì-tai riêng, ghế và bàn đóng bằng gỗ pallet tái chế theo kiểu mộc, trương các tủ và bình đựng hạt cà phê.
Tương tự sự bùng nổ của “trà chanh chém gió” ở Hà Nội, các quán cà phê sạch mini ở Sài Gòn cũng liên tục được khai trương từ mặt đường và len lỏi vào các con hẻm ở các quận, huyện. Một số quán cóc trước kia cũng phải thay đổi, trương bảng “Cà phê sạch"... mới mong trụ được.
Phàm ở đời phát triển ồ ạt thường sẽ kéo theo chất lượng đi xuống, dạo quanh những quán cà phê kiểu này, bên cạnh những nơi dùng cà phê sạch thật sự, chúng ta sẽ không ít lần nhăn mặt khi phải uống loại cà phê được xem là "sạch, không chất phụ gia, rang xay tại chỗ???" nhưng vẫn có thể nhẩm ra được một số vị là lạ đang tồn tại bên trong ly cà phê.
Xã hội phát triển, các loại hình cà phê dần thay thế cà phê cóc của ngày xưa, mức độ cạnh tranh ngày một khốc liệt. Không những thế, phong cách uống cà phê cóc ngày nay cũng khác xưa nhiều.
Người ta không còn chậm rãi bước vào quán với tờ báo trên tay, chọn cho mình chỗ ngồi quen thuộc, bình thản nhìn từng giọt cà phê rơi, cùng nhau trao đổi những vấn đề mang tính thời sự hay những câu chuyện về gia đình, con cái theo cách hòa nhã, thân thiện...
Giờ đây, hình ảnh đó được thay bằng một bộ phận những người trẻ, họ không còn cầm tờ báo trên tay nữa mà là điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay. Vì thế, tiếng là quán cóc, nhưng giờ đây quán nào cũng trang bị Wi-Fi. Mọi người có thể xem tin tức, thời sự qua internet, không ai nói chuyện với ai, họ lặng lẽ đến rồi lặng lẽ đi, có chăng chỉ là những cái gật đầu, chào hỏi mang tính xã giao.
Tuy nhiên, những quán cà phê như Thái Chi trên đường Nguyễn Phi Khanh (Quận 1), Lão Tử trên đường Lý Thái Tổ (đối diện Bệnh viện Nhi Đồng 1)... vẫn âm thầm tồn tại và giữ được những nét của Sài Gòn xưa. Ở đây, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh của những bác xe ôm tay cầm tờ báo, bước vào quán với câu nói quen thuộc "cho cái đen". Nếu muốn tìm lại chút gì của Sài Gòn xưa, bạn thử đến lần xem sao…
Theo Songmoi