Lý do, công ty du lịch ở Việt Nam không chuyển tiền cho công ty du lịch Thái, khiến công ty này phải giam lỏng du khách Việt làm tin.
Tối 17/6, du khách bị bỏ rơi ở Thái Lan đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất. |
Số khách này mua tour du lịch Thái Lan của công ty du lịch Travel Life (Q.Tân Bình, TP.HCM) để dự một buổi sự kiện do công ty Herbalife Việt Nam tổ chức. Sau hai ngày kết thúc hội thảo (bắt đầu từ 12/6), đoàn khách bị bỏ rơi ngay tại trung tâm hội nghị do công ty Thai 2020, đối tác du lịch ở Thái, từ chối tiếp tục phục vụ.
Theo hợp đồng, Thai 2020 phải nhận được toàn bộ số tiền còn lại khi khách của Travel Life vừa đến Bangkok (Thái Lan) nhưng họ chỉ nhận được vỏn vẹn 10.000 USD để lo chi phí cho 701 con người.
Mệt mỏi, rã rời
Khoảng 20h30, chuyến bay Bangkok - TP.HCM đưa một phần du khách trên hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Nhìn bộ dạng mệt mỏi, rã rời của họ, không ai nghĩ rằng họ vừa đi du lịch nước ngoài. “Chưa bao giờ tôi có chuyến đi du lịch tồi tệ đến vậy. Giống như đi đày” - chị K.B. (TP Hội An, Quảng Nam) bức xúc.
Ngay từ ngày đầu tiên đặt chân tới Thái Lan đã gặp trục trặc. Theo chị B., khoảng 22h ngày 12/6 đoàn tới sân bay Bangkok nhưng phải chờ đến 1h sáng hôm sau mới có xe đưa đoàn về khách sạn. Chiếc xe 45 chỗ nhưng dồn gần 80 người với lý do du khách đến quá dồn dập, đoàn chưa chuẩn bị đủ xe cung cấp.
Hơn 2h sáng, du khách lục tục về tới khách sạn, đoàn của chị B. tiếp tục nhận được thông báo khách sạn không đủ phòng. Quá mệt mỏi, mọi người đành chấp nhận dồn 3-4 người/phòng đôi để tranh thủ chợp mắt.
Hôm sau, theo chương trình, đoàn đến thành phố Pattaya tham quan. Chuyến đi liên tục bị trì hoãn, ngắt quãng hàng giờ vì đơn vị tổ chức thông báo thiếu xe. Cảnh tượng nhồi nhét tiếp tục lặp lại.
“Phương tiện đi lại chúng tôi có thể chịu đựng khổ cực một chút, nhưng khi vừa bước vào khách sạn thì hỡi ôi. Tôi không thể tưởng tượng được đây là khách sạn ba sao (trở lên) như công ty tổ chức công bố trước đó. Mùi ẩm mốc nồng nặc, ổ cắm điện lòi ra ngoài, thậm chí cửa phòng không đóng được” - chị L., một khách trong đoàn, ngậm ngùi kể.
Chưa hết những “trần ai”, liên tiếp những ngày sau đó đến ngày lên máy bay trở về Việt Nam, đoàn khách này hầu như bị bỏ rơi hoàn toàn. Họ phải tự túc tiền ăn, phương tiện đi lại... trái ngược hẳn với chương trình tour ban đầu.
“Chúng tôi thậm chí không dám to tiếng với hướng dẫn viên khi họ thông báo công ty họ ở Việt Nam chưa thanh toán tiền cho đơn vị tổ chức bên Thái Lan. Chúng tôi sợ mình bị bỏ rơi không thể về Việt Nam” - ông L.H. (Bà Rịa - Vũng Tàu) ngậm ngùi.
Thiếu nợ dắt dây
Trước đó, chiều tối 17/6, chúng tôi gọi điện thoại sang Bangkok gặp bà Nguyễn Thị Hương - Phó giám đốc công ty du lịch Mỹ Úc Á, nơi trực tiếp bán vé máy bay cho công ty Travel Life để đưa đoàn khách trên sang Thái Lan. Bà Hương cho biết vừa trở về từ sân bay Suvarbhumi (Bangkok) để làm thủ tục cho nhóm khách do công ty bán vé máy bay. Trong tối 16/6, bà cùng một nam đồng nghiệp đã bay sang Thái Lan để giải quyết vụ việc.
Bà Hương kể lại: “Khi chúng tôi gặp nhóm khách này, họ đã nháo nhào vào đòi “thanh toán” vì đã bỏ rơi họ mấy ngày qua. Phải vất vả lắm chúng tôi mới phân trần được với trưởng nhóm của đoàn khách du lịch để họ hiểu rằng chúng tôi cũng là nạn nhân”.
Có thể đã quá mệt mỏi và căng thẳng, theo bà Hương, sau khi đã làm việc với các nhóm trưởng để xác nhận đã hoàn tất thủ tục cho toàn bộ khách lên máy bay về nước, bà nói với đồng nghiệp “hủy các vé kia đi” (với ý nghĩa là bỏ lệnh hủy vé đã dự định từ trước) thì ngay lập tức một số thanh niên trong nhóm lao vào đánh, đá, xé áo đồng nghiệp của bà Hương và lớn tiếng “tụi tao mà không về được Việt Nam thì tụi mày không toàn thây”. Khi các nhóm trưởng và hướng dẫn viên can ngăn, nhóm khách mới buông tha.
Ngày 5/6, công ty của bà Hương ký hợp đồng với bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Giám đốc công ty Travel Life, bán tổng cộng 352 vé máy bay, trong đó có 299 vé chặng Hà Nội - Bangkok (Thái Lan) và 53 vé TP.HCM - Bangkok với tổng giá trị hợp đồng hơn 2,525 tỷ đồng, Travel Life thanh toán 60% tổng giá trị hợp đồng ngay sau khi ký, bà Hương cho biết. Phần tiền còn lại sẽ chuyển trước 11h ngày 12/6 (trước khi chuyến bay khởi hành vài giờ).
Đến giờ hẹn, phía Travel Life không chuyển tiền, theo bà Hương, lúc này công ty bà định hủy các vé còn lại của đoàn thì một người đại diện của công ty Travel Life đã gọi điện thoại sang xin bảo lãnh. “Do trước đây chúng tôi có làm vài đoàn với công ty này nên không hủy vé” - bà Hương kể lại.
Đến khi công ty Thai 2020 không thể liên lạc và không nhận thêm tiền từ Travel Life, họ lấy mã đặt chỗ vé máy bay của cả đoàn (mục đích không cho đoàn khách về Việt Nam), khóa khoang hành lý trên ô tô khách... hướng dẫn viên phải tìm cách liên lạc với công ty để cầu cứu.
Trong tình thế này, ông Trần Thanh Tân - Tổng giám đốc công ty Én Việt, đại lý vé cấp một của Vietnam Airlines - cho biết hiện công ty Mỹ Úc Á còn nợ công ty ông 500 triệu đồng tiền xuất vé máy bay của nhóm khách này nhưng ông vẫn quyết định không hủy vé “để mọi người về rồi tính sau” và cũng yêu cầu bà Hương sang Bangkok hỗ trợ đoàn khách.
Tiền tour chưa đủ vé máy bay
Theo các du khách trong đoàn, những người đã được làm thủ tục lên máy bay về Việt Nam, họ phải trả ít nhất 6,4 triệu đồng, có người đóng đến 8 triệu đồng cho tour 6 ngày 5 đêm này. Tuy nhiên, theo bà Hương, số tiền này thậm chí chưa đủ tiền vé máy bay mà công ty bà xuất trên hệ thống của Hãng hàng không Vietnam Airlines vào ngày 5/6 (trung bình khoảng 7 triệu đồng/vé) thì không thể nào khách có được dịch vụ ăn, ngủ, đi lại chứ đừng nói đến việc tham gia sự kiện hội họp, huấn luyện của Herbalife Việt Nam.
Đại diện công ty du lịch Donna (ở Bangkok) cho biết: “Thông thường khi nhận tour, chúng tôi phải nhận 70% tiền trong tổng giá trị gói tour, còn lại 30% sẽ thanh toán sau đó vài tuần. Chỉ riêng tiền tour (không kể vé máy bay từ Việt Nam) trong năm ngày ở Thái Lan của tour này là 145 USD/người, vì vậy số tiền 10.000 USD mà Thai 2020 nhận được là quá ít”.
Các công ty du lịch cho biết giá 6,4 triệu đồng/khách cho chương trình tour 6 ngày 5 đêm mà công ty Travel Life bán cho công ty Herbalife Việt Nam là giá không thể đảm bảo được đủ các tiêu chuẩn ăn ở, đi lại, bảo hiểm... vì giá trung bình trên thị trường hiện nay đã hơn 9 triệu đồng/khách mà công ty du lịch chỉ có lời 5-7 USD/khách thì không thể nào làm giá đi du lịch kết hợp hội họp, nghỉ ngơi như của Travel Life đã bán.
Bà Nguyễn Thị Hương cho hay ngày 17/6 đã làm thủ tục cho 169 hành khách về TP.HCM và Hà Nội.
Không có giấy phép lữ hành quốc tế Đầu giờ chiều 17/6, Trưởng phòng lữ hành Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM Nguyễn Việt Anh đã đến trụ sở Herbalife Việt Nam (đường Pasteur, Q1) để làm việc về đoàn khách thì bị từ chối với lý do lãnh đạo công ty đi công tác hết. Còn nhóm công tác bao gồm thanh tra sở, đại diện phòng lữ hành khi đến địa chỉ đăng ký trên giấy phép kinh doanh của công ty Travel Life ở đường Nhất Chi Mai (Q.Tân Bình) thì không có văn phòng công ty. Sau đó, nhóm công tác mới tìm được văn phòng công ty ở địa chỉ trên đường Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú). Bước đầu ghi nhận công ty này không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, địa chỉ không trùng với giấy phép đăng ký kinh doanh. Đại diện sở đã lập biên bản làm việc với đại diện công ty Travel Life gồm nhân viên và kế toán viên (giám đốc công ty không có mặt). Theo đó, đoàn có tổng cộng 701 người, trong đó 17 người là đại diện Travel Life, còn lại là của Herbalife Việt Nam. Đại diện công ty Travel Life cho biết đã nhận của đoàn khách Herbalife Việt Nam hơn 4,5 tỷ đồng nhưng do không cân đối được thu chi nên không trả đủ tiền cho đối tác ởThái Lan, từ đó đã xảy ra tình trạng trên. Biên bản cũng yêu cầu giám đốc công ty, bà Nguyễn Thị Kim Khánh đến sở làm việc vào ngày 18/6 để báo cáo tình hình. Chúng tôi gọi điện thoại di động của bà Khánh thì một phụ nữ xưng là bạn bà Khánh cho biết bà Khánh đã đi Thái Lan nhưng không biết đi khi nào. |
Theo Tuổi Trẻ