Không xích lô, phố cổ Hà Nội buồn tênh

Chủ nhật, 14/07/2013, 07:27
"Sẽ thế nào nếu Hà Nội vắng bóng xích lô? Không có xích lô, phố cổ sẽ buồn tênh", ông Đỗ Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ xích lô Không Lo Âu chia sẻ với phóng viên. 

2 năm có 1 "trát đòi giết"

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu siết chặt các hoạt động của xích lô du lịch, cần thiết thì sẽ xem xét dừng loại hình xe này. Ông đón nhận thông tin này như thế nào?

- Tôi bình thản lắm. Đã nhiều lần người ta đưa ra những quy định tương tự như vậy rồi. Người đạp xích lô như chúng tôi từ lâu đã đón nhận cái chết từ từ này. Xích lô đã bao lần chết đi sống lại rồi. Năm 2001, xích lô gần như bị xoá sổ hoàn toàn, cấm toàn bộ xích lô đi trên địa bàn Hà Nội. Từ đó đến nay thì cái chết luôn cận kệ. Cứ khoảng 2 năm 1 lần lại có "trát" đòi giết. Nội dung cái chết ngày càng rõ. 

Trong những lý do người ta đưa ra để cấm xích lô, ông thấy lý do nào không thoả đáng?

- Người ta nói xích lô gây mất trật tự giao thông. Điều này thỉnh thoảng vẫn đúng. Vì quy định mỗi tốp chỉ có 4 xe, cách nhau 100m. Có 30 khách thì đoàn xe cách nhau hàng cây số, đấy là chưa kể đoàn đông hơn. Rồi vô tình gặp đoàn xe khác đi trùng giờ, thì sẽ gây lộn xộn trong giao thông là đúng. Nhưng thực ra họ bảo lộn xộn thì là lộn xộn thôi.

Còn ở quan điểm cá nhân của ông, hạn chế lớn nhất của xích lô là gì?

- Nó là loại phương tiện di chuyển đặc thù của Việt Nam. Có chăng hạn chế là sự lộn xộn của xích lô dù chèn ép khách, không quản lý được. Bất cập là hiện chúng tôi chỉ được di chuyển trong 8 phố. Hơn 200 xích lô chỉ riêng xếp hàng nối đuôi nhau thôi cũng còn thiếu.

Ông có bao giờ đề nghị được mở rộng địa bàn?

- Tôi cũng đã đề nghị với Sở GTVT Hà Nội năm 2012. Lúc đó, một vị lãnh đạo có hứa với tôi như đinh đóng cột là cứ yên chí, sẽ mở rộng. Lời hứa của quan đúng là nóng như nước lã. Hứa hẹn kinh lắm, khủng khiếp lắm. Mấy năm rồi, cũng không mở rộng hơn một chút nào.

Khách muốn đi ra khỏi những phố đó thì làm sao?

- Được, nhưng phải "làm luật". Nói chung là các đồn bốt hàng rào dây thép gai đều vượt qua được hết, miễn là có tiền. 
 
xich lo

"Vua xích lô" Đỗ Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ xích lô Không Lo Âu.

 

Xe dân - xe quan

Phải công nhận rằng xích lô hiện nay đa phần chỉ dành cho khách du lịch, nhu cầu sử dụng của người Hà Nội rất ít. Người ta xem xét dừng hoạt động loại phương tiện mà ít người sử dụng thì cũng có lý?

- Những năm 60, đi ra đường, không có loại hình nào khác ngoài xích lô và xe đạp cả. Xích lô lúc đó đóng vai trò lớn lao. Từ khi tôi được mẹ sinh ra cũng là sinh ra trên chiếc xích lô khi đi đến viện. Những gia đình có người mất đều thuê xích lô chở về nhà. Sinh ra và chết đi trên xích lô.

Nó gần gũi gắn bó với người dân Hà Nội. Giờ thì xe máy tràn lan, taxi nối đuôi nhau, 36 nghìn công nhân của 17 công ty xếp hàng ở Hà Nội. Các phương tiện mới ra đời đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, còn xích lô chỉ đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch thôi.

Theo quy luật thị trường, ta phải thay thế cái gì không còn phù hợp?

- Chỉ nghe liếng leng keng của xích lô cũng tạo ra không gian riêng của phố cổ rồi. Khách du lịch họ rất thích xích lô. Giờ ra đời thêm một phương tiện mới là xe điện. Thực ra, hiện trong cuộc tranh chấp tay đôi giữa hai nhóm lợi ích giữa xe điện chạy bánh hơi và xích lô vẫn chưa có hồi kết. Nhóm xe điện được coi là nhóm xe quan, "tiền đè chết người". Xe đỗ bất kể chỗ nào, không ai dám hỏi cả. Xe dân thì đậu ở đâu cũng chướng mắt.

Giả sử xe điện sẽ dần thay thế xích lô, ông có lo không?

- Điều tôi lo sợ nhất là giờ họ cấm hoàn toàn xích lô, thì vài tháng sau, sẽ lại ra đời một loại xích lô mới. Gọi là xích lô quan. Khi họ "đập chết" xích lô của chúng tôi rồi, thời gian nữa, họ thiếu gì lý do để vực lại. Ví dụ như họ bảo nhiều công dân, khách du  lịch đến Việt Nam mong muốn có xích lô, để đáp ứng nguyện vọng này thì lại cho phép xích lô hoạt động. Cuối cùng là chỉ còn xích lô quan hoạt động thôi.

Đoán vậy thì sao ông không chờ, ví dụ như chờ khi có quy định cho mở trở lại thì lại kinh doanh?

- Viển vông lắm. Họ đã cấm rồi thì đố mà làm được. Bố ông nào dám ký cho xích lô sống lại. Nó sẽ xuất hiện, nhưng ở hình thức khác, hợp pháp và được hợp thức hoá dưới một vỏ bọc nào đó. Lúc đó thì thách ai có thể kinh doanh được xích lô, ngoài "quan" đấy. Khi đã muốn thì họ thiếu gì cách để lách luật.

Liệu xe điện vừa tiện vừa lợi có thay thế được?

Xe điện có thể sẽ thay thế xích lô, có thể sẽ tiện lợi hơn, nhưng tôi chắc rằng nó sẽ không làm ấm lòng người giống như hình ảnh chiếc xích lô bình thản trên phố. Bộ mặt Hà Nội cũng sẽ có diện mạo mới. Nó mất đi thì đành chịu, đành chỉ biết nhớ nhung, chứ biết làm sao. 

"Vua xích lô" và nỗi lo thiên cổ

Giả sử lần này xích lô bị cấm hẳn, ông có lại tiếp tục nộp đơn kêu cứu?

- Tất nhiên là tôi sẽ phải làm gì đó, vì đã mang tiếng là "vua xích lô" rồi, phải trình bày nguyện vọng với cấp trên. Còn cấp trên có đáp ứng nguyện vọng hay không thì phải chịu.

Nếu thế thì "ông vua xích lô" sẽ làm gì?

- Có thể tôi sẽ xuống Hải Phòng, đi các tỉnh khác mở xích lô. Tôi sinh ra trên xích lô, sống nhờ xích lô, nên tôi sẽ gắn bó với nó. Nếu không phải là Hà Nội thì ở đâu tôi cũng sống được. Nhưng điều tôi tiếc nhất là một ngày nào đó, Hà Nội vắng bóng xích lô.

Đến giờ này, xích lô đã cho ông những gì mà ông đam mê thế?

- Xích lô cho tôi cơm áo gạo tiền, nhà cửa. Cái nghề này đã cho tôi nhiều thứ, tôi nuôi được vợ con, anh em lái xe nuôi được gia đình họ. Quan trọng hơn là tôi sinh ra ở Hà Nội, tôi muốn giữ lại cái hồn phố cổ là chiếc xích lô. 

Ông có bao giờ chia sẻ với khách về việc xích lô có thể sẽ bị dẹp?

- Nhiều khách du lịch chia sẻ với tôi rằng, họ đến Hà Nội thì họ phải đi xích lô. Còn xe điện ở chỗ họ, chỉ sử dụng để đi trong sân gôn hoặc bệnh viện thôi. 

Mơ ước của ông dành cho xích lô là gì?

- Tôi  mơ ước một ngày nào đó, xích lô sẽ được Unesco công nhận là di sản văn hoá Việt Nam. Đó sẽ là tấm lệnh bài để không ai có thể tiêu diệt được xích lô nữa. Nhưng mãi đến năm 2039, xích lô ở Hà Nội mới tròn 100 tuổi. Lúc ấy chỉ sợ tôi đã thành người thiên cổ.

Xin cảm ơn ông!

Năm 2011 là chúng tôi bị "đánh" một trận tơi bời. Chúng tôi đang chờ cái chết đến từ từ. Lúc đó tôi viết một công văn đề nghị gửi các bộ ban ngành cao nhất, thì sau đó xích lô mới sống lại. Lúc đó, đáng lẽ tháng 10 thì chúng tôi phải đổi giấy phép mới (6 tháng cấp 1 lần) thì phải chờ đến tháng 12 mới được cấp. Trong khoảng thời gian đó là xích lô lưu thông trên đường đều vi phạm vì giấy phép hết hạn. 

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn