Về đề nghị nâng độ tuổi trẻ em lên 18: Nhiều ý kiến trái chiều

Thứ bảy, 03/08/2013, 10:54
Bên cạnh những ý kiến đồng thuận đề nghị nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi vừa được Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) nêu ra cũng có không ít những ý kiến trái chiều.

Nhiều người cho rằng, nâng độ tuổi trẻ em đồng nghĩa với việc phải thay đổi một loạt các chính sách và bộ luật có liên quan.

tuoi 18

Nâng độ tuổi trẻ em lên 18 sẽ tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn cho các em.

Thay đổi theo xu hướng phát triển thế giới

Thông tin từ ông Nguyễn Hải Hữu – Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho biết, hiện Cục đã có tham vấn ý kiến của trẻ em và nhiều đơn vị về nâng độ tuổi của trẻ em. Hiện đã có 44 tỉnh đồng ý (chiếm khoảng 85% địa phương) nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi, đồng thời báo cáo từ 12 bộ, ngành cùng hoàn toàn đồng tình với phương án này.

Hiện nay có 190/194 quốc gia ký thực hiện Công ước quyền trẻ em đồng ý công nhận độ tuổi trẻ em là 18. Chỉ còn một số quốc gia như Việt Nam, Myanmar, Nga… là đang để 16 tuổi.

“Nâng độ tuổi trẻ em là một cách tôn trọng quyền của trẻ em, lắng nghe ý kiến của các em. Ngoài ra việc nâng độ tuổi trẻ em còn góp phần tạo điều kiện để chăm sóc, bảo vệ tốt hơn các em, thực hiện theo khuyến nghị và xu hướng phát triển chung của quốc tế về Công ước quyền trẻ em” – ông Hữu khẳng định.

Đồng tình với phương án nâng độ tuổi trẻ em lên 18, chuyên gia tâm lý Lê Minh Công - giảng viên Trường ĐHKHXH Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng: “Thông thường, trẻ em 17 tuổi mới tốt nghiệp trung học phổ thông.

Việc nâng tuổi trẻ em lên 18 nhằm tạo điều kiện khuyến khích cho trẻ em đi học. Đồng thời tạo điều kiện để trẻ được phát triển tốt nhất về cả thể chất lẫn tinh thần, cũng như sự chín chắn về tri thức và nhân cách của trẻ”.

Lo sợ sự chồng chéo

Mặc dù dự thảo nâng độ tuổi trẻ em được nhiều người ủng hộ nhưng không ít ý kiến tỏ ra khá lo lắng vì cho rằng nâng độ tuổi trẻ em sẽ khiến một loạt các chính sách và luật pháp của Việt Nam không còn phù hợp. Đồng thời, nâng độ tuổi cũng đồng nghĩa với việc phải gia tăng các nguồn lực đầu tư hỗ trợ trẻ em. Đây có thể là một gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Bàn về vấn đề này, ông Hữu chia sẻ: “Về mặt tâm lý, nâng độ tuổi lên sẽ tạo điều kiện bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tốt hơn. Sự thay đổi này có thể kéo theo một số thay đổi nhỏ trong các bộ luật hiện hành như Luật Lao động, Luật Dân sự… nhưng về cơ bản thì một số bộ luật như Luật Thanh niên, Luật Hôn nhân- Gia đình sẽ không có ảnh hưởng gì lớn”.

Nếu ý kiến này được Quốc hội bỏ phiếu thông qua, chúng ta sẽ có thêm khoảng 3 triệu trẻ em, nâng tổng số trẻ em lên 29 triệu (chiếm 33% tổng dân số).

Như vậy, số trẻ em được hưởng trợ cấp liên quan tới giáo dục, bảo hiểm y tế và trợ cấp sẽ chỉ tăng khoảng 5% (một bộ phận trẻ trong độ tuổi này ở vùng dân tộc, vùng núi đã được hưởng trợ cấp) nên sẽ không có ảnh hưởng nào đáng kể tới ngân sách nhà nước. Nếu có, ngân sách nhà nước đầu tư cũng chỉ tăng khoảng 200 tỷ đồng so với trước đó.

Về góc độ luật, ông Nguyễn Hoàng Tiến – Ủy viên Hội đồng khen thưởng, kỷ luật, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, Văn phòng Luật sư Đức Thịnh cho rằng, việc nâng độ tuổi trẻ em lên 18 hoàn toàn hợp lý. Luật Hôn nhân -Gia đình quy định nữ từ 18 tuổi và nam 20 tuổi trở lên có quyền đăng ký kết hôn. Vì vậy, chuyện nâng tuổi trẻ em lên 18 tuổi cũng không có gì mâu thuẫn.

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến – Ủy viên Hội đồng khen thưởng kỷ luật, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội

Không ảnh hưởng độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

“Tăng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi sẽ không ảnh hưởng gì tới độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự hiện hành. Hiện nay, tùy theo mức độ hiểu biết mà người ta quy định mức độ chịu trách nhiệm hình sự thấp hay cao. Luật Hình sự đang quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự bắt đầu từ 14 tuổi.

Theo đó, từ 14 tuổi trở xuống không chịu trách nhiệm hình sự, từ 14-16 tuổi chịu trách nhiệm bằng 1/3 mức hình phạt, từ 16-18 tuổi chịu 2/3 mức phạt và từ 18 tuổi trở lên chịu mức phạt như bình thường”.

LS Trịnh Anh Dũng

(Đoàn luật sư TP.Hà Nội):Đi ngược xu hướng chung

Nhà nước đang soạn thảo và chuẩn bị ban hành luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình theo hướng giảm tuổi kết hôn của nam giới từ 20 xuống còn 18. Tội phạm thì đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa nên cần sửa đổi Luật Hình sự theo hướng giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người vị thành niên phạm tội. Vì thế, việc nâng độ tuổi trẻ em lên 18 là đi ngược lại xu hướng chung.

Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 quy định: “Trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Đó là quy định “mở” cho những quốc gia, vùng lãnh thổ để tự họ linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm của dân tộc mình”.

Theo Danviet

Các tin cũ hơn