Giảm tuổi kết hôn, tội phạm 16 tuổi áp khung tử hình!?

Thứ bảy, 04/05/2013, 10:49
Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách, việc hạ tuổi kết hôn là hợp lý, nhưng phải đồng thời hạ tuổi thành niên từ 18 xuống 16 tuổi, để áp dụng hình thức xử phạt nặng hơn với tình trạng tội phạm đang trẻ hóa hiện nay.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình, trong đó có đề xuất hạ độ tuổi kết hôn tại một số khu vực từ 18 tuổi xuống 16 tuổi đối với nữ, và từ 20 tuổi xuống 18 tuổi đối với nam. Xung quanh đề xuất này chung tôi đã trao đổi với luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự.

Theo Bộ Tư pháp thì việc giảm độ tuổi kết hôn để phù hợp với thực tế hiện nay, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, tránh tình trạng tảo hôn hiện nay. Quan điểm của ông thế nào về đề xuất này, phải chăng không phải Luật điều chỉnh hành vi xã hội, mà hành vi xã hội đang điều chỉnh Luật?

- Xã hội điều chỉnh Luật là hoàn toàn đúng. Còn việc hạ tuổi kết hôn theo tôi là phù hợp với sự phát triển, vì hiện nay điều kiện sống đã được nâng lên, thể lực và trí tuệ của người Việt cũng tăng lên, giới trẻ dậy thì sớm hơn trước, nên nhu cầu về sinh lý của giới trẻ cũng tới sớm hơn so với trước đây.

tu hinh

Một bà mẹ có con nhỏ ở tỉnh Kon Tum. Ảnh: QĐND.

Cùng với đó, công nghệ thông tin, phim, ảnh phát triển giúp giới trẻ tiếp cận sớm với các nền văn minh tiên tiến trên thế giới, cách sống và cách nghĩ cũng thoáng hơn. Tình yêu bây giờ cũng được trẻ hóa, theo đó là nhu cầu nam - nữ. Dưới góc độ khoa học về sinh lý phát triển của con người, khi nhu cầu về sinh hoạt tình yêu đôi lứa đẩy nhanh thì nhu cầu lập gia đình cũng có sớm hơn.

Chính vì vậy, khi nhà làm luật xét thấy điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và sinh lý tới sớm hơn thì cần phải nghiên cứu điều chỉnh quy định của luật, theo hướng điều chỉnh độ tuổi kết hôn phù hợp với cuộc sống giới trẻ. Tránh trường hợp đáng tiếc trong giai đoạn hiện nay, đó là có những trường hợp phạm vào Luật hôn nhân, gia đình và phạm vào quy định trong độ tuổi kết hôn và độ tuổi giao cấu của nam nữ.

Trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa độ tuổi lập gia đình rất thấp, thanh niên chỉ 16 thậm chí 14 tuổi theo phong tục của họ là đã có thể kết hôn và sinh con đẻ cái.

Cũng có những bản án mà người tuyên án không muốn tuyên án, một người đi tù vì đã chung sống và sinh con với người chưa đủ tuổi vị thành niên, trong khi tất cả mọi người đều đồng ý và không muốn tòa tuyên án, xã hội cũng không muốn, nhưng luật pháp thì Tòa án - nhà cầm cân nảy mực phải làm, phải ra phán quyết, đấy là thực tế.

Còn nhìn nhận so với các nước trên thế giới, như ở Nga và Nhật độ tuổi kết hôn với nữ là 16 tuổi, cái đó phù hợp với sự phát triển của từng quốc gia.

Tôi cho rằng, thời điểm này giảm tuổi kết hôn là hợp lý.

Nếu 16 tuổi kết hôn, tức là độ tuổi đang học lớp 10, thời gian qua cũng có nhiều vụ việc liên quan tới quan hệ tình dục khi đang trên ghế nhà trường khiến cả xã hội lên án, giờ chấp nhận hạ tuổi xuống, là đồng nghĩa cho học sinh được tự do quan hệ tình dục, ông nghĩ sao về điểm này?

- Luật pháp phải hướng tới sự đa số, còn những trường hợp riêng lẻ thì khó có thể làm phù hợp cho tất cả mọi đối tượng. Nhà làm luật phải xem xét trên yếu tố làm lợi chung cho toàn xã hội, chứ không phải cho một nhóm người hoặc một nhóm cộng đồng.

Nếu giảm tuổi kết hôn, thì chúng ta cũng nên thay đổi các luật khác, hạ tuổi vị thành niên, để xử lý tình trạng tội phạm đang bị trẻ hóa hiện nay, đặc biệt như trường hợp cướp tiệm vàng ở Bắc Giang do đối tượng Lê Văn Luyện gây ra, nhưng chỉ bị phạt 18 năm tù vì chưa đủ tuổi thành niên?

- Trong quan hệ pháp luật các mối liên hệ ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, nếu một luật được thay đổi thì các chế định, chế tài với hành vi trong các quan hệ pháp luật khác cũng bị ảnh hưởng.

Chẳng hạn, nếu chúng ta cho phép tuổi kết hôn là 16, thì đương nhiên trong trường hợp này pháp luật hình sự cũng phải có điều chỉnh, vì quy định hiện nay nếu quan hệ tình dục với người dưới 18 tuổi nhưng trên 13 tuổi mà không có sự đồng thuận thì pháp luật hình sự sẽ điều chỉnh. Nếu hạ tuổi kết hôn thì điều này cũng phải thay đổi.

Chính vì vậy, khi nhà làm luật xem xét thay đổi một chế tài trong mối quan hệ pháp luật thì cần phải xem xét trong tổng thể các vấn đề liên quan tới các ngành luật khác, trong đó có luật hính sự, luật về bầu cử, ứng cử, quyền và nghĩa vụ của công dân, từ các quy định của luật tới quy định của Hiến pháp, để thống nhất một hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Nếu vậy, nếu điều chỉnh tuổi kết hôn thì phải hạ độ tuổi vị thành niên, tăng nặng hình phạt với tội phạm mà trên 16 tuổi nhưng dưới 18 tuổi mà hiện nay vẫn được xem là chưa thành niên. Để đảm bảo pháp luật nghiêm minh, công bằng hơn, đặc biệt khi đối tượng phạm tội đang ngày càng trẻ hóa?

- Điều này hoàn toàn đúng, nên điều chỉnh về năng lực chịu trách nhiệm hình sự và độ tuổi vị thành niên, nếu 16 tuổi được gọi là vị thành niên thì trong tường hợp này luật hình sự sẽ loại bỏ số người từ đủ 16 tuổi trở lên phai chịu trách nhiệm hành vi, và không được hưởng chế tài áp dụng đối với người tuổi chưa thành niên nữa.

Trong trường hợp này nên xem xét hạ tuổi thành niên, vì thực tế sự phát triển của tâm sinh lý trẻ kéo theo sự thay đổi của hành vi tương tự như hành vi của người đã trưởng thành, và phải chịu trách nhiệm về hành vi đó.

Nhưng quy định hiện nay tuổi trưởng thành lại cao hơn nhận thức hành vi. Vừa rồi hàng loạt trường hợp thoát án tử hình do chưa tới 18 tuổi, nó sẽ gây ra hiện tượng tiền lệ, mà hiện tượng tiền lệ này đem lại tác động xấu cho xã hội.

Như vậy, nếu từ 16 tuổi được xem là đã trưởng thành, người đã trưởng thành thì phải chịu trách nhiệm hình sự vì mình đã gây ra, trong trường hợp đó có thể áp dụng khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Xin cảm ơn ông!

Theo Phunutoday

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn