Thạch Tề Bình |
Thạch Tề Bình, một nhà phân tích, bình luận thời sự thường xuyên đưa ra các bình luận về tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng, hôm 2/5 nói với đài Phượng Hoàng, Hồng Kông rằng có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ cái gọi là "chủ quyền" (phi lý và phi pháp) của họ ở Biển Đông.
Trao đổi xung quanh khả năng diễn biến vụ kiện (đường lưỡi bò phi pháp và các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông) của Philippines, Thạch Tề Bình cho rằng Manila đã "ngoan cố" không chịu theo con đường đàm phán tay đôi về Biển Đông, ngược lại còn khởi kiện Trung Quốc, đương nhiên Bắc Kinh cảm thấy rất khó chịu.
"Một khi đã vi phạm với những cam kết ngầm mặc định ban đầu (ám chỉ việc Bắc Kinh khăng khăng đòi đàm phán tay đôi về Biển Đông), Trung Quốc tất yếu phải sử dụng, phải dựa vào thực lực của chúng ta để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích", Thạch Tề Bình rêu rao.
Khi được Khương Thanh Dương, biên tập viên đài Phượng Hoàng hỏi rằng đã có động thái hoặc dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng "dùng thực lực" để bảo vệ cái gọi là "chủ quyền" (phi lý, phi pháp) của họ ở Biển Đông hay chưa, Thạch Tề Bình cho biết: Có!
Ví dụ được ông Bình dẫn chứng là việc trong tháng 3 hạm đội Nam Hải đã kéo 4 tàu chiến hùng hổ ra Biển Đông, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) tập trận (trái phép), thậm chí tàu chiến Trung Quốc đã kéo đến tận bãi James chỉ cách bờ biển Malaysia 80 km để chào cờ (trái phép), và nhận vơ đó là cực nam của đường lưỡi bò độc chiếm Biển Đông.
Một ví dụ khác được viên học giả này dùng chứng minh cho sự gọi là "chuẩn bị dùng thực lực bảo vệ chủ quyền lãnh hải" là tuyên bố ngang ngược, phi pháp của Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Bà Oánh đã lên tiếng yêu cầu Philippines rút khỏi 8 điểm đảo, bãi đá ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia cũng tuyên bố "chủ quyền" với một phần hoặc toàn bộ quần đảo) và "trả cho Trung Quốc", một điều hết sức phi lý và nực cười, cũng là động thái chưa từng có tiền lệ.
Thạch Tề Bình kết luận, tất cả những động thái, dấu hiệu đó trên Biển Đông cho thấy Trung Quốc đều có sự chuẩn bị từ trước, vạch ra kế hoạch (xâm lấn, xâm chiếm Biển Đông) và sau đó mới "động thủ". Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục có những âm mưu, toan tính mới.
Theo GDVN