Trước khi tăng tuổi kết hôn hãy giảm tuổi chịu án tử hình xuống
Chị Hồng Nga (34 tuổi, ở Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi không đồng ý với việc giảm độ tuổi kết hôn. Không thể lấy lý do rằng tảo hôn còn rất phổ biến ở các vùng đồng bào dân tộc, hay thanh niên bây giờ quan hệ tình dục sớm rồi bảo rằng tăng độ tuổi cho phù hợp với tiến bộ xã hội, như thế là rất vô lý".
Được biết, chị Nga kết hôn năm từ năm 17 tuổi và cho đến tận bây giờ đó vẫn là quyết định mà chị muốn thay đổi nhất. Chị Nga tâm sự: "Lúc lấy chồng tôi không biết gì hết, chỉ nghĩ đơn giản là hai người về ở với nhau, đi đăng ký cũng phải khai tăng thêm 1 tuổi. Nhưng nếu được quyết định lại chắc chắn tôi sẽ không làm như thế.
Ở cái tuổi đấy, dù cho đứa trẻ đã phát triển hoàn toàn về cơ thể nhưng nhận thức và suy nghĩ không thể đủ chín để giải quyết rất nhiều vấn đề rắc rối trong cuộc sống hôn nhân. Thế mới có đầy rẫy chuyện bọn trẻ bỏ nhau chỉ vài tháng sau khi cưới".
Chị Nga cho biết con gái chị năm nay 17 tuổi, học lớp 11, và thường xuyên nghe cháu kể chuyện yêu đương của các bạn học trong lớp hay có bạn trai tán tỉnh mình.
Vì vậy chị Nga khá lo lắng: "Nếu giảm độ tuổi kết hôn thật thì rất dễ gây những hậu quả nghiêm trọng. Đang đi học nhưng nếu yêu đương bọn trẻ có thể không cần đi học mà dắt tay về nhà đòi bố mẹ cho cưới, không cho kiểu gì chúng nó cũng cãi, đến luật pháp còn không cấm sao bố mẹ cấm được...
Nhà nước quy định pháp luật là để định hướng xã hội phát triển, chứ không phải để chạy theo xã hội. Những người làm luật nên đặt địa vị mình có con ở độ tuổi ấy, con gái mới chỉ học lớp 9, lớp 10, đang cắp sách đến trường thì sao có thể kết hôn. Bọn trẻ bây giờ sướng, chẳng phải vất vả sớm như cha mẹ chúng ngày xưa, như con cháu lớn nhà chị bây giờ chỉ biết ăn với học sao có thể chăm lo cho gia đình.
Đấy là chưa kể đến việc lấy xong rồi phải đẻ con. 15, 16 tuổi mà sinh con thì vừa có hại cho sức khỏe mẹ vừa khó mà nuôi dạy con cái nên người. Sinh con khi mà mẹ nó còn đang ở tuổi ăn tuổi chơi thì chăm con thế nào được".
"Thay vì sửa luật giảm độ tuổi kết hôn xuống 16 tuổi thì Nhà nước làm ơn hãy sửa luật giảm độ tuổi bị kết án tử hình xuống 16 tuổi để tăng tính răn đe cũng như có thể bớt những tội phạm vị thành niên gây ra những vụ án đáng sợ như Lê Văn Luyện. Xã hội bây giờ loạn quá" - chị Nga đề xuất.
Một đám cưới chú rể 14 tuổi, cô dâu 17 tuổi ở Long An |
Đồng quan điểm với chị Nga, anh Tuấn Anh (30 tuổi, Ngô Văn Sở, Hoàn Kiếm) cho biết: Tôi không thể đồng tình với việc sửa đổi này. Nhà nước quy định như thế chẳng khác nào tạo điều kiện, ủng hộ các cháu gái đang học lớp 10 bỏ học lấy chồng. Lấy chồng vào thì chồng bìu con ríu lấy đâu thời gian, tâm trí thậm chí cả tiền bạc mà đi học tiếp được.
Nếu như thế thì còn phấn đấu phổ cập cấp 2, cấp 3 làm gì? Còn ai học đại học, cao đẳng nữa? Tôi thấy nếu việc hạ độ tuổi kết hôn này mà được thực hiện thì chẳng khác nào ngu hóa dân chúng".
"Còn nếu các vị lãnh đạo thấy cần thiết phải hạ độ tuổi kết hôn thì hãy hạ tuổi kết án tử hình xuống trước đã vì việc này cũng dựa trên quan điểm sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em. Yêu cầu này theo tôi gấp gáp và bức xúc hơn nhiều so với hạ tuổi kết hôn" - anh Tuấn Anh cho biết thêm.
Đi học mà suốt ngày lo ai cho con bú, cơm nước phục vụ chồng
Về vấn đề giảm độ tuổi kết hôn đang đặt ra hiện nay cô Đinh Huyền Nga - giáo viên một trường cấp 3 ở Hà Nội đã chia sẻ quan điểm của mình: "Tôi hoàn toàn phản đối dự định giảm tuổi kết hôn này bởi dường như mọi người đang chỉ nhìn một mặt của vấn đề.
Là giáo viên THPT, tôi thường xuyên tiếp xúc với học sinh đặc biệt là nữ tuổi 15, 16, có thể mọi người nhìn thấy ở các em sự phát triển đầy đủ về mặt thể chất, tuy nhiên về vấn đề tình cảm và các kiến thức sức khỏe sinh sản của lại là một vấn đề khác.
15, 16 tuổi các em học sinh hầu như đang ở tuổi chỉ biết học hành, vui chơi cùng bạn bè, gia đình, sao có thể chăm sóc quán xuyến cho một gia đình?"
Và một vấn đề quan trọng cô Nga nhấn mạnh là kết hôn hay mang thai sớm ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em.
"Mới chỉ ở giai đoạn thích nhau, yêu nhau có rất nhiều học sinh đã xao nhãng học hành, suốt ngày dồn hết tâm trí vào chuyện tình cá nhân. Vậy sau khi kết hôn sớm, có con thì học sinh đặc biệt là các em nữ rất khó đạt kết quả học tập tốt. Điều này không những ảnh hưởng đến bản thân nữ học sinh mà cả gia đình và con cái cô".
Học sinh nữ đi học mà suốt ngày lo ở nhà ai cho con bú, con cái ăn ngủ có đủ giấc không, cơm nước, giặt giũ, phục vụ chồng con... thì sao có thể chuyên tâm học hành? Quyết định ấy nếu đưa vào áp dụng không chỉ như "nối giáo cho giặc" mà còn tạo ra những điều kiện thuận lợi cho học sinh quan hệ sớm trước hôn nhân. Điều này cũng không hề phù hợp với phong tục và truyền thống của dân tộc.
"Các nhà làm luật đưa ra giải thích về vấn đề giảm tuổi kết hôn vì ở các dân tộc thiểu số nạn tảo hôn vẫn xảy ra, hay một số nước đang áp dụng chuẩn mới là không thỏa đáng bởi Việt Nam có những bản sắc riêng và không thể chạy đua theo nước ngoài để hòa nhập với các nước khác hay biến Việt Nam thành đất nước tảo hôn" - cô Nga cho biết thêm.
Qua đó, cô giáo nhiệt huyết này cũng chia sẻ gia đình, địa phương đào tạo thêm cho các em kiến thức về sức khỏe sinh sản chứ không nên ỷ lại vào nhà trường. Sự kết hợp giáo dục của gia đình, nhà trường và toàn xã hội mới có thể phát huy tác dụng cao nhất trong điều chỉnh hành vi cũng như nhận thức của các em. Đấy mới là cách hiệu quả nhất để hạn chế việc kết hôn sớm chứ không cần nhất thiết phải có luật điều chỉnh.
Có thể thấy quyết định giảm độ tuổi kết hôn không chỉ tác động đến giới trẻ mà cũng gây những ảnh hưởng lớn đến các bậc phụ huynh, người thân trong gia đình và đặc biệt thế hệ con cái của các cặp vợ chồng trẻ. Nên chăng các nhà làm luật cần có tiến hành những nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa chứ không thể chỉ biết chạy theo xu hướng chung?
Theo Phunutoday