Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM (LĐTB&XH), bên cạnh các sai phạm như ký hợp đồng sai quy định, chiếm đoạt quyền lợi của người lao động, chi lương khủng cho lãnh đạo, một số doanh nghiệp công ích TP.HCM còn thực hiện khai khống lao động để bòn rút tiền của nhà nước.
Cụ thể, tại công ty TNHH MTV chiếu sáng công cộng, lợi nhuận năm 2012 giảm nhưng lại khai khống lao động tăng từ 575 người lên 689 người. Tuy nhiên qua quá trình kiểm tra thực tế, doanh thu của đơn vị này trong năm 2012 tăng rất cao và chỉ có 538 lao động, như vậy con số khai khống là 151 lao động.
Trong khi đó, tại công ty TNHH MTV công viên cây xanh, số lao động đơn vị này báo cáo trong năm 2012 là 1.634 lao động. Tuy nhiên trên thực tế, số lao động sử dụng là 1.451 lao động, số khai khống là 183 người.
Cũng liên quan tới sai phạm ở một số doanh nghiệp công ích tại TP.HCM, đã xuất hiện dư luận cho rằng người lao động tại 4 công ty công ích sai phạm (công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, công ty Công trình giao thông Sài Gòn, công ty Công viên cây xanh và công ty Chiếu sáng công cộng) có thể bị thu hồi tiền lương.
UBND TP.HCM khẳng định không thu hồi tiền lương của người lao động ở các doanh nghiệp công ích có sai phạm. |
Tuy nhiên, trong buổi tiếp xúc với báo chí vào hôm qua (5.9), Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Mạnh Hà khẳng định: không có chuyện thu hồi tiền lương của người lao động ở các doanh nghiệp này.
Thâm chí, trong thời gian tới, người lao động làm việc thời vụ tại 4 doanh nghiệp này sẽ được bồi thường thiệt hại theo luật lao động ban hành.
Ông Hà cho biết, UBND TP.HCM đã thiếu sót khi chưa ra văn bản thông báo về việc không thu hồi tiền lương của người lao động, dẫn tới xuất hiện thông tin xôn xao trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống an sinh của người lao động.
Ông Hà cho biết, người lãnh đạo (ở 4 doanh nghiệp công ích sai phạm) làm sai phải đền bù, còn người lao động không có lỗi. Khi người lao động thiệt thòi phải được khôi phục quyền lợi một cách xứng đáng.
Theo ông Hà, những người lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp công ích đáng được nhận một mức lương cao hơn hiện nay vì họ làm việc trong môi trường độc hại và ô nhiễm.
Ông Hà khẳng định, trong thời gian tới, chắc chắn lương quản lý của các doanh nghiệp công ích sẽ giảm xuống và lương người lao động trực tiếp ở những doanh nghiệp này sẽ tăng lên để đảm bảo sự công bằng và quyền lợi cho người lao động.
Giải thích về việc UBND TP.HCM ban hành văn bản về mức lương tối thiểu để tính tiền lương, ông Hà cho biết: UBND TP.HCM đã có văn bản số 3767/UBND-CNN quy định mức lương tối thiểu cho phép các doanh nghiệp công ích năm 2012 áp dụng không quá 1.512.500 đồng/tháng để làm cơ sở chi trả lương cho người lao động và quyết toán tiền lương theo quyđịnh.
Căn cứ vào tình hình thực tế, mức lương này không làm giảm đi thu nhập của người lao động so với năm 2011 trong cùng điều kiện năng suất lao động là hợp lý. Thậm chí tiền lương bình quân của người lao động trong lĩnh vực công ích vẫn khá cao (khoảng 10,52 triệu/tháng), có những đơn vị tiền lương rất cao (khoảng 30 triệu/tháng).
Tuy nhiên, qua quá trình thanh tra có đến 20 doanh nghiệp công ích áp dụng mức lương 2.000.000 đồng/tháng để làm cơ sở chi trả lương cho người lao động và quyết toán tiền lương. Điều này là sai với quy định.
Trong trường hợp áp dụng mức lương 2.000.000 đồng/tháng khi xây dựng đơn giá thì tổng quỹ lương của các doanh nghiệp này là 2.838 tỷ đồng tăng 922 tỷ đồng so với thực tế chi năm 2011.
Để giải quyết những sai phạm này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà chỉ đạo Sở LĐTB&XH cần phải điều tra xem đã có bao nhiêu hợp đồng lao động ký mức lương 2.000.000 đồng/tháng và khoản chênh lệch so với mức lương 1.512.500 đồng/tháng là bao nhiêu tiền để trên cơ sở đó có biện pháp xử lý.
Theo Danviet