Vụ "lương khủng" theo đúng quy định chỉ 40 triệu/tháng

Thứ ba, 03/09/2013, 13:42
“Theo quy định hiện hành, mức lương cao nhất mà lãnh đạo doanh nghiệp công ích nhận được cao lắm cũng chỉ khoảng 40 triệu đồng/tháng, chứ không thể cao hơn…”.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết khi chia sẻ về việc các lãnh đạo doanh nghiệp công ích ở TP.HCM nhận "lương khủng".

Thưa ông, trước thông tin lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích tại TP.HCM nhận mức “lương khủng” khiến dư luận choáng váng, Bộ LĐTB&XH đã vào cuộc như thế nào?

- Trước thực tế lãnh đạo của 4 doanh nghiệp công ích tại TP.HCM được trả lương quá cao như báo chí nêu, Bộ đã có công văn gửi TP.HCM đề nghị kiểm tra tất cả các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, xem xét việc trả lương như thế nào.

luong khung

Công nhân công ty thoát nước ở TP.HCM.

Đối với những doanh nghiệp đã kiểm tra và để xảy ra tình trạng trả lương quá cao thì thành phố phải phân tích rõ cái gì đúng, cái gì sai và phát hiện sai thì phải xử lý nghiêm.

TP.HCM cũng đã thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét mức độ kỷ luật đối với người đứng đầu các doanh nghiệp này.

Vậy trước những sai phạm trong việc chi trả lương của 4 doanh nghiệp công ích đó, theo ông, TP.HCM cần phải làm gì?

- Trước mắt, TP.HCM cần phải xác định thu hồi những khoản chi vượt quản lý. Đây là việc cần làm ngay.

Đồng thời, phải xem xét rõ các doanh nghiệp này trả lương cao là do đâu? Do cơ chế phân phối sản phẩm công ích của doanh nghiệp hay do công thức tính lương không phù hợp?

- Bộ LĐTB&XH cũng đã cử cán bộ tiền lương vào cùng phối hợp với TP.HCM để tìm hiểu do đâu mà các doanh nghiệp này lại trả lương cao như vậy.

Quy định của nhà nước về tiền lương của lãnh đạo các doanh nghiệp công ích được xác định như thế nào? Và nếu theo đúng quy định hiện hành, mức lương của lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích nhận được cao nhất là bao nhiêu?

- Theo quy định, Nhà nước đưa ra khung, nếu ‘ông’ làm hiệu quả thì ‘ông’ được xác định mức lương cao gấp 3 lần lương tối thiểu chung của doanh nghiệp. Chính sách nhà nước là lương viên chức quản lý tách riêng thành quỹ lương riêng. Và quỹ lương gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp công ích không vì mục tiêu lợi nhuận thì phải hoàn thành được nhiệm vụ công ích mà nhà nước giao. Về mức lương cao nhất mà lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích này được nhận năm 2011 - 2012, theo quy định cao lắm cũng chỉ khoảng 40 triệu đồng/tháng chứ không thể cao hơn.

Do vậy, cần phải xem xét các doanh nghiệp này lấy từ đâu để trả mức lương cao rất nhiều so với mức này.

Xung quanh việc các doanh nghiệp công ích nhận mức lương quá cao, có ý kiến cho rằng người dân đang phải trả phí dịch vụ cao?

- Tôi cho rằng, dần dần phí dịch vụ cần phải công khai và cũng chỉ chấp nhận những chi phí hợp lý. Nếu để người dân gánh chịu những chi phí không hợp lý bằng việc tăng giá dịch vụ là không được. Tóm lại, phải xem xét, rà soát lại các khoản chi phí thật hợp lý để giá dịch vụ phù hợp nhất.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay, mức lương của doanh nghiệp nhà nước đối với các chức vụ quản lý thường tỷ lệ nghịch với hiệu quả của doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào?

- Bản thân các quy định của nhà nước hiện nay là lương của viên chức quản lý phải gắn với hiệu quả. Hiệu quả ở đây đối với doanh nghiệp kinh doanh là lợi nhuận, đối với doanh nghiệp công ích là khối lượng công ích. Chính sách lương phải dựa vào hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Dựa vào kết quả thanh tra của TP.HCM, Bộ LĐTB&XH cũng đã báo cáo và đề nghị Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và UBND các tỉnh, Thành phố phải kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách về lao động tiền lương đối với các doanh nghiệp nhà nước đang sở hữu vốn (kể cả doanh nghiệp sản xuất kinh doanh). Từ đó, Bộ sẽ tổng hợp tình hình và báo cáo Thủ tướng.

Mục đích việc này là để xác định rõ mức thu nhập có gắn với hiệu quả không? Nếu gắn với hiệu quả thì mức thu nhập đến bao nhiêu là phù hợp.

Xung quanh việc 4 doanh nghiệp công ích tại TP.HCM nhận thiếu sót khi ký hợp đồng dịch vụ với lao động thường xuyên, chi trả vượt tiền lương cho cấp quản lý, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: Ký hợp động lao động thì phải phân rõ, nếu lao động làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp mà ký hợp đồng ngắn hạn là sai quy định.

Bây giờ phải sửa chữa, khắc phục bằng việc doanh nghiệp phải quay lại ký hợp đồng với người lao động. Phải so sánh lao động thường xuyên dài hạn với lao động ngắn hạn, nếu có chênh lệch thì 4 doanh nghiệp này phải bù vào, trả lại quyền lợi cho người lao động.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn