Nghề chực người thăm mộ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa

Thứ năm, 05/09/2013, 15:13
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, TP.HCM từ lâu đã trở thành đất sống của nhiều người vô gia cư, là nơi để các tệ nạn xã hội nương náu.

Bình Hưng Hoà

Sống cùng người cõi âm

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (thuộc phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM) được thành lập trước năm 1975 và là nghĩa trang chính, lớn nhất của thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, đây là nơi yên nghỉ ngàn thu của gần 100.000 người quá cố.

Chạy dọc theo con đường Bình Long (Bình Hưng Hòa A, Bình Tân) là bạt ngàn ngôi mộ chen chúc nhau với khoảng gần 10 khu, mỗi khu có đến hàng chục ngàn bia mộ. Đi đâu người ta cũng có thể bắt gặp những người “chăm sóc” mộ. Họ được mệnh danh là “thổ địa” bởi những lời quảng cáo có cánh: “Tôi chăm sóc mộ ở đây lâu lắm rồi nên mộ nào nằm ở đâu tôi biết hết”.

Vừa vào một khu nghĩa trang, chúng tôi được một người phụ nữ tầm 40 tuổi, đội nón lá, bịt mặt kín, chạy đến hỏi: “Thăm mộ hả em, mộ nào vậy để chị dẫn em tới. Ở đây chỗ nào chị cũng biết”. Chúng tôi vờ hỏi đường thì người này tỏ vẻ khó chịu rồi bỏ đi về nơi trú ngụ dưới một ngôi mộ lớn. Tại đây lúc nào cũng có sẵn những bó hoa cúc vàng, nhang, đèn, một số tiền vàng mã để đáp ứng nhu cầu người đến thăm mộ.

Bình Hưng Hoà
Đỏ đen tại nghĩa trang.

Đang nằm vắt chân trên võng, người phụ nữ này thấy ba người khác đến viếng mộ liền lật đật chạy đến đưa nhang, hoa cúc vàng. Sau khi thắp nhang xong, người thăm mộ móc tờ tiền 100.000 đồng đưa cho người phụ nữ, dặn dò gì đó rồi rời khỏi nghĩa trang.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bất cứ ai đến thăm mộ cũng phải cho tiền những người chăm mộ, ít thì vài chục ngàn, nhiều thì vài trăm. Hầu như ai cũng cho tiền “chăm sóc” mộ vì sợ mộ phần người thân họ bị xúc phạm.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Huệ cho biết: “Ở đây chỉ có mấy người lớn tuổi là chịu lau chùi, nhổ cỏ cho các ngôi mộ, còn những người khác thì họ lâu lâu đến “thăm chơi” chút xíu rồi chờ người nhà đến để “xin” tiền chăm sóc”. Tại các khu nghĩa trang luôn có bóng dáng các “thổ địa”, họ ngồi, nằm trên các ngôi mộ chờ khách đến thăm để kiếm tiền.

Men theo con đường sỏi giữa nghĩa trang, mùi khét của chất thải vô cơ đang ngập tràn trong không khí, phía xa, trong ngôi mộ lớn là những thanh niên choai choai đang tụ tập nhậu nhẹt. Một người dân cho biết: “Bọn này vô công rồi nghề, suốt ngày tụ tập ăn chơi rồi vào trong nghĩa trang nhậu nhẹt. Tụi nó coi người đã khuất không ra gì cả, có khi còn nằm trên mộ để ngủ nữa”.

Trong nghĩa trang, cây cỏ xanh tốt nên thời gian gần đây trở thành nơi chăn nuôi bò của một số hộ dân. Họ dựng chuồng ngay giữa nghĩa trang, thả bò đi “dạo” trong “thành phố buồn” mà không ai quản lý. Dọc theo các con đường xuyên qua nghĩa trang để vào khu dân cư là những hàng cây cao chót vót tỏa bóng râm, hàng ngày có rất nhiều người vào hóng mát.

Hầu như tất cả người dân ở khu vực này đều coi nghĩa trang là nhà của mình. Họ ăn, uống, đùa giỡn, thậm chí “giải quyết nỗi buồn” trên các phần mộ. Nhiều người còn bày biện nước giải khát, cà phê, đồ ăn ngay trên các ngôi mộ gần đường. Nhiều nơi còn bán cả gia súc, gia cầm sống.

Trời về chiều, hai bên đường tới nhà hỏa táng bỗng trở nên lộn xộn khi xuất hiện hàng chục người buôn bán với đủ loại, từ giày dép, quần áo cho đến chim chóc... Nhiều “quán tạp hóa” còn “mượn” tạm các ngôi mộ làm giá treo balô, túi xách.

Tệ nạn bao vây

Nhắc đến Bình Hưng Hòa là nhắc đến lãnh địa của đủ thứ tệ nạn, là nơi đầu trộm đuôi cướp tung hoành, nghiện ngập bao vây, mại dâm dập dìu, nơi những “anh hùng” với hình xăm rồng rắn vằn vện khắp người.

Dọc theo con đường đi ngang nghĩa trang là những sòng bài lớn nhỏ. Nằm trong một quán nước bên đường là một sòng tiến lên với khoảng 6, 7 con bạc tham gia. Ở giữa các nghĩa trang, nơi một ngôi mộ lớn có mái che là địa điểm tập kết của rất nhiều con bạc. Phút chốc lại vang lên những tiếng cãi vã, thách thức. Dưới các gốc cây to dọc đường là nơi các thanh niên tổ chức từ bài bạc đến đá gà.

Anh Trần Hòa Văn đang ngồi uống bên đường thì thầm: “Ở đây toàn dân cờ bạc, đi đâu cũng thấy đánh bài, đá gà hết. Nhiều người còn tổ chức đánh cờ tướng độ nữa”.

Bình Hưng Hoà
Một người với nhiều biểu hiện nghiện ma túy.

6h chiều, các con đường xuyên qua nghĩa trang để vào khu dân cư heo hút dần. Vì không có đèn đường nên rất ít người qua lại. Từ đường Bình Long, một thanh niên gầy gò, nước da đen sạm, đội mũ sụp, cơ thể xăm hình vằn vện bước thật nhanh, len lỏi qua những ngôi mộ vào sâu bên trong nghĩa trang với những biểu hiện của người nghiện ma túy.

Nhiều người cho biết, buổi tối ở Nghĩa trang Bình Hưng Hòa là nhà của các con nghiện, trời vừa tối đã thấy các đối tượng nghiện ngập xuất hiện để hút chích. Bọn chúng thường đi theo nhóm. Ở nghĩa trang, nếu đi đứng không cẩn thận rất dễ đạp phải kim tiêm. Ở khu vực này thường xuyên xảy ra trộm cướp nên sập tối là người dân ít khi ra đường.

Trời càng về khuya, người qua lại càng thưa thớt dần. Đây là lúc các “ma nữ” bắt đầu hoạt động. Trên đoạn đường Bình Long, dưới ánh đèn lờ mờ, các “nàng” đứng bên lề đường chờ khách với chiếc nón bảo hiểm trên tay. Nhiều gái bán dâm còn ngồi trên các ngôi mộ cạnh đường mời gọi.

Quyết định đóng cửa Nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã có từ năm 2012. Việc di dời sẽ phân thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ di dời khoảng 18.000 ngôi mộ và lò thiêu để thu hồi 12ha đất và theo kế hoạch đến năm 2015 hoàn tất việc di dời. Nhưng hiện nay, dự án này vẫn chưa thể tiến hành, vì vậy tệ nạn vẫn cứ bủa vây “thành phố buồn”.

Theo Công an TP.HCM

Các tin cũ hơn