Sau khi báo chí đăng bài “Giám đốc NXB giải thích việc sách Tiếng Việt dạy... làm Toán”, đã có rất nhiều ý kiến độc giả bày tỏ quan điểm về sự việc này. Đa số ý kiến đều cho rằng, việc in Lời giới thiệu của cuốn sách Bài tập Tiếng Việt nâng cao lớp 2 là một sự cẩu thả, không tôn trọng người học.
Đặc biệt nếu như lời ông Giám đốc Nhà xuất bản Đại học sư phạm giãi bày đây là những cuốn sách còn sót lại từ năm 2009 thì lại càng không thể chấp nhận được, cho thấy sự thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, phát hành.
Bìa cuốn sách “Bài tập Tiếng Việt nâng cao lớp 2 (tập 1)” của Nhà Xuất bản Đại học sư phạm |
Độc giả Lê Văn Bính cho rằng, nếu việc in sai từ năm 2009, đến nay đã qua 4 năm mà vẫn còn để những cuốn sách này lưu hành trên thị trường thể hiện sự thiếu trách nhiệm của Nhà xuất bản. “Ông Giám đốc Nhà xuất bản Đại học sư phạm Đinh Ngọc Bảo giải thích như vậy chúng tôi khó chấp nhận.
Phụ huynh chúng tôi cần những sản phẩm “sạch” cho con em mình. Chẳng nhẽ mua sách chúng tôi lại phải hỏi lại Nhà xuất bản là sách này có “an toàn” hay không. Ông đã phát hành ra, ông phải quản lý được việc làm của mình”.
Cũng bày tỏ bức xúc, bạn đọc Mai Hoa cho rằng, những bậc làm cha làm mẹ có thể hy sinh tất cả vì con cái, họ luôn mong con mình được hưởng sự giáo dục lành mạnh. Vậy khi mua phải những cuốn sách như thế, con em họ sẽ phải tiếp nhận thông tin như thế nào?
“Mỗi cuốn sách là sai thì có ít nhất một học sinh phải chịu hậu quả. Không biết có bao nhiêu cuốn sách như vậy được bán ra thị trường. Chúng tôi không thể hiểu nổi Nhà xuất bản lại làm việc tắc trách, thiếu trách nhiệm đến như vậy”.
Cũng như nhiều độc giả, bạn Nguyễn Khoa Anh cho rằng, sách là “khuôn vàng thước ngọc” để rèn giũa học sinh nên người. Vậy khi sách “sai sót”, học sinh sẽ được rèn giũa như thế nào? “Tôi cho rằng những giải thích của ông Giám đốc Đinh Ngọc Bảo chưa thỏa đáng.
Chúng tôi cảm thấy như trách nhiệm không phải thuộc nhà xuất bản mà là do phía đối tác. Chúng tôi rất buồn vì toàn những PGS.TS nhưng lại sao lại cho ra lò những cuốn sách như vậy. Thật đáng ngại cho thế hệ con em của chúng ta”.
Bạn đọc tên Nhung cho rằng, lỗi này hiện nay khá phổ biến do copy-paste. Bạn lấy ví dụ về việc thầy Hiệu trưởng trường bạn công tác thông báo kế hoạch khai giảng năm học mới có đoạn: “Cô Nhung chuẩn bị 4 tiết mục văn nghệ”, nhưng trong trường không có cô Nhung nào. Thì ra coppy kế hoạch khai giảng của trường khác mà quên đổi tên cô giáo dạy nhạc. Chuyện thật 100% mà như đùa.
Độc giả Trần Quốc Định chua xót: “Bộ sách bài tập Tiếng Việt nâng cao giúp học giỏi… môn Toán. Quá hay cho từ "nâng cao". Toàn là Giáo sư, Tiến sĩ biên soạn mà ra được Lời nói đầu như vậy thì thật khủng khiếp”.
Cần truy rõ trách nhiệm
Độc giả Nguyễn Thế Công bày tỏ: “Tôi thấy những sự việc này thật không thể hiểu nổi. Tại sao lại có những lỗi tày đình đến như thế. Đây không thể là chuyện cho qua được. Lỗi này do sự tắc trách của tác giả và những người biên tập, người chịu trách nhiệm xuất bản và cả ông Giám đốc Đinh Ngọc Bảo.
Cần truy rõ trách nhiệm, từ nay về sau không để những lỗi như vậy xảy ra đối với những sản phẩm văn hóa nói chung và với sách cho học sinh nữa”.
Bộ sách Bài tập Tiếng Việt nâng cao nhằm giúp học sinh học tốt... môn Toán!!! |
Theo độc giả Lê Văn Nguyên, những giải thích của ông Giám đốc Nhà xuất bản Đại học sư phạm Đinh Ngọc Bảo chưa thấu tình, đạt lý. Ông không thể nói sách xuất bản từ năm 2009 còn sót lại.
“Nói như vậy có nghĩa là người mua không để ý năm xuất bản? Chúng tôi mua sách lại còn phải để ý năm nữa ư, vô lý quá. Đến 4 năm trôi qua mà vẫn để những cuốn sách như vậy bán ra thì không hiểu quản lý phát hành kiểu gì? Nói như ông Bảo thì việc sai sót và thu hồi sách sai là do phía đối tác, vậy Nhà xuất bản có trách nhiệm như thế nào. Đề nghị Bộ Giáo dục –Đào tạo nên xem xét lại việc này”.
Độc giả có tên baling bày tỏ lo ngại: “Sai thì sửa, sửa rồi lại sai. Đọc sách Tiếng Việt mà làm Toán được thì không hiểu nổi. Có ai chịu trách nhiệm trong việc này?. Không biết tương lai của nền giáo dục Việt Nam rồi sẽ ra sao?”
Bạn Nguyễn Hạnh cho rằng, Bộ Giáo dục –Đào tạo cần phải xử lý nghiêm, quản lý chặt những trường hợp như thế này. Nhà xuất bản Đại học sư phạm không phải sai sót lần đầu, mà liên tục có nhiều sai sót trong thời gian vừa qua, vậy có nên xem xét lại nhiệm vụ của họ không? “Không thể để hàng triệu học sinh, phụ huynh là nạn nhân của việc làm cẩu thả, thiếu trách nhiệm này”.
Độc giả Vũ Thanh Khôi cho rằng, những giải thích của PGS.TS Đinh Ngọc Bảo, Giám đốc NXB Đại học sư phạm toàn bao biện.
“Thứ nhất NXB phụ trách nội dung, sai nội dung là do NXB sao lại nói tại đối tác. Thứ 2, ông nói trước đây gộp 2 môn Văn, Toán vào môt quyển nay tách ra nhưng lại không sửa lời nói đầu nên thành sai. Thử hỏi nếu bây giờ đem gộp 2 môn đó lại thì có giữ nguyên được lời giời thiệu đó không?. Nhà xuất bản của một trường Đại học lớn, lại là Đại học sư phạm mà để xảy ra lỗi liên miên mà lại toàn những "lỗi chết người" như vậy, liệu có nên tồn tại nữa không”.
Theo VOV