Theo tờ trình đề án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM (đặt tại khu vực trước tòa nhà UBND TP), đến nay đề án đã thực hiện thiết kế quy hoạch xây dựng hoàn thiện phương án thiết kế không gian kiến trúc tượng đài và phương án thiết kế không gian kiến trúc để đặt tượng Bác Hồ với thiếu nhi tại Nhà thiếu nhi TP (được đưa từ vị trí đặt hiện tại trước tòa nhà UBND TP ở Q.1 về Nhà thiếu nhi TP ở Q.3).
TP cũng đã tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, có 32 mẫu phác thảo của 24 tác giả và một đơn vị tham gia.
Phối cảnh không gian tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu vực xung quanh. |
Khắc họa cốt cách giản dị, gần gũi của Bác
Trình bày tờ trình, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Nguyễn Văn Đua khẳng định tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nội dung quyết định nhất của đề án. Tượng đài phải đảm bảo yêu cầu mỹ thuật đặc biệt cao, kỹ thuật bền vững, đạt tầm vóc tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Bên cạnh đó, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh phải thể hiện được chân dung, cốt cách giản dị, trìu mến, gần gũi của Bác với nhân dân.
Tượng mới cách tượng hiện tại 9m hướng về sông Sài Gòn Ông Nguyễn Trường Lưu, Phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho biết phương án thiết kế không gian kiến trúc tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đề xuất lựa chọn là phương án 2 trong số ba phương án. Theo đó, phương án 2 thiết kế với hai lớp cây: phía ngoài sát vỉa hè là lớp cây dầu tầng cao (trưởng thành sau 50 năm sẽ cao khoảng 30m), bên trong là loại cây lâu năm tầng thấp (cao không quá 10m). Không gian nghiên cứu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm quảng trường trước tòa nhà UBND TP và các không gian lân cận với diện tích hơn 1ha. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh có chiều cao phần tượng là 4,5m; đế tượng cao 1,8m; đài tượng 0,9m. Vị trí đặt tượng đài cách tượng nghệ thuật Bác Hồ với thiếu nhi (hiện tại) 9m hướng về phía sông Sài Gòn. |
Ban thường vụ Thành ủy TP cũng kết luận sử dụng khối đá tảng đặc, màu đen, bền chắc, nguyên vẹn, đẹp, có xuất xứ trong nước để tạc khối vuông, mạnh mẽ và vĩnh cửu làm chân đế tượng đài.
Không gian kiến trúc tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng nhất trong tổng thể đồng bộ của khu vực trung tâm TP, hài hòa về cảnh quan để tạo không gian mở với trụ sở HĐND - UBND TP, Nhà hát TP, đường Nguyễn Huệ (đi bộ)..., trong đó trụ sở HĐND - UBND TP là công trình kiến trúc đã được đưa vào danh mục bảo tồn.
Tờ trình cho biết Ban thường vụ Thành ủy TP thống nhất hai bên tượng đài bố trí hai hàng cây xanh, chọn loại cây khi đã định hình có chiều cao không cao hơn tượng Bác để nhìn thấy xung quanh tượng Bác Hồ là tán cây. Đồng thời không trồng hàng cây che khuất tầm nhìn phía trước trụ sở HĐND - UBND TP...
Tại hội nghị, Hội Kiến trúc sư TP đã trình chiếu, thuyết minh các phương án thiết kế không gian kiến trúc tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. TP.HCM vạch ra lộ trình chi tiết thực hiện đề án, trong đó xác định hoàn thành trước ngày 28/2/2015 để báo cáo với nhân dân vào đúng ngày 30/4/2015.
Phối cảnh không gian tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu vực xung quanh. |
Chính quyền đô thị: cốt lõi là phân cấp
Thay mặt Ban thường vụ Thành ủy TP, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân trình Thành ủy TP đề án thí điểm chính quyền đô thị TP sau nhiều hội nghị lấy ý kiến trước đó. Tờ trình khẳng định chính quyền đô thị TP được tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Một trong những nội dung mấu chốt tại đề án là TP.HCM kiến nghị trung ương phân cấp mạnh để tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền trên một số lĩnh vực cụ thể.
Thứ nhất, phân cấp về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (tức thẩm quyền lập quy) của chính quyền địa phương nhằm triển khai chính sách và pháp luật của trung ương ở địa bàn, bảo đảm tính thống nhất về quản lý hành chính nhà nước của Chính phủ; đảm bảo lợi ích chính đáng, hợp pháp của cộng đồng dân cư địa phương, nhất là trật tự và phúc lợi đô thị như xử phạt hành chính, đặt các khoản thu về phí...
Thứ hai, phân cấp thẩm quyền về tài chính công: phân định rõ ngân sách trung ương và địa phương. TP đề xuất cơ chế với ngân sách trung ương, việc thu chi theo cơ chế ủy nhiệm, chịu sự giám sát của trung ương; với ngân sách địa phương, hoàn toàn tự chủ thu chi và tự chịu trách nhiệm. Tiến tới khắc phục cơ chế xin - cho trong phân bổ ngân sách.
Thứ ba, phân cấp về bộ máy tổ chức và nhân sự: đảm bảo tính thống nhất của nền hành chính quốc gia nhưng không đồng nhất bộ máy điều hành, mà việc tổ chức bộ máy phải thật sự dựa trên nhu cầu về công vụ. Công chức của chính quyền địa phương là công chức địa phương do ngân sách địa phương đài thọ. Chính quyền địa phương được tự chủ trong xác định biên chế, cách tuyển chọn, bố trí công việc và chế độ đãi ngộ.
Thứ tư, về một số nội dung quản lý nhà nước cụ thể khác, đề án đề xuất phân định làm ba loại: loại công vụ thuộc thẩm quyền của Trung ương như đối ngoại, quốc phòng, an ninh...; loại công vụ phối hợp giữa trung ương và địa phương hoặc thuộc thẩm quyền của trung ương nhưng ủy quyền cho địa phương thực hiện như thuế, hải quan, quy hoạch, đầu tư, đất đai; loại công vụ hoàn toàn thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương như các loại dịch vụ đô thị, giáo dục, y tế...
Trong nội dung của đề án khẳng định trên cơ sở phân định về công vụ, nhiệm vụ thuộc cấp nào thì ngân sách cấp đó đài thọ. Địa chỉ chịu trách nhiệm của mỗi cấp rõ hơn.
Báo cáo với Ban chấp hành Đảng bộ TP, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cũng khẳng định nội dung cốt lõi, quan trọng nhất của đề án chính là nội dung phân cấp của cấp trên, của Chính phủ cho TP.
Đề án nói trên sẽ được trình HĐND TP thông qua tại kỳ họp gần nhất. Sau đó, UBND TP sẽ trình Chính phủ xem xét và trình cấp thẩm quyền quyết định.
Lấy ý kiến nhân dân về mẫu tượng đài - Từ ngày 20/9 đến 20/10/2013: tổ chức trưng bày lấy ý kiến Ban chấp hành Đảng bộ TP, cán bộ cao cấp nghỉ hưu, HĐND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP và các tầng lớp nhân dân (tại phòng triển lãm Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM, số 1 Nguyễn Tất Thành, Q.4). Ngoài các mẫu dự thi, ban tổ chức còn trưng bày các hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 1960-1969; các hình ảnh công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng trong cả nước và chiếu phim tư liệu về Bác. - Từ ngày 21/10 đến 31/10/2013: trình thường trực Thành ủy TP, Ban thường vụ Thành ủy TP, Thành ủy TP thông qua. - Từ ngày 1/11 đến 8/11/2013: trình HĐND TP thông qua. - Từ ngày 18/11 đến 23/11/2013: trình xin ý kiến Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo trung ương. - Tổ chức nâng cấp mẫu tượng đài, thi công dự án tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đầu tháng 12/2013 và hoàn thành trước 28/2/2015 để báo cáo với nhân dân vào đúng ngày 30/4/2015. - Tổ chức thi công và hoàn thành đồng bộ phần cải tạo công viên mặt tiền Nhà thiếu nhi TP trước ngày 15/4/2015 để đặt tượng nghệ thuật Bác Hồ với thiếu nhi TP, khoảng 15/4 đến 20/4/2015. Nguồn: tờ trình của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM về đề án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Theo Tuoitre