Đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin là một đối tác, một đối thủ khó chịu, là người đã dung dưỡng “kẻ phản bội nước Mỹ” Edward Snowden, là “cậu học trò buồn chán ở cuối lớp học” không đóng góp gì nhiều cho các mục tiêu đối ngoại của Mỹ đến mức ông Obama phải hủy kế hoạch gặp gỡ ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh ở Moscow hồi tuần trước.
Thế nhưng ông Putin đã bất ngờ làm lu mờ hình ảnh của ông Obama trên trường quốc tế với vai trò là người chèo lái con thuyền khủng hoảng ở Syria. Ông đã đưa ra một sáng kiến đầy bất ngờ và “cao tay” nhằm ngăn chặn cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Syria, đồng thời bảo vệ được lợi ích của Nga trong khu vực Trung Đông vốn đã bị thu hẹp rất nhiều từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama.
Mặc dù tình hình có thể xoay chuyển một lần nữa, tuy nhiên trước mắt một mũi tên của ông Putin đã bắn trúng nhiều đích quan trọng mà Mỹ không ngờ tới.
Ông đã quăng ra một chiếc phao cứu sinh ngoại giao cho người đồng minh thân cận Assad, người mà cách đây không lâu đang phải đối mặt với nguy cơ mất quyền lực khi Tổng thống Obama đã hai lần tuyên bố ông này phải từ chức. Putin cũng đã ngăn chặn được Obama vượt mặt Hội đồng Bảo an, nơi Nga có quyền phủ quyết, trong việc phát động tấn công nhắm vào Syria.
Hơn nữa, với sáng kiến này của Putin, Nga đã chứng minh được vai trò không thể thiếu của mình trong việc giải quyết khủng hoảng ở Syria, cuộc khủng hoảng mà ông Putin cho rằng nếu không được kiềm chế sẽ gây ra làn sóng bất ổn trong toàn khu vực. Không những thế, Putin đã ép được Obama phải coi Moscow là một đối tác quan trọng trong thời gian tới trong quá trình giải trừ kho vũ khí hóa học của Syria.
Ông Ian Bremmer, Chủ tịch tổ chức tư vấn chính trị Eurasia Group nhận định: “Ngày hôm qua là ngày thành công nhất của Putin trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.”
Trong một bài viết gửi cho tờ New York Times của Mỹ hôm thứ Tư, ông Putin đã phê phán mạnh mẽ “tầm” của ông Obama trong xử lý xung đột khi cho rằng một cuộc tấn công quân sự có thể làm “xung đột lan ra ngoài biên giới Syria” và vi phạm luật pháp quốc tế, phá hoại trật tự thế giới thời hậu chiến.
Trong một cuộc phỏng vấn, người phát ngôn của ông Putin là Dmitri Peskov cho rằng tổng thống Nga không phải đang tìm cách khẳng định mình là tác giả của sáng kiến này mà chỉ muốn thúc đẩy một giải pháp chính trị để tránh gây thêm xung đột quân sự ở Trung Đông.
Ông Peskov phát biểu: “Đó mới chỉ là chặng đầu tiên của con đường, nhưng đó là sự khởi đầu rất quan trọng.”
Để bắt đầu chặng đường đó, ông Putin đã cử Ngoại trưởng Sergey Lavrov tới Geneva để gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhằm bàn thảo về các chi tiết của kế hoạch giải trừ kho vũ khí hóa học ở Syria.
Ngay bước đi này cũng cho thấy tình hình đã biến chuyển mau lẹ như thế nào chỉ trong một thời gian ngắn. Mới chỉ một tuần trước đó, ông Putin còn cáo buộc Ngoại trưởng Kerry là “kẻ dối trá” khi điều trần trước Quốc hội về tình hình Al Qaeda ở Syria.
Hôm thứ Tư, khi Nga đưa ra gói đề xuất về giải trừ vũ khí hóa học Syria với người Mỹ trước thềm cuộc họp ở Geneva, ông Peskov lại một lần nữa tận dụng cơ hội này để vẽ nên hình ảnh nước Nga là một quốc gia kiến tạo hòa bình chứ không phải là kẻ thích gây chiến như nước Mỹ.
Ông Peskov cũng tuyên bố rằng điều kiện quan trọng nhất đảm bảo cho sự sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hóa học của Syria chính là việc Mỹ kiềm chế không can thiệp quân sự giống như ông Obama đã đe dọa vì “bất cứ cuộc tấn công nào cũng sẽ khiến kế hoạch này trở nên bất khả thi.”
Ngay từ đầu cuộc nội chiến ở Syria cách đây 2 năm rưỡi, Nga đã luôn là người hậu thuẫn mạnh mẽ nhất của Syria khi liên tiếp dùng quyền phủ quyết của mình ngăn chặn các nỗ lực can thiệp vào Syria tại Hội đồng Bảo an.
Sự che chở của Nga dành cho Syria cùng với tuyên bố của ông Putin rằng chính phe đối lập chứ không phải quân đội chính phủ đã sử dụng vũ khí hóa học ở đất nước này dường như đã có lúc đẩy ông Putin vào thế đối đầu với nước Mỹ.
Từ lâu Nga đã nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc trong Hội đồng Bảo an, tuy nhiên ông Putin đã giành được sự ủng hộ cho lập trường của mình bằng cách khai thác những chia rẽ và rạn nứt giữa Mỹ và các đồng minh. Điều này lại càng đúng khi Quốc hội Anh bỏ phiếu phản đối hành động can thiệp quân sự vào Syria, một động thái được ông Putin mô tả là “chín chắn”.
Ông Putin cũng tỏ ra rất khôn ngoan bằng cách thể hiện sự khuyến khích khi các lãnh đạo Quốc hội Nga đề nghị sang Mỹ để vận động Quốc hội Mỹ bỏ phiếu phản đối kế hoạch can thiệp Syria của ông Obama, một hành động mà bản thân ông nhận thấy là sự can thiệp không thể chấp nhận được nếu thế cờ bị đảo ngược.
Sự đối nghịch của ông Putin đối với cái mà ông coi là ảnh hưởng khổng lồ của Mỹ trên khắp thế giới lý giải cho thái độ chống Mỹ mà bản thân ông và những người ủng hộ bộc lộ ra sau khi ông trở lại nắm quyền Tổng thống từ tay người tiền nhiệm Dmitri Medvedev.
Dưới thời ông Medvedev, Nga đã chịu nhún trong Hội đồng Bảo an, khiến cho NATO có cớ can thiệp vào Libya và lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Qaddafi. Ông Putin đã tuyên bố rõ ràng rằng ông sẽ không lặp lại cái mà ông coi là một sai lầm làm dấy lên làn sóng chủ nghĩa cực đoan lan tràn khắp khu vực.
Hiện tại, ông Putin đã thành công trong việc đẩy vấn đề tranh cãi về Syria quay trở lại Hội đồng Bảo an, nơi quyền phủ quyết khiến cho tiếng nói của Nga trở nên có trọng lượng hơn trong bất cứ quyết định nào của cộng đồng quốc tế. Với quyền lực này, Nga có thể một lần nữa phủ quyết bất cứ nghị quyết nào cho phép kiểm soát vũ khí hóa học ở Syria bằng đe dọa sử dụng vũ lực theo như đề xuất của Pháp.
Nước cờ cao tay này của ông Putin đã nhận được sự tán dương nhiệt liệt của truyền thông trong nước. Bản tin của đài NTV tối thứ Tư đã bắt đầu bằng: “Tổng thống Nga đã trở thành người anh hùng của thế giới trong những ngày này”, và sau đó đưa ra ý tưởng rằng ông Putin cần được đề cử giải Nobel vì Hòa bình nếu ông ngăn chặn được tấn công vào Syria của Mỹ.
Người ta cũng có cảm nhận rằng chính ông Putin là người đã gạt một tổng thống Mỹ mà ông không hề tin tưởng ra khỏi bàn cờ chính trị và ngoại giao do chính ông bày ra. Chủ tịch ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Aleksei Pushkov đã viết trên Twitter rằng ông Obama cần phải cảm kích bám lấy đề xuất của Nga “bằng cả hai tay”.
Ông Pushkov nhận định: “Đề xuất này của ông Putin trao cho Obama một cơ hội không phải phát động một cuộc chiến tranh khác, không bị thất bại thảm hại tại Quốc hội và không trở thành một ông Bush thứ hai.”
Theo Khampha