Tỷ lệ có thai ở tuổi vị thành niên tăng
Thống kê của bệnh viện Từ Dũ trong sáu năm liên tiếp chỉ ra, tỷ lệ trẻ vị thành niên phá thai trong tổng số những người phá thai tại viện này tăng nhanh qua từng năm. Năm 2007, tỷ lệ này chiếm 3,1% thì đến 2011 là 6,8%, năm 2012 là 6,4%.
Trên cả nước, tỷ lệ phá thai vị thành niên năm 2012 là 2,3% trong tổng số người đến phá thai. Số trẻ vị thành niên mang thai trong tổng số mang thai của cả nước cũng tăng qua từng năm, năm 2009 là 2,9%, năm 2012 là 3,2%.
Việc sinh con ở độ tuổi này gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy thai chết lưu và tử vong sơ sinh của các bà mẹ dưới 20 tuổi cao hơn 50% so với những bà mẹ từ 20-29 tuổi. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung Ương Nguyễn Viết Tiến, vấn đề mang thai vị thành niên đang trở nên nhức nhối ở Việt Nam những năm gần đây. Có những cháu 12, 13 tuổi đã mang thai. Ở tuổi này, các cháu chưa đủ trưởng thành về mặt thể chất, tình cảm và xã hội để sẵn sàng làm mẹ. Nguy cơ tai biến sản khoa cũng rất cao.
Tỷ lệ có thai ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam tăng lên qua các năm. Trong ảnh: Chờ làm thủ thuật ở một cơ sở y tế. |
Ông Tiến cho hay tình trạng sức khỏe sinh sản vị thành niên, mang thai vị thành niên ở VN có nhiều vấn đề cần quan tâm, trong đó có vấn đề quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, rõ ràng nhất là sự ảnh hưởng trực tiếp đến con cái và các thế hệ sau này.
Hiện nay các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở vị thành niên, thanh niên cũng có xu hướng gia tăng. Có tới 55,8% số người nhiễm HIV ở Việt Nam trong độ tuổi từ 20-29.
Cần đưa giáo dục giới tính vào học chính khóa
Theo điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam gần đây nhất, tuổi dậy thì ở người Việt có xu hướng giảm, từ 14,5 xuống 14,2 với nữ; 15,6 xuống 15,5 với nam. Tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở Việt Nam là 18,1 (trong lần điều tra trước đó, con số này là 19,6).
“Giới trẻ Việt có thái độ ngày càng cởi mở với tình dục trước hôn nhân, kể cả khu vực dân tộc thiểu số, nông thôn và nữ giới”, theo bác sỹ Nguyễn Đức Vinh, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em. Điều tra cho thấy, 49% giới trẻ ở vùng thiểu số, 34% giới trẻ nông thôn và 23% nữ giới có tư tưởng cởi mở với tình dục trước hôn nhân. Tỷ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân những năm qua cũng tăng lên.
Trong khi đó, theo Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), nhóm đối tượng 15-19 tuổi, có tới 35,4% chưa được đáp ứng các phương tiện tránh thai, nhóm đối tượng 20-24 tuổi là 34,6%.
Tỷ lệ này cao hơn ở các nhóm dân số có trình độ học vấn thấp, nhóm dân tộc thiểu số, nhóm dân cư sinh sống tại khu vực trung du, miền núi phía Bắc, khu vực nông thôn. Tỷ lệ nhóm thanh niên ở độ tuổi từ 14-17 và 18-21 hiểu đúng về thời điểm có thai cũng rất thấp. Một phần tư vị thành niên, thanh niên vẫn cho rằng HIV có thể lây qua côn trùng, muỗi đốt.
Theo bác sỹ Vinh, từ sự nhận thức không đúng về sức khỏe sinh sản dẫn đến gia tăng nguy cơ về có thai ngoài ý muốn, phá thai ở độ tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ chuyên biệt dành cho vị thành niên và thanh niên còn hạn chế.
Trong khi đó gia đình, nhà trường, cộng đồng lại chưa tạo được môi trường hỗ trợ trẻ vị thành niên trong kiến thức về sức khỏe sinh sản. “Cần phải đưa giáo dục kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản, dự phòng HIV/AIDS trở thành chính khóa trong trường học”, ông Vinh nói.
Theo Tienphong