Nỗi niềm chồng... "vô tích sự"

Thứ năm, 08/12/2011, 05:42
Cuộc sống của vợ chồng anh Đồng khá êm đềm. Nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi. Anh Đồng cũng kiếm được tiền, không đến nỗi sống “bám váy” vợ nhưng hễ trong nhà có cái gì hỏng mà “bó tay” là anh bị vợ coi là... vô tích sự.


Tủ lạnh không làm đá được, anh gọi thợ sửa. 2 ngày chạy ngon lành, đến ngày thứ 3, “bệnh cũ” của tủ lạnh tái phát. Thế là anh bị vợ gièm pha là “Không được tích sự gì, chỉ phí tiền” rồi thì “Gọi thợ cũng phải chọn thợ giỏi mà gọi chứ”... Sau đó, suốt bữa cơm, anh bị vợ “tra tấn” về chuyện này khiến anh nuốt không trôi, phải bỏ bữa dở chừng. Rồi cả chuỵên cái bóng đèn phòng khách cứ chập chờn, lúc lên điện – lúc không (có khi vợ anh Đồng phải dùng cán chổi đập đập vào máng nhựa, bóng mới sáng), anh cũng bị vợ coi là “vô tích sự” và bị ví von với những người chồng khác.



Nhiều cặp vợ chồng cãi nhau chỉ vì đồ đạc trong nhà hỏng mà chồng không sửa được. (Ảnh: Inmagine)

 

Vợ anh bảo: “Là đàn ông thì điện đóm, hỏng hóc trong nhà, không biết nhiều thì phải biết ít. Đằng này...”. Xong, anh còn bị vợ so sánh với chồng cô này khéo tay, biết trộn vôi vữa, xây gạch; chồng cô kia thật giỏi vì biết nối điện, khoan tường.... chứ không như chồng mình, cái gì cũng “mù tịt”.

“Mệt lắm, vợ chồng sống với nhau hòa hợp, chỉ xung đột khi trong nhà có đồ điện... hỏng” – anh Đồng than thở.

Anh Tĩnh (Gia Lâm, Hà Nội) cũng ấm ức vì không ít lần, anh trở nên “vô tích sự” dưới mắt vợ, con. Nguyên nhân cũng vì khi nhà có hỏng hóc, máy móc đang chạy tốt mà “dở chứng” là anh... chịu và chạy ngay đi gọi thợ. Nhưng gọi thợ mà vẫn hỏng thì anh còn bị vợ “ngấm nguýt” nhiều hơn. Hồi đầu năm, nhà anh Tĩnh sơn lại tường và làm chống thấm. Được vài tháng, một mảng tường ngoài phòng khách bị ẩm, bong tróc, mốc meo cả khiến vợ anh khó chịu, bắt anh phải gọi người sửa chữa. Vợ anh bảo, tất cả là tại anh. Ai bảo anh thanh toán hết tiền công cho thợ. Đến bây giờ, có hỏng hóc gì thì gọi dài cổ, thợ cũ cũng không thèm tới hoặc chỉ tới ngó nghiêng, rồi ra vẻ than thở, hứa hẹn cứ từ từ khi nào rảnh rang sẽ tới sửa, sau đó... mất hút.

Hoặc chuyện nhà anh đóng tủ bếp. Một thời gian sau thì một bên cánh tủ bị vênh, trông rất xấu. Vợ anh lại kêu ca ầm ĩ. Anh Tĩnh gọi thợ nhưng sửa qua – sửa lại năm lần bảy lượt mà cánh tủ vênh vẫn hoàn vênh. Ròng rã gần một tháng trời, anh Tĩnh không có một bữa cơm nào ngon vì hễ ngồi xuống mâm là vợ anh lôi chuyện cánh tủ vênh ra... nói. Hay thỉnh thoảng, đang giúp vợ nấu nướng là anh bị vợ liếc ánh mắt từ cái tủ vênh sang chồng trách móc khiến anh mất hứng. Chuyện vợ chồng anh hục hặc suốt vì cái tường với cái tủ.

Đừng cứ đồ hỏng là lỗi tại chồng

Chuyện hỏng hóc đồ đạc trong nhà xưa nay vẫn coi là chuyện của đàn ông. Nhưng không phải anh chồng nào cũng là thợ điện hay thợ điện lạnh... nên nhiều cái hỏng hóc cũng đành chịu. Chưa kể chuyện chọn thợ giỏi gọi đến sửa cũng không phải dễ, vì không phải ai cũng quen biết với thợ lành nghề. Hoặc có quen biết thật thì không phải hỏng gì, thợ cũng có “phép” sửa chữa mọi thứ. Vì thế, nhà có thứ hỏng mà chồng cứ dửng dưng, lại không chịu gọi thợ ngay hoặc gọi phải thợ “dỏm” thì chỉ làm người vợ thêm “ngứa ngáy” trong mồm và phải “bật loa phóng thanh” để giải tỏa.

Có người vợ còn đinh ninh người chồng khác sẽ khéo tay, tài giỏi hơn chồng mình. Cứ đà suy diễn này thì chồng mình càng lúc càng “vô tích sự” rồi chẳng làm được trò trống gì ra hồn. Từ đó, xung đột vợ chồng nhiều khi nảy lửa chỉ vì cái quạt không chạy, cái bóng đèn không lên hình... Và người vợ quên đi những nỗ lực, lo lắng của chồng mình dành cho gia đình. Hoặc coi chồng là nỗi bất hạnh của vợ con mà không chịu thông cảm chuyện có những cái hỏng mà chồng không sửa được...

Mẹ & Bé

 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn