Tổ ấm ngã đổ vì tổ mối chân đê

Thứ tư, 07/12/2011, 04:59
Chân đê vững chắc đến mấy, vẫn có thể vỡ vì một tổ mối nhỏ lâu ngày làm rò rỉ nước.

Tổ ấm gia đình cũng vậy, nếu có những chuyện nhỏ không hài lòng nhau mà vợ chồng không giải quyết dứt điểm, thì sẽ có ngày xảy ra chuyện lớn gây đổ vỡ.

Ly dị vì chuyện cỏn con

Đầu tháng 11 vừa rồi, tôi tiếp nhận một vụ ly hôn của hai vợ chồng trẻ, do cô vợ đứng đơn, nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn trong... sở thích. Cô vợ quá mê phim Hàn Quốc, suốt ngày ở nhà nội trợ, rảnh ra là coi nên những pha lãng mạn, ngọt ngào tình tứ trên phim ăn sâu vô đầu. Còn anh chồng làm kỹ sư xây dựng, đầu tắt mặt tối ngoài công trường, về nhà lại giải trí toàn bằng nhạc ầm ĩ, người thì “khô như ngói” (theo cách nói của cô vợ): sinh nhật, kỷ niệm ngày đầu hẹn hò, kỷ niệm ngày cưới... đều quên tuốt. Đã thế, miệng đầy mùi thuốc lá cũng ghì vợ hôn. Lại còn tật đi làm về mang giày vào tận trong nhà. Nguyên nhân xích mích đầu tiên khá nhỏ, nhưng do cả hai không chịu dàn xếp ổn thoả nên lớn dần thành mớ bòng bong. Góp ý nhiều lần thì anh chồng sửa đổi bằng cách hạn chế gần vợ để giữ lại những sở thích của mình. Tình cảm vợ chồng cứ thế lạnh nhạt dần.

Một vụ ly hôn khác xảy ra hồi tháng 4, bắt đầu từ lý do người vợ có thói quen ăn mặc quá tự nhiên, thoải mái. Đi chợ sáng, chị mặc đầm ngủ. Sếp của chồng đến nhà chơi, chị hồn nhiên áo thun sát nách, quần lửng ra chào. Chồng góp ý thì chị thay đổi một hai tuần rồi đâu lại vô đó. Đỉnh điểm của xung đột là lần nhóm bạn công ty của anh chồng về nhà bày tiệc nhậu. Chị vợ vì muốn tiện nấu nướng nên tiếp tục đồ bộ tới lui. Chẳng may lần này quần chị bị rách chỉ ở phía mông mà chị không biết, cho đến khi một người bạn trong nhóm góp ý nhỏ với anh chồng. Khách về thì vợ chồng nổ trận cãi vã. Đang có men rượu trong người, anh chồng thẳng tay tát vợ, làm chị ngã ụp mặt vô xoong canh, phỏng một bên mặt. Lúc hoà giải ở toà, mặc dù anh chồng vẫn còn ý định tiếp tục chung sống nhưng chị vợ cương quyết ly hôn, bởi không chịu được “chồng gì mà tính như đàn bà, chuyện ăn mặc của phụ nữ cứ nói hoài!”

Một số vụ xin ly hôn khác, khi hỏi cặn kẽ mới vỡ lẽ đã bắt nguồn từ lâu, bởi những chuyện thoạt nghe thấy cỏn con: chồng hút thuốc nhiều quá, vợ không thích khói thuốc; chồng lười tắm, vợ phải mỏi miệng nhắc, lâu dần nảy sinh tình cảm với người đàn ông khác sạch sẽ hơn; có trường hợp chồng lén gửi tiền về giúp các em, vợ phát hiện kêu lần sau muốn làm phải trao đổi với vợ, anh chồng chủ quan cho là chuyện nhỏ vẫn tiếp tục âm thầm giúp các em. Sau nhiều lần như thế, vợ chồng cãi nhau, dẫn đến xô xát, rồi ra toà...

Cơm sôi bớt lửa...

Có thể thấy, phần lớn những trường hợp ly hôn nói trên là do một trong hai bên vợ chồng có cái tôi quá lớn, sĩ diện, tự ái hão nên không ai nhường ai. Mâu thuẫn nhỏ nhưng cứ tích tụ, chất chồng theo năm tháng, cuối cùng gia đình tan vỡ. Thực tế, giao tiếp trong đời sống vợ chồng vốn rất hạn hẹp, nên mỗi bên thường phải ôm trong lòng rất nhiều điều không thể chia sẻ, nhất là những gì không hài lòng về nhau. Chỉ đến khi cái nhỏ nhặt biến thành cái to lớn thì người trong cuộc mới hối tiếc.

Khi yêu nhau, người ta thường che đậy những mặt hạn chế, khiếm khuyết, chỉ tô hồng bản thân. Nhưng khi ở chung rồi, mọi hỷ nộ ái ố, tính tốt tính xấu đều bộc lộ hết, từ đó các xung đột về lối sống, ý thức chăm lo cho gia đình, sự quan tâm lẫn nhau... sẽ phát sinh. Đã là vợ chồng thì phải biết tôn trọng, hy sinh cho nhau. Khi bất đồng quan điểm, mỗi người nhịn nhau một tí sẽ hạn chế được những đổ vỡ. Mỗi người cần tỉnh táo lắng nghe, cảm nhận những gì mà người bạn đời chưa hài lòng về mình để giải quyết càng sớm càng tốt.

Để có thể sống hoà hợp và hạnh phúc, đòi hỏi người trong cuộc phải biết chấp nhận, chịu đựng những mặt chưa tốt của bạn đời. Phải có sự thấu hiểu, yêu thương, quan hệ mật thiết với nhau. Khi có vấn đề nảy sinh, hãy ngồi lại, bình tĩnh, biết tha thứ và chờ đợi nhau. Ông bà xưa có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”. Đặc biệt, cần tránh bệnh chủ quan trong hôn nhân. Có những chuyện nhỏ xuất hiện ban đầu là ý thức, nếu ý thức bị dồn nén quá sẽ chuyển thành tiềm thức, tiềm thức đầy quá thì lắng xuống vô thức ám ảnh, chi phối các hoạt động. Khi sự chịu đựng đã thành vô thức, cũng là lúc người đó luôn tồn tại một ý nghĩ trong đầu là “không thể chịu nổi nữa”. Cuối cùng, đến lúc bột phát khiến người trong cuộc phản ứng thái quá, thì rất khó vãn hồi.

Sửa đổi và chấp nhận

Vợ chồng Đặng Thị Ngọc Anh (28 tuổi) – Phạm Quốc Dũng (28 tuổi), TP.HCM

Nhiều người hiểu sai lệch hai chữ “bình đẳng” nên những điều chi li, nhỏ nhặt nhất cũng đòi hỏi bạn đời chia đôi nghĩa vụ. Ví như, người vợ đi làm về, vào bếp nấu ăn, thì người chồng cũng phải có trách nhiệm rửa chén, dọn dẹp. Nếu là một anh chồng hiện đại, thông thoáng, họ sẽ hiểu vợ mình muốn gì. Còn với một anh gia trưởng, chắc chắn anh ta sẽ quyết liệt chối từ những chuyện được cho là của phụ nữ như trên, thế là sinh ra mâu thuẫn. Mâu thuẫn nhỏ lại dẫn đến xung đột lớn, nếu không giải quyết thoả đáng, nguy cơ ly hôn là điều dễ xảy ra. Thêm nữa, với các cặp vợ chồng trẻ, những lỗi nhỏ trong cuộc sống họ dễ mắc phải, dễ bắt gặp nhưng lại khó bỏ qua. Thi thoảng vợ chồng dạo phố, tôi thích mặc váy, trang điểm tí chút, chỉnh lại kiểu tóc, nhưng khi ngồi sau xe chồng thì ngỡ ngàng thấy ông xã vô tư mang dép xỏ ngón, mặc quần cộc, áo phông nhàu nhò, chẳng khớp vào đâu. Cũng có khi đi dự tiệc, chồng tôi nhăn mặt khi tôi chọn chiếc áo cổ khoét thật sâu. Thì đấy, có những thứ với mình thì đẹp, nhưng lại là điều xấu bất thường trong mắt nửa bên kia. Nhưng không phải vì thế mà “dằn mặt” nhau. Chìa khoá giải quyết cho những vấn đề trên, là vợ chồng tôi tìm cách giải thích cho người kia hiểu cảm giác của mình. Chính sự hài hoà đôi bên giúp xoá bỏ các mâu thuẫn. Còn nếu như vẫn không hài hoà được, thì bạn phải học cách chấp nhận nhau nếu trái tim bạn còn dành cho người ấy.

Hãy bắt chước loài nhím

Vợ chồng Phùng Hồng Linh (30 tuổi) – Lê Thanh Hưng (31 tuổi), TP.HCM

Sau khi cưới nhau, vợ chồng tôi cũng gặp nhiều vấn đề, giờ nghĩ lại thấy mình trẻ con thật. Ví như, chợ gần nhà nên tôi cứ mặc luôn đồ ở nhà mà đi chợ. Bị chồng trách xuề xoà, tôi hơi quê, lôi ra cái tật nói chuyện cứ phun nước vào người khác của anh ấy cho huề nhau. Vậy mà giận nhau, mâu thuẫn khốc liệt bởi những chuyện nhỏ đó. Ai cũng bắt người kia phải thay đổi, chẳng ai thay đổi... nên hôn nhân phải chuyển thành ly hôn. Đến lúc đó, hai bên gia đình mới gọi chúng tôi về. Mẹ tôi có nói một câu: “Loài nhím không phải nhổ hết lông trên mình thì chúng mới đến được với nhau. Mà chúng tìm điểm thích hợp và biết chấp nhận cái đau khi bị lông đối phương đâm vào”. Từ những chỉ dạy của người lớn, chúng tôi bắt đầu nhìn lại nhau, quả thật, cách tốt nhất để giữ hạnh phúc, là phải cảm thông và mỗi người phải biết tự thay đổi. Cũng từ đó, mỗi khi ra đường, tôi chú ý hơn cách ăn mặc của mình, còn chồng tôi cũng luôn cẩn trọng, khi nói chuyện thì lấy tay che miệng. Cũng may cả hai đã kịp thời nhận ra những khiếm khuyết, và kịp thời sửa đổi.

Theo SGTT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn