Thực hư "mối tình" 5 thế kỷ
Nằm phía tả đê sông Đáy, thôn Giang cách trung tâm Hà Nội hơn 30km, nơi đây vẫn giữ những nét độc đáo riêng của một làng quê Việt. Người dân kể cho chúng tôi nghe câu chuyện khó tin về cây cọ mọc trên đỉnh cây si suốt mấy trăm năm qua (không ai biết chính xác từ bao giờ) và ngôi đình thiêng thờ Lý Nam Đế mùa nước lũ không bao giờ bị ngập lụt.
Để tìm hiểu thực hư về câu chuyện này, người dân giới thiệu chúng tôi gặp ông Kim Bùi Soạn, một người dành nhiều thời gian tìm hiểu về văn hóa xã Viên Nội.
Ông Soạn cho biết: "Ngày trước, khi tôi còn nhỏ thường ra sân đình chơi đã thấy cây si và cây cọ mọc quấn quýt vào nhau. Mấy chục năm trôi qua, si và cọ quấn bên nhau và không thay đổi nhiều so với trước đây. Nếu thoạt nhìn, người ta sẽ bảo cây cọ mọc trên đỉnh cây si. Xung quanh việc cọ mọc trước hay si mọc trước có nhiều ý kiến gây tranh cãi.
Nhưng thực ra cây si mọc nhờ vào cây cọ rồi dần dần thân và rễ cây si quấn quanh cây cọ lên đến gần gọn. Nhiều cụ cao tuổi trong làng bảo hồi còn bé đã thấy thân cây cọ lộ ra ở dưới mặt đất, điều này cho thấy cây cọ có trước chứ không phải mọc trên đỉnh cây si như nhiều người nói. Hiện, thân cây si và rễ đã chiếm hết thân cọ nên giờ chỉ có thể nhìn thấy cây cọ như mọc trên đỉnh cây si. Ước tính cây cọ và cây si trên 500 tuổi".
Cụ Lộ Khắc Lập, 83 tuổi, thủ từ đình thôn Giang thờ vua Lý Nam Đế cho biết: "Anh trai tôi 97 tuổi từng nói, từ khi sinh ra đã thấy cây si mọc bên cây cọ từ bao giờ. Ước tính phải mấy trăm năm. Hai cây song song cùng phát triển và trải qua biết bao thăng trầm, biến cố cùng lịch sử dân tộc. Bao đời nay, từ thời phong kiến, các cụ đã coi hình ảnh cây si và cọ như biểu tượng của sự thủy chung, son sắt, tình yêu con người, thiên nhiên để giáo dục con cháu".
Khu vực ngôi đình thiêng và cây cọ mọc trên đỉnh cây si.
Người làng bảo cây si và cây cọ mọc được bên nhau và lạ kỳ như vậy bởi chúng sống cạnh ngôi đình thiêng. Trong suốt hai cuộc chiến tranh ác liệt, quanh khu vực ngôi đình không bao giờ dính bom đạn và là nơi che chở cho dân làng.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại và thần phả có ghi ngôi đình ngày trước được lợp hoàn toàn bằng cọ. Sau này được làm lại bằng gỗ, chắc chắn và rộng rãi hơn. Đến đầu những năm 1930, trong làng có ông Chánh tổng Bát giàu có nhất vùng đã công đức tiền của xây dựng lại ngôi đình bằng bê tông chắc chắn, nhưng vẫn giữ nguyên đường nét hoa văn, tinh xảo trước đó.
Kỵ những con vật lông trắng?
Theo cụ thủ từ Lộ Khắc Lập, đình thôn Giang được vua ban 10 đạo sắc, nhưng vẫn có một đạo sắc thờ chung với đình thôn Trung, làng kế bên. Điển tích ngày xưa truyền rằng, vào một ngày trời yên gió lặng, có một đạo sắc trôi theo dòng sông Đáy. Đạo sắc trôi đến đoạn sông giữa thôn Giang và thôn Trung. Hai làng tranh nhau muốn nhận đạo sắc về thờ.
Hai làng kiện nhau lên quan trên rồi đến tai nhà vua. Nhà vua mới phân xử "nhị thôn đồng phụng sự" nghĩa là mỗi làng lần lượt thờ đạo sắc một năm. Ngôi đình Giang thờ vua Lý Nam Đế cũng bởi nơi đây ghi dấu bước chân ngựa của đức vua qua làng. Ngày đó Lý Bí đại vương dẫn quân về tập trận ở xã bên. Bởi vậy xuất phát ở đây có câu hát đồng giao: Nhong nhong ngựa ông đã về/ Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn.
Ngày trước, khu đất này hoang vắng, cây cối mọc um tùm, nằm ngay chân đê nên ít người qua lại. Người dân cho rằng nơi đây linh thiêng. Ông Kim Bùi Soạn kể: "Ngày còn hợp tác xã, chuyện xảy ra với gia đình ông Thi, có người con trai tên là Đỗ. Trong lúc gia đình ông phơi thóc tại sân đình, cậu con trai nghịch đưa thóc vào miệng pho tượng hộ pháp và bảo "ông cắn chắt đi".
Cả ngày hôm đó anh này vẫn bình thường, không có điều gì xảy ra, nhưng sau một đêm ngủ dậy thì bị câm. Gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi đều không cứu vãn được tình hình. Ông Thi mới nhớ ra trước ngày con trai bị câm cả nhà phơi thóc ở sân đình, liệu con mình có mạo phạm đến Ngài hay không.
Anh con trai không nói được, nhưng vẫn diễn tả bằng hành động rằng đã nhét thóc vào miệng tượng hộ pháp. Khi đã rõ ngọn ngành, ông Thi làm lễ tạ mong Ngài tha tội cho con trẻ. Quả nhiên lời nguyện cầu của ông đã được Ngài tha thứ. Sáng hôm sau ngủ dậy, con trai ông đã nói được như bình thường. Điều đáng buồn là sau này, anh Đỗ nhập ngũ rồi hy sinh ở chiến trường".
Đặc biệt ở làng này tuyệt đối không ai nuôi những con vật, gia súc, gia cầm lông trắng như trâu, ngựa, lợn, gà, chó, mèo trắng. Trong thôn có thờ một vị thần rất linh thiêng có tên húy là Bạch Lang. Theo các cụ kể lại, ngày trước có một viên quan lớn đi ngựa trắng qua đền Bạch Lang, con ngựa trắng hí lên mấy tiếng rồi lăn đùng ra chết.
Bởi vậy, không ai nuôi con vật lông trắng để tránh xúc phạm tên húy của Ngài. Một điều lạ, riêng ở nơi đây người ta không được gọi khoai lang mà phải gọi là khoai dây. Và tất cả các loại quả bí xanh, bí đỏ đều gọi chung là quả bầu vì vua Lý Nam Đế, tên húy là Lý Bí nên phải tránh. "Dù chưa có ai bị trừng phạt vì gọi tên húy của Ngài, nhưng người dân vì tôn kính nên bao đời nay vẫn tránh gọi những tên "nhạy cảm" đó", ông Kim Bùi Soạn nói.
Chưa có căn cứ khoa học
"Người dân thôn Giang đã từ lâu coi ngôi đình thiêng thờ vua Lý Nam Đế của làng như một báu vật gắn liền với lịch sử, tín ngưỡng, đời sống và phong tục tập quán ở đây. Đặc biệt trong khuôn viên của ngôi đình có hai cây cọ và si mọc quấn quýt vào nhau đã hơn 500 năm tuổi. Hình ảnh cây cọ, si như một biểu tượng cho sự thủy chung, tình yêu và lòng mến khách của người dân nơi đây. Không những thế, ngôi đình thiêng và hình ảnh hai cây cọ si là trung tâm văn hóa của làng, hội họp trong những dịp lễ tết quan trọng. Thực hư những câu chuyện tâm linh rất khó giải thích, cũng chưa có căn cứ khoa học, nhưng người dân nơi đây rất tin vào sự linh thiêng của ngôi đình", ông Kim Văn Vân, trưởng ban văn hóa xã Viên Nội nói. |
Theo NDT