Jimmii Nguyễn chê bai các cuộc thi âm nhạc Việt Nam

Thứ sáu, 28/02/2014, 13:12
Anh cho rằng các giám khảo tiếng Anh kém và thí sinh thì hát không bằng ca sĩ quán bar của Philippines.

Mặc dù về sống tại Việt Nam đã lâu nhưng anh chủ yếu kinh doanh và ít xuất hiện trong các show ca nhạc. Vì sao vậy?

Có kinh doanh thì tôi mới có tiền làm từ thiện và đưa sản phẩm âm nhạc mới đến khán giả chứ! Tôi thuộc tuýp người "không xin xỏ" tài trợ mà tự vươn lên bằng chính sức mình. Các chương trình từ thiện hàng năm của tôi cũng vậy. Tôi bỏ tiền tỷ làm chương trình và không bán vé. Tôi từ thiện luôn cả các đại gia, người giàu bởi họ cầm vé vào xem chương trình mà không trả một xu, vậy có nghĩa, tôi từ thiện họ rồi đó! Còn họ xem chương trình mà ra về, không phát tâm làm từ thiện cho ai cả (không nhất thiết là từ thiện cho chương trình của tôi) thì họ đối diện với lương tâm của chính họ thôi.

7-JPG-7989-1392693212-1883-1393380498.jp

Jimmi Nguyễn bức xúc khi ban tổ chức các cuộc thi hát trên truyền hình chỉ chọn giám khảo biết 'diễn' và nghe lời nhà sản xuất. Ảnh: Maison de bil.

Anh phản ứng thế nào trước lời đồn, anh hét giá cao quá nên các bầu show không dám ngỏ lời?

Cái gì cũng phải có cái giá của nó. Bầu show thấy phù hợp thì người ta mời, còn không phù hợp thì thôi. Đó là luật tự nhiên mà. Còn chuyện hét giá ư? Sao lại phải hét giá? Một món đồ lớn nhỏ gì cũng phải có giá đứng đắn của nó. Tôi sẵn sàng nằm đất đi hành hương, hát từ thiện hoàn toàn miễn phí nếu thấy đúng (tôi đã làm). Nhưng nếu nhà tổ chức làm kinh tế, đừng bao giờ chơi xấu hoặc ép giá trị của tôi. Đến các chương trình đình đám ở hải ngoại tôi còn không bận tâm thì bạn tự hiểu là thế nào! Tôi bước chân vào nghệ thuật vì em tôi, người yêu tôi mất và bởi tôi hoàn toàn làm vì đam mê. Việc các bầu show không mời hoặc không mời nổi tôi, tôi không quan tâm. Con đường tôi chọn và đang đi cho âm nhạc của riêng mình đã gần đến đích rồi.

Anh từng công bố về album đầu tiên phát hành ở Việt Nam nhưng đến giờ sản phẩm ấy vẫn không có ‘tăm hơi’. Đến khi nào anh sẽ thực hiện lời hứa ấy?

Tôi sẽ ra mắt album đầu tiên ở Việt Nam với tựa đề Một triệu lời tri ân.Tôi phải thực hiện bằng mọi giá vì thời gian không cho phép tôi kéo dài được nữa. Tôi đâu thể trẻ mãi... không già. Tôi đã bỏ tiền làm nhiều đêm nhạc và thời trang từ thiện bao năm qua, bây giờ tôi xin phép được tập trung đầu tư thực hiện lời hứa với fan vẫn yêu thương và cho tôi sự tồn tại.

Đã 45 tuổi, anh có sợ khán giả sẽ nhanh chóng quên mình khi thị trường bây giờ có quá nhiều ca sĩ mới?

Xin hãy đợi sau khi tôi phát hành album lúc bấy giờ bạn sẽ có câu trả lời thực tế nhất. Tôi là nhạc sĩ mà, chưa kể tôi đã có thương hiệu nữa. Tôi nghĩ, nếu tôi tập trung viết ca từ có ý nghĩa sâu sắc về tình yêu quê hương, tuổi trẻ lãng mạn đúng chất Nguyễn của tôi, thì dù xã hội có biến đổi đến dường nào cũng không thể đổi thay hàng triệu trái tim Việt Nam yêu âm nhạc của tôi. Con số hàng triệu khán giả là đã quá đủ và tôi không còn tham lam, đòi hỏi gì nữa.

Vài năm trở lại đây, các nghệ sĩ hải ngoại ồ ạt về nước làm liveshow và ít nhiều họ đã thành công. Còn anh, với lượng người hâm mộ hàng triệu, tại sao anh không thực hiện?

Tôi rất vui về điều này. Điều đó chứng tỏ nghệ sĩ hải ngoại vẫn còn đau đáu với quê hương. Hãy để họ thực hiện những ước mơ tốt đẹp đó. Riêng tôi, tôi sẽ làm chương trìnhJimmii Live in Concertsau khi tôi đã ra mắt album Một triệu lời tri ân.

50825968-jimy3-2700-1393380498.jpg

Nhận lời làm giám khảo một cuộc thi nhan sắc, nam ca sĩ không chấp nhận chuyện thí sinh mua giải.

Gần đây, không ít người tò mò khi anh trở thành giám khảo một cuộc thi nhan sắc. Tại sao anh nhận lời cuộc thi này, thay vì cuộc thi âm nhạc theo đúng chuyên môn của anh?

Có rất nhiều thứ ngày nay bị đảo lộn. Ví dụ, giám khảo của Vietnam Idol, The Voiceđều là những nghệ sĩ trong nước. Trong số họ, chưa có ai đủ khả năng nói chuyện với tôi hoàn toàn bằng tiếng Anh mà không mắc lỗi văn phạm. Thế nhưng họ lại được chọn ngồi ghế nóng và nghe thí sinh hát toàn tiếng Anh.

Tôi lớn lên ở Mỹ, đã ngồi mài mòn ghế nhà trường. Tôi cũng có chút trình độ nghe tiếng Anh như người Mỹ, nói tiếng Anh như người Mỹ và sáng tác âm nhạc ở Mỹ. Tôi còn là hội viên của Hội Âm nhạc quốc gia Mỹ. Vậy mà tôi toàn bị bỏ qua trong các cuộc thi âm nhạc? Nhưng thôi không sao! Có thể nhà sản xuất không cần một giám khảo đúng nghĩa, họ chỉ cần giám khảo biết diễn và biết nghe lời nhà tổ chức, đơn vị tài trợ. Họ không cần một giám khảo thẳng thắn, có thể nhìn ra sự sai sót như tôi.

Còn về cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2014, ít ra tôi được phía tổ chức trân trọng giá trị sự xuất thân của mình. Họ có cái nhìn đúng đắn hơn so với các nhà tổ chức cuộc thi âm nhạc. Hơn nữa, tôi thích những gì mới lạ và chương trình mang tính nhân văn, cộng đồng.

Anh có hơi ác cảm không, bởi The Voice, Vietnam Idol mặc dù là cuộc thi âm nhạc nhưng vẫn mang tính giải trí trên truyền hình. Nếu thiếu đi yếu tố ‘diễn’ của giám khảo và thí sinh sẽ không còn sức thu hút?

Gameshow thì gameshow chứ, khán giả Việt Nam trong hay ngoài nước cũng đều là khán giả thật, họ có trình độ và đẳng cấp. Đừng đánh giá thấp họ quá để muốn "diễn" sao thì "diễn". Nếu phải "diễn" mới thu hút khán giả thì sẽ là tiền đề xấu, ảnh hưởng cho sự thăng hoa của âm nhạc chân chính. Bởi vậy, từ "ảo" dạo này phổ biến hơn các từ ngữ khác trong ngôn ngữ Việt Nam.

Anh chê bai giám khảo các cuộc thi này, điều này có đồng nghĩa với việc anh nghi ngờ về khả năng chuyên môn họ ví dụ như Mỹ Tâm (giám khảo Vietnam Idol 2013) hay Đàm Vĩnh Hưng (giám khảo The Voice 2013)?

Tôi không chê bai Mỹ Tâm hay Đàm Vĩnh Hưng. Tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có thái độ ganh tức với các ngôi sao trẻ vào nghề sau mình. Tôi là đàn anh, là nhạc sĩ đã thành danh trước họ rất lâu. Tôi không cần phải ghen tức hoặc nghĩ xấu về họ. Ngược lại, họ xứng đáng làm ngôi sao Việt vì họ có tài thật sự.

Ý tôi muốn nói là khía cạnh làm ban giám khảo cho những chương trình mà hầu hết thí sinh hát tiếng Anh. Thi hát, ngoài việc có chất giọng, kỹ thuật, thí sinh cần thể hiện tư duy đạo đức qua cách chọn lựa bài hát. Chỉ có như vậy, thế giới mới không xem thường chúng ta. Nếu mang tiếng đoạt giải toàn quốc mà hát thua xa những ca sĩ người Philippines hát tại các quán bar tại Việt Nam thì tệ quá!

jimmy nguyen

Anh đang gấp rút thực hiện album 'Một triệu lời tri ân' và làm liveshow tại Việt Nam.

Ngồi vị trí ghế nóng cuộc thi nhan sắc, anh quan niệm thế nào là một cô gái đẹp?

Tôi nghĩ, xấu ngoài - đẹp trong thì chưa đủ tiêu chuẩn; còn đẹp ngoài - xấu trong thì như cái xe đẹp bị hư máy hoặc hết xăng. Nhiệm vụ của tôi là phải tìm cho ra người đẹp trong - đẹp ngoài. Đây là cuộc thi hoa hậu kèm theo chữ "world", nghĩa là phải có tiêu chuẩn về chiều cao, sắc đẹp, kiến thức và tư duy theo chuẩn quốc tế.

Trước đây, khi làm giám khảo cuộc thi Mr. Vietnam, tôi bảo vệ thí sinh đến mức bị... ghét. Lần này, tôi chuẩn bị để bị.... ghét nữa. Chúng ta chấm thi không chỉ dựa vào tiêu chuẩn đẹp về hình thức, mà phải xem tư duy của họ thế nào bằng cách tìm hiểu sâu xa hơn về cuộc sống của họ. Không ít người, để đạt được điểm cao, họ nói hay, nói tốt nhưng thực tế họ lại không quan tâm gì đến môi trường, cha mẹ, anh em, bạn bè. Ngoài ra, cô gái đăng quang phải có suy nghĩ tích cực về việc quảng bá văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam đến thế giới. Đây là yếu tố quan trọng.

Theo dõi các cuộc thi nhan sắc trong nước, anh thấy chất lượng, cách thức tổ chức có điểm gì chưa tốt?

Tôi rất quan tâm đến các cuộc thi Hoa hậu và thấy có rất nhiều vấn đề, nhưng biết làm sao bây giờ? Thí dụ như chuyện Hoa hậu được trao vương miện vì họ biết 'chiều' và "ngoan' với ban tổ chức hoặc ban giám khảo. Tôi chỉ có một bàn tay, không thể che nổi mặt trời, cũng không thể thay đổi hướng đi của cuộc thi. Thôi thì, tôi chỉ cần làm một giám khảo khắt khe để bày tỏ quan điểm.

Trong quá trình chấm thi, nếu tôi phát hiện ra tệ nạn mua giải, tôi sẽ lên tiếng với ban tổ chức để khắc phục. Nếu họ không nghe, tôi xin rút lui và tuyên bố với báo chí lý do tôi rút lui.

Theo Ngôi Sao

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích