Xẹp một bên phổi, sức khoẻ chỉ còn 60%
- Thời gian qua, khán giả vẫn gặp ông trong các bộ phim truyền hình dài tập như "Chạm tay vào nỗi nhớ", "Bão qua làng". Vì thế, không ít người cảm thấy bàng hoàng khi nghe ông bị ung thư giai đoạn cuối. Thực hư thông tin này thế nào?
- Hai năm trước, tôi vô tình phát hiện ra mình bị ung thư phổi ở giai đoạn cuối. Đó là khoảng thời gian thực sự khó khăn với tôi, đặc biệt là về mặt tư tưởng. Tôi mất vài ba tháng bị choáng cho đến khi tìm ra được phương án chữa trị. Sau khi được các bác sĩ phân tích, tôi hiểu hơn về bệnh của mình nên đầu óc thoải mái và tư tưởng được đả thông.
Tới giờ, tôi phải cảm ơn những người bạn làm trong ngành y đã nhiệt tình giúp đỡ tôi rất nhiều trong suốt hai năm qua. Họ không chỉ động viên mà còn giới thiệu thêm cho tôi những bác sĩ thuộc đúng chuyên ngành để tìm hướng đi tốt nhất trong quá trình điều trị. Nhận được sự ưu ái của đội ngũ y bác sĩ ở bệnh viện nơi điều trị, tôi yên tâm hơn rất nhiều. Quan niệm của tôi là chúng ta đang sống trong thời đại khoa học kỹ thuật nên phải tin tưởng vào khoa học. Bệnh của tôi không thể chữa khỏi, tôi phải sống chung với nó và vui vẻ chấp nhận số phận. Xung quanh tôi còn có gia đình, bạn bè nên tôi phải có niềm tin để tiếp tục cuộc sống.
- Ông phát hiện ra mình mắc bạo bệnh cách đây 2 năm nhưng tới giờ, người hâm mộ mới biết được chút ít thông tin về tình hình sức khoẻ của ông. Lý do gì khiến ông giữ bí mật chuyện này với khán giả của mình?
- Tôi không chia sẻ nhiều vì không muốn làm phiền mọi người, cũng không muốn người ta bàn ra tán vào và thương hại mình. Lúc tôi bị bệnh, nhiều người không biết nên có những lời đồn ác độc. Họ bảo tôi chết rồi hoặc sắp chết rồi. Những lời độc miệng đó tôi bỏ qua, không muốn quan tâm. Tôi có thể chia sẻ niềm vui với mọi người nhưng về nỗi buồn, tôi muốn giấu cho riêng mình. Dẫu vậy, qua một số nguồn tin, truyền thông và khán giả vẫn nắm được tình hình sức khoẻ của tôi.
Kể từ khi biết được bệnh tình của mình, lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ, tôi phải vui vẻ bởi đã xác định mình không như người bình thường nữa. Tôi luôn sẵn sàng chấp nhận mọi điều xấu nhất xảy ra nhưng luôn hy vọng, đừng xảy ra sớm quá.
- Sau khi phát hiện ra bạo bệnh, cuộc chiến chống chọi với bệnh tật và đối mặt với tử thần của ông thế nào?
- Bệnh ung thư hiện nay có 3 phương pháp điều trị: phẫu thuật, xạ trị và hoá trị. Khi tôi phát hiện ra bệnh, bác sĩ cũng là người thân của tôi nói ngay, phương pháp thứ nhất bị loại trừ vì tôi bị hạch trung thất ở ngã ba phổi, đụng dao kéo rất nguy hiểm. Phương pháp thứ hai là xạ trị cũng không áp dụng được. Bởi tôi bị tràn dịch màng phổi, loang lổ trong khi xạ trị là trị điểm. Cuối cùng, tôi phải hoá trị toàn thân, truyền tĩnh mạch.
Tìm được phương pháp điều trị phù hợp, tôi bắt đầu hoá trị một đợt liền tù tì với 21 lần truyền hoá chất từ tháng 5/2012 - 1/2014. Tôi phải truyền một lúc bốn loại hoá chất trong đó có ba loại có bảo hiểm, một loại không. Sau sáu lần truyền, kiểm tra lại, kết quả cho thấy có tiến triển tốt. Các bác sĩ lại đổi phác đồ. Trong hai năm, tôi chạy bốn phác đồ khác nhau. Tới đầu năm 2014, bác sĩ cho biết, khối u ung thư của tôi đã ngừng phát triển, tôi cũng tạm dừng việc truyền hoá chất để cho tuỷ phục hồi.
"Quan niệm của tôi là chúng ta đang sống trong thời đại khoa học kỹ thuật nên phải tin tưởng vào khoa học. Bệnh của tôi không thể chữa khỏi, tôi phải sống chung với nó và vui vẻ chấp nhận số phận". Ảnh: Hoàng Anh |
-Sau khi ngừng việc truyền hoá chất, tình hình sức khoẻ của ông hiện nay thế nào?
- Từ đầu năm 2014, cứ hai tháng tôi tới kiểm tra định kỳ một lần. Đến tháng 3 vừa qua, kết quả cho thấy có hiện tượng xấu nhưng chưa nguy hiểm lắm. Bác sĩ cho tôi về nhà uống thuốc. Tới tháng 5, tôi bắt đầu thấy khó chịu, tới kiểm tra, bác sĩ cho biết, một bên phổi của tôi bị xẹp. Tuy khối u không phát triển nữa nhưng dịch vẫn tràn màng phổi, cao tới 10 phân và đã chuyển sang màu đỏ, tức là có cả máu. Sức khoẻ hiện tại chỉ còn 60% so với hai năm trước. Nếu có hồi phục, cũng chỉ được 70% là cao nhất.
Phác đồ hiện nay tôi đang dùng cũng khác so với trước đây và không có bảo hiểm. Tôi đã hoá trị thêm ba lần, số tiền mỗi lần thực hiện lên tới hơn 60 triệu. Nhưng khi đi kiểm tra hôm 1/8, so với kết quả của ngày 21/3, bệnh tình không có tiến triển. Tôi đang phải tính đợi hội chẩn của bệnh viện. Sau đó, sẽ lại đi tìm một cách khác, có thể sang Trung Quốc để bồi bổ, hỗ trợ cho điều trị bệnh bằng thuốc đông y.
- Trước khi các bác sĩ đưa ra kết luận ông bị ung thư giai đoạn cuối, tình hình sức khoẻ của ông thế nào?
- Khi phát hiện ra tôi bị tràn dịch và có khối u trong phổi, bác sĩ có hỏi tôi có khó thở, tức ngực không nhưng tôi không có bất kỳ dấu hiệu nào, thậm chí vẫn uống bia rượu bình thường. Phát hiện ra bệnh đều do vô tình. Hồi 4/2012, khi đóng phim trong Sài Gòn, tôi bị ngã trật bả vai. Sau khi ra Hà Nội để chuẩn bị theo đoàn phim Bí mật tam giác vàng, tôi đi khám sức khỏe để yên tâm hơn. Thực hiện xong việc chụp bả vai, không có vấn đề gì, tôi tranh thủ kiểm tra tim phổi vì sắp tới sẽ đi làm xa. Ban đầu, các bác sĩ nghi tôi bị lao, sau đó phát hiện bị tràn dịch màng phổi. Cuối cùng, khi chụp cắt lớp, họ phát hiện có khối u trong phổi và kết luận, tôi bị ung thư phổi giai đoạn cuối.
Sau khi phát hiện ra bệnh, tôi phải bỏ phim dù đã ký hợp đồng để tập trung chữa bệnh. Lúc đó, tôi không nói với đoàn làm phim về tình hình sức khỏe vì muốn xác định mức độ nguy hiểm của bệnh, biết đâu vài ba tháng sau mình đi rồi.
- Vậy lý do gì khiến ông nhận lời tham gia các dự án phim truyền hình dài tập như "Chạm tay vào nỗi nhớ" và "Bão qua làng" trong khi vẫn phải chiến đấu với căn bệnh quái ác?
- Tới năm 2012 đã là ba năm tôi không xuất hiện trên sóng VTV vì đi làm các phim không thuộc hãng phim truyền hình Việt Nam VFC. Tới bộ phim Chạm tay vào nỗi nhớ, đạo diễn Vũ Hồng Sơn có gọi cho tôi để hỏi thăm tình hình. Tôi cũng chia sẻ thẳng thắn, bản thân đang ốm như thế, đầu cũng cạo trọc lóc. Nhưng nhận được sự ủng hộ, động viên không chỉ của ê-kíp làm phim mà của cả gia đình, tôi lại tiếp tục đi đóng phim.
Đến Bão qua làng, khi đó, tôi được nghỉ truyền để tuỷ phục hồi trở lại nên đã nhận lời. Trong quá trình làm phim, anh em nghệ sĩ trong đoàn biết tôi bị bệnh nên rất quan tâm và tạo điều kiện, bảo tôi nghỉ ngơi sau mỗi cảnh quay. Dẫu vậy, sau khi thực hiện xong phim, tôi không thể tự lồng tiếng cho nhân vật của mình, dù trước đây, các vai diễn của mình, tôi đều tự làm việc này.
Hơn 700 ngày chống chọi với căn bệnh ung thư, trải qua 24 lần hoá trị khiến cơ thể mệt mỏi và sức khoẻ đi xuống song nghệ sĩ Duy Thanh vẫn cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Ông hiện đang tái ngộ khán giả truyền hình trong bộ phim về đề tài người nông dân có tên Bão qua làng, phát sóng trên kênh VTV1. |
- Những người thân trong gia đình phản ứng thế nào khi ông mang bạo bệnh nhưng vẫn ngày ngày tới phim trường?
- Hai năm qua, gia đình biết tôi bị bệnh, sợ tôi ở nhà mãi bí, nên vẫn động viên tôi đi đóng phim cho khuây khoả, thoải mái tư tưởng. Trong khoảng thời gian đóng Chạm tay vào nỗi nhớ, vì phải điều trị hoá trị và dùng đồ ăn riêng, không theo đoàn được, chính bà xã là người hàng ngày chuẩn bị cơm và mang tới cho tôi. Đến bây giờ, bà ấy vẫn bảo tôi, nếu anh cảm thấy đi được, chiều chiều anh cứ lấy xe đi cho thoải mái.
Bản thân tôi cũng luôn muốn làm nghề và cống hiến cho khán giả những vai diễn tốt hơn và hy vọng những người yêu mến sẽ tiếp tục chờ đón sự xuất hiện của tôi trong các bộ phim truyền hình. Nếu như có phim nào gần gần quanh Hà Nội hay đi xa nhưng trong ngày, tôi vẫn nhận lời để cảm thấy mình là người có ích, có thể làm việc được chứ không đến nỗi nằm bệt một chỗ. Tôi luôn muốn các đạo diễn đừng nghĩ tôi là người đã bỏ đi. Dù là phim ngắn, tôi cũng sẵn sàng tham gia để có thể để lại dấu ấn với khán giả, để người hâm mộ biết, tôi vẫn còn tồn tại.
Từng bị doạ đánh vì đóng vai ác quá
- Gây ấn tượng mạnh với khán giả truyền hình qua những vai diễn phản diện, từ đâu ông có được những chất liệu để lột tả được đúng chất của các nhân vật mưu mô, xảo quyệt?
- Tất cả mọi người đều nói, tiếp xúc với tôi ngoài đời, không thể nghĩ được tôi có thể hóa thân thành những nhân vật ác như vậy trên phim. Lúc đầu, chính tôi cũng không tin bản thân có thể đóng được tuýp nhân vật này, trước đó, tôi toàn đóng vai chính diện. Nhưng rồi từ nhân vật ông giám đốc phản diện đầu tiên trên sân khấu kịch, tôi liên tiếp vào vai những quan lớn nhưng bị biến chất.
Về việc tìm kiếm những chất liệu cho từng vai diễn, có thể chia sẻ thế này. Bài học đầu tiên của người diễn viên là tập trung chú ý, cảm thụ, phán đoán rồi mới hành động. Cái nghề của tôi nói vui là ăn cắp cái của người khác để biến thành cái của mình. Vì thế, đi đâu tôi cũng quan sát, nhận xét rồi chắt lọc và rút ra những kết luận để lại ở trong đầu. Đến khi gặp vai diễn tương tự, tôi sẽ có cái vốn để dùng. Thêm vào đó, tôi có mối quan hệ với những người lãnh đạo và cả những người bình dân. Việc tiếp xúc với mọi người ở nhiều hoàn cảnh, nhiều tầng lớp khác nhau giúp tôi dễ dàng trong việc quan sát và đúc rút kinh nhiệm.
- Nhân vật bí thư Đảng uỷ xã trong "Đất và người" và giám đốc lâm trường trong "Khi đàn chim trở về" bị khán giả ghét cay ghét đắng. Còn khi gặp ông ngoài đời, người hâm mộ phản ứng như thế nào?
- Đóng những vai phản diện này cũng có rất nhiều chuyện bi hài. Khán giả họ yêu mình nhưng họ ghét nhân vật trong phim. Năm 2005 khi tôi đi làm chương trình xuyên Việt có tên Mục tiêu thiên niên kỷ 8 trong vai trò đồng đạo diễn. Vào Đắc Lắc thực hiện mục tiêu tài nguyên nước, khi đến cửa rừng, những người họ cũng ngồi ở quán nước như mình chạy bổ xô ra cầm cả xẻng cả cuốc ra định đánh tôi. Họ bảo: “Trên này làm gì còn rừng? Ông định lên đây phá rừng hả?”, tôi ớ người ra không hiểu chuyện gì. Hoá ra là họ đùa, vì ấn tượng với vai diễn phản diện của tôi trong bộ phim Khi đàn chim trở về quá. Họ nói: "Ông đóng phim giỏi quá".
Hay như năm 2006, một buổi trưa tôi ngồi uống bia tại Ngọc Hà, vô tình gặp được hội người cao tuổi của Hải Dương đi thăm lăng Bác. Mọi người nhận ra tôi và xin chụp ảnh. Họ nói đùa, tôi mà về ứng cử ở Hải Dương, họ bầu cho tôi chức chủ tịch ngay.
Nghệ sĩ Duy Thanh (bên phải) trong phim Đất và người. |
- Ngoài vai trò diễn viên, ông cũng từng lấn sân sang lĩnh vực đạo diễn phim truyền hình. Tới nay, ông đã thực hiện vai trò mới như thế nào?
- Tôi không phải là người được đào tạo bài bản, không có bằng cấp nên không dám nhận mình là một đạo diễn. Tuy nhiên, việc từ một người diễn viên, chuyển sang đứng sau ống kính giúp tôi rất nhiều trong việc hướng dẫn cho diễn viên cách đóng. Trước đây, tôi hay làm việc cùng cố đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện. Bộ phim cuối cùng của bác Luyện có tên Miền đồi ấm áp là tôi đồng đạo diễn còn tôi chưa đứng tên riêng một bộ phim nào.
Khi đi làm phim, tôi là phó đạo diễn nên hay phải nắn chỉnh diễn viên. Thông thường các đạo diễn thường hỏi diễn viên thuộc lời chưa, còn tôi hỏi là có hiểu không. Bởi người hiểu họ nói khác người thuộc lòng. Người thuộc lòng nói từ cổ hắt ra không phải từ não chỉ đạo xuống. Tôi không yêu cầu thuộc mà yêu cầu hiểu. Phải hiểu mới biết nhấn, nhả từ thế nào, sắc mặt cần ra sao. Có những diễn viên trẻ, vừa quay xong, thoại một đoạn khoảng nửa trang, rất thuộc nhưng sau đó hỏi lại, chẳng biết gì. Giống như trẻ con học vẹt, xong là quên. Tôi luôn nói với các bạn trẻ là đừng chủ quan và đừng nghĩ, lên phim chỉ cần đẹp, cần hình thức. Đôi khi, người diễn viên còn phải làm xấu mình đi để tôn bạn diễn và để hợp với hoàn cảnh của phim, có như vậy, mới có thể chinh phục được khán giả và chạm tới thành công.
Theo Zing