- Xung quanh vấn đề đòi tiền tác quyền của nhạc sỹ Phó Đức Phương trong đêm nhạc Khánh Ly 2 (diễn ra tại trung tâm hội nghị Quốc gia Hà Nội), nhạc sỹ Trần Bình từng thẳng thắn cho rằng, cách làm việc của ông Phó Đức Phương "giống như kẻ đi đòi nợ thuê". Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Trước hết, tôi cho rằng việc tôn trọng, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan là hết sức cần thiết và theo đúng quy định của pháp luật!
Đây là quan hệ dân sự, vì vậy hai bên phải thỏa thuận, trao đổi, thống nhất với nhau để thực hiện đúng quy định của luật Dân sự và luật Sở hữu trí tuệ. Việc chủ sở hữu hay đại diện quản lý tác quyền yêu cầu đơn vị sử dụng thanh toán tiền tác quyền cũng phải thực hiện dựa trên quy định của pháp luật.
Cả hai bên nên có ý thức thực hiện đúng quy định, không nên sử dụng các hình thức không phù hợp, gây nên những mâu thuẫn không đáng có, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.
- Dư luận cho rằng, cách đi đòi tiền tác quyền của ông Phó Đức Phương rất phản cảm. Ông đánh giá hành vi này như thế nào?
- Về nguyên tắc, khi hai bên đã gặp nhau để trao đổi về vấn đề tiền tác quyền, nếu như không đạt được thỏa thuận như mong muốn thì có thể sử dụng các hình thức khác, nhưng phải đúng với quy định của pháp luật như khởi kiện ra tòa án dân sự...
Ông Lê Minh Tuấn
- Quy định về việc thanh toán tiền tác quyền ở VCPMC hiện nay như thế nào?
- Hiện nay, việc thu tiền tác quyền được thực hiện dựa trên Nghị định 61. Tuy nhiên, VCPMC đang áp dụng chưa đúng quy định của pháp luật. Theo đó, Nghị định 61 quy định rất rõ ràng về việc thanh toán tiền nhuận bút cho tất cả các thành phần sáng tạo, bao gồm cả đạo diễn, biên đạo, người biểu diễn, nhạc sỹ sáng tác, nhạc sỹ phối khí... Việc áp dụng cách tính trên doanh thu cần được hiểu và thực hiện trên cơ sở doanh thu thực tế mà đơn vị tổ chức thu được thông qua bán vé hoặc tài trợ. Việc cứ tính số ghế để áp % thu tiền tác quyền là chưa đúng với quy định của Nghị định 61.
Nghị định 61 cũng quy định nguyên tắc chi trả tiền nhuận bút, ngoài tiền tác quyền, các bên phải thực hiện đúng nguyên tắc trên cơ sở tôn trọng lợi ích công chúng, lợi ích xã hội, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội của đất nước cũng như khả năng kinh tế, hoạt động thực tế của đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật.
- Chúng ta phải làm gì để thực hiện đúng quy định này?
- Như tôi đã khẳng định, đây là quan hệ dân sự, các bên phải tôn trọng và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Giữa trung tâm bản quyền tác giả - đại diện cho nhạc sỹ sáng tác và các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật - đơn vị sử dụng tác phẩm cần phải có sự thống nhất chính xác về mức thu, cách thức thu cho mỗi chương trình biểu diễn nghệ thuật.
- Công ty Đồng Dao (đơn vị tổ chức hai đêm nhạc Khánh Ly vừa qua) phản ứng rất gay gắt về cách thu tiền của trung tâm bản quyền. Theo ông, với những khúc mắc của công ty Đồng Dao, đơn vị này có nên khởi kiện không?
- Hiện nay, đơn vị tổ chức đêm nhạc Khánh Ly cùng các đơn vị liên quan đã có văn bản báo cáo với cơ quan chức năng về việc thực hiện vấn đề tác quyền. Hai bên hiện chưa thống nhất được với nhau về cách thức cũng như mức thu tiền tác quyền, vì vậy, theo tôi hai bên nên tiếp tục ngồi lại bàn bạc, trao đổi với nhau để đưa ra hình thức phù hợp nhất. Việc khởi kiện ra tòa các vụ án dân sự là quyền lợi chính đáng của tất cả các bên.
- Nếu đơn vị tổ chức không thỏa thuận được với trung tâm bản quyền, quay sang thỏa thuận với gia đình nhạc sỹ hoặc thỏa thuận trực tiếp với nhạc sỹ thì điều đó có vi phạm quy định pháp luật hay không, khi nhạc sỹ đã ký ủy quyền cho trung tâm bản quyền?
- Việc tác giả đã ký ủy quyền cho trung tâm nhưng lại làm việc trực tiếp với người sử dụng tác phẩm hoàn toàn thuộc quyền quyết định của tác giả - người sở hữu tác phẩm.
- Một số ý kiến cho rằng, công tác cấp phép của chúng ta hiện nay đang làm ngược: Cấp phép trước rồi mới thực hiện quyền tác quyền. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Chúng ta không thể biến quan hệ dân sự thành quan hệ hành chính được, vì vấn đề tác quyền được thực hiện dựa trên quy định của luật Dân sự, vấn đề cấp phép các chương trình biểu diễn nghệ thuật thuộc về quy định thủ tục hành chính Nhà nước, quản lý nội dung đối với các chương trình nghệ thuật.
Ca sĩ Khánh Ly
- Nhạc sỹ Phó Đức Phương cho rằng, công tác cấp phép của chúng ta đôi khi còn quá dễ dãi, nên các đơn vị sử dụng tác phẩm thường “lách luật” bằng cách sau khi xin được giấy phép, họ sẽ thỏa thuận với gia đình các nhạc sỹ chứ không thông qua trung tâm bản quyền tác giả. Ông nghĩ gì về điều này?
- Hiện nay, các cơ quan quản lý nghệ thuật đang thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Tôi đề nghị Trung tâm bản quyền tác giả, khi phát hiện trường hợp vi phạm hãy khởi kiện các vụ án dân sự về quyền tác giả, yêu cầu bồi thường thiệt hại, như thế chúng ta sẽ có "trọng tài" phân giải hợp pháp.
- Thời gian gần đây, cục Nghệ thuật Biểu diễn có nhận được nhiều phản ánh về việc thực hiện quyền tác quyền chưa đúng không?
- Cục có nhận được một số văn bản thông báo của trung tâm bản quyền tác giả về một số chương trình nghệ thuật chưa thực hiện tác quyền. Cục nghệ thuật biểu diễn luôn luôn có văn bản nhắc nhở các đơn vị tôn trọng và thực hiện nghiêm quy định về quyền tác giả và các quyền liên quan.
- Nếu các đơn vị không trả tiền tác quyền nhưng vẫn sử dụng tác phẩm thì cơ quan nào sẽ xử lý sai phạm đó?
- Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, tôi cũng đề nghị trung tâm bản quyền nên khởi kiện ra tòa án dân sự, đòi lại quyền lợi hợp pháp. Hiện nay, đang xảy ra tình trạng, bên đại diện chủ sở hữu tác quyền luôn muốn thu được mức phí cao, bên sử dụng tác phẩm lại muốn mức phí phù hợp theo đúng ý họ. Vì vậy, tôi cho rằng, cần phải có khung biểu giá rõ ràng cho việc thực hiện tác quyền để giải quyết vấn đề thuận lợi, dễ dàng hơn.
- Nhiều người cho rằng, nhạc sỹ Phó Đức Phương có tư lợi nên mới làm việc cảm tính như vậy. Ông thấy sao?
- Tôi không đánh giá về vấn đề này, nhưng tất cả mọi việc đều phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Nguoiduatin