Thúy Nga: Cuộc đời tôi nước mắt nhiều hơn nụ cười

Thứ tư, 19/11/2014, 09:59
“Cho đến hôm nay, tiếng cười tôi mang đến cho khán giả không biết cân nặng bao nhiêu, cũng không thế đếm được mấy trăm ngàn nụ cười. Nhưng nước mắt của tôi có thể làm đầy hồ bơi nhỏ để cho con gái tập bơi trong đó.” - Nghệ sĩ hài Thúy Nga chia sẻ.

Được chọn để “chọc cười” như là duyên nghiệp

- Nghĩ về Thúy Nga, người ta chỉ thấy nụ cười. Vì trên màn ảnh hay sân khấu, chị ít đóng vai bi. Thực ra thì chị nghĩ, vì sao mình được chọn để đóng những vai chọc cười khán giả?

Tôi nghĩ đó là do duyên số, do cha mẹ sinh ra và do ông trời sắp đặt. Đó là nghiệp, là duyên nợ của mình chứ không phải do mình chọn lựa.

Ngay từ bé, được làm cho người khác vui là điều tôi cảm thấy hạnh phúc. Đến tuổi trưởng thành, khi tôi chưa biết làm gì, hầu hết mọi người  khuyên tôi nên làm nghệ thuật, và làm nghệ sĩ hài, có lẽ họ thấy tôi bộc lộ năng khiếu rất rõ rệt. Tới lúc này tôi vẫn nghĩ mình chỉ có thể làm diễn viên hài chứ không thể làm gì khác.

Danh hài Thúy Nga

- Chị có biết, khi chị đăng ký thi Hoa hậu Phu nhân Người Việt, ai cũng biết chị chỉ cao 1,6m, nhưng không ai chê bai, họ chỉ cười. Chị có vui không, khi khán giả nghĩ về chị cũng luôn không bao giờ rơi nước mắt?!

"Nhiều khán giả gặp tôi hay hỏi: “Nghệ sĩ hài chắc là vui lắm, không bao giờ phải khóc, phải buồn?”. Tôi nghe chỉ biết cười hề hề cho xong"

Làm gì được 1,6m, đó là ghi thêm đó, tôi chỉ cao 1,57m thôi à. Thực ra đi hoa hậu cũng là do tôi cố tình muốn gây bất ngờ để mọi người cười. Cũng qua cuộc thi đó, tôi nhìn thấy rõ hơn nhiều nụ cười khác nhau. Có nụ cười thích thú, bất ngờ, có nụ cười trề môi, có nụ cười mỉa mai, còn riêng mình, tôi tự bật cười bản thân đến mấy ngày. Cũng nhờ cuộc thi ấy, tôi biết người nào thương, người nào ghét mình.

Nhưng tham gia cuộc thi hoa hậu tôi nghĩ mình làm được một việc thú vị là, giúp nhiều cô gái hiểu rằng, không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp. Đời tôi chưa bao giờ có những giây phút trang điểm chỉn chu, mặc những bộ đồ cực kỳ đàn bà, cực kỳ quyến rũ như vậy. Sau danh hiệu đó, tôi chịu khó sửa soạn mình hơn. Tất nhiên, tôi chỉ cố được sáu tháng, vì không sống bằng bản chất của mình thì... rất mệt. Nên bây giờ tôi trở về với hình ảnh thật của mình.

- Cứ phải cười hoài bằng “gương mặt công chúng” ấy, vậy cuộc đời thật của Thúy Nga thì sao? Nước mắt hay nụ cười nhiều hơn?

Nhiều khán giả gặp tôi hay hỏi: “Nghệ sĩ hài chắc là vui lắm, không bao giờ phải khóc, phải buồn?”. Tôi nghe chỉ biết cười hề hề cho xong. Thực tế khóc hay không chỉ bản thân mình biết.

Tôi nghĩ, có lẽ hình ảnh của nghệ sĩ hài gắn với khán giả toàn niềm vui, nên những khi buồn họ rất khó chia sẻ. Vì thế, nỗi buồn của tôi là nỗi buồn... tự kỷ.

Cuộc đời thật của tôi nước mắt nhiều hơn nụ cười, nhưng lên sân khấu, luôn phải nuốt nước mắt vào trong. Cho đến hôm nay, nụ cười tôi đã mang đến với khán giả không biết cân nặng bao nhiêu, cũng không thể đếm được mấy trăm ngàn tiếng cười. Nhưng nước mắt đời mình, tôi nghĩ đủ làm đầy hồ nhỏ cho con gái mình có thể tập bơi trong đó.

- Chị giấu nuớc mắt bằng cách nào cho những quãng đời phải khóc của mình?

Tôi thường khóc một mình, khi không còn ai bên cạnh, và thường chờ tới lúc mọi người đều đã ngủ.

- Đã khi nào, trên sân khấu, chị đóng vai khóc, mà là đang khóc thật? Hoặc đã bao giờ chị khóc thật mà người ta nghĩ chị đang diễn hài không?

Trên sân khấu, đã khóc là phải khóc thật, phải hòa vào nhân vật để khóc. Đó là cảm xúc từ nhân vật chứ không thể nào lục lọi, tìm nỗi đau thật của mình để khóc. Khi diễn kịch, nếu mình khóc vì tình yêu, thì không thể cố tìm nỗi đau mất ông, mất bà để khóc. Hai nỗi đau đó hoàn toàn khác nhau, làm sao có thể trà trộn hai tiếng khóc đó. Còn những khoảnh khắc phải khóc thật ngoài đời thì chỉ mình tôi biết thôi... Nên chưa bao giờ tôi khóc thật mà người ta nghĩ tôi đang diễn hài. 

"Cuộc đời này không có gì tuyệt đối 100%, cái gọi là  '100%' tôi chỉ thấy trên bàn nhậu, khi các ông hô: 'Zô 100%'. Tôi chỉ mong đời mình và bạn bè mình được hạnh phúc, dù là hạnh phúc đến muộn."

Đồng nghiệp quanh mình, hiếm lắm mới có người hạnh phúc

- Khổ nhất là khi phải “cười ra nước mắt”. Chị có lúc nào phải vậy?

Đó là khi vừa ra trường được một năm. Lần đầu tiên được diễn trên sân khấu cùng với các anh chị nổi tiếng, lại diễn vai hài chính. Khi đang diễn thì nghe tin mẹ bị tai nạn ở quê. Lúc đó, trong lòng đang khóc mà vẫn phải diễn cho tròn vai, vẫn phải khiến cho khán giả cười như thường, rồi mới trở về với mẹ. Mẹ tôi khi ấy bị tai nạn chấn thương não, phải mấy ngày sau mẹ mới hồi tỉnh, và mất cả năm sau mới hồi phục. Khoảnh khắc “cười ra nước mắt” đó tôi nghĩ mình mãi không quên được.

- Bây giờ, khi chị khóc, ai là người an ủi?

Khi tôi buồn, không may rơi nước mắt, con gái nhìn thấy sẽ chạy đến bên đùa giỡn, vỗ về, làm trò này, trò kia cho mẹ cười. Con gái tôi rất nhạy cảm với trạng thái tinh thần của mẹ, con bé rất tự nhiên, luôn biết cách kéo mẹ ra khỏi nỗi buồn.

Tôi tuy vậy cũng không chỉ có toàn nước mắt đau buồn. Tôi cũng có rất nhiều giây phúc hạnh phúc riêng tư. Chẳng hạn khi cả gia đình bên nhau, có mẹ, có em trai, chúng tôi lại nói về những kỷ niệm, và khi ấy mình thường vừa cười, vừa khóc. Hoặc là khi nhận được một giải thưởng nào đó trong nghề diễn, tôi thường vì quá xúc động mà khóc. Mà lần nào như vậy tôi cũng khóc cả, thành ra, đồng nghiệp hay đùa: “Đừng trao giải thưởng cho con Nga, nó lên sân khấu hay vừa cười vừa khóc lắm”.

- Chị này, nếu nhìn những đồng nghiệp nghệ sĩ hài xung quanh, chị thấy đa phần họ hạnh phúc hay không hạnh phúc?

- Người ta luôn nói, được cái này thì mất cái khác, có lẽ đó cũng là sự cân bằng của số phận. Nhìn đồng nghiệp xung quanh, tôi thấy hiếm hoi lắm mới thấy một người có cuộc đời hạnh phúc trọn vẹn, số không hạnh phúc trọn vẹn thì rất nhiều. Sự hạnh phúc thì luôn giống nhau, nhưng bất hạnh lại muôn hình vạn trạng. Có người vấp váp, có người gãy đổ, có người cô độc chẳng có giây phút hạnh phúc nào. Cuộc đời này không có gì tuyệt đối 100%, cái gọi là  “100%” tôi chỉ thấy trên bàn nhậu, khi các ông hô: “Zô 100%”. Tôi chỉ mong đời mình và bạn bè mình hạnh phúc, dù là hạnh phúc đến muộn.

- Chị nghĩ sao về câu nói này: “Đàn bà dại dột sử dụng nước mắt vô tội vạ khiến bản thân cô ta trở thành nhão nhoét. Đàn bà thông minh biến nước mắt thành vũ khí lợi hại”?

Nước mắt là vũ khí lợi hại, nếu phụ nữ biết khóc trước đàn ông thì thường...có lợi. Tôi biết nhiều phụ nữ chẳng cần làm gì kinh khủng, chỉ cần sử dụng vũ khí “nước mắt” mà đạt được mục đích. Tôi thì lại thiếu loại vũ khí ấy... mới buồn.

Đàn bà mè nheo và thích dùng nước mắt để kêu than, đến phụ nữ mình còn sợ, thì đàn ông tất nhiên là không chịu nổi. Còn kiểu đàn bà biết biến nước mắt thành vũ khí thì đáng để học đấy, nhưng tôi tin, người phụ nữ vậy thường rất ghê gớm, nếu không muốn nói là cực kỳ thủ đoạn. Song, phải cẩn thận, kẻo một ngày thứ vũ khí đó sẽ chống lại họ. Vậy nên, chỉ có sự chân thành mới lay động được lòng người.

Tôi chỉ biết rằng, cả hai kiểu đàn bà nói trên đều không làm nghệ sĩ được. Và tôi hiểu vì sao mình là nghệ sĩ. Vì tôi nằm ở trung gian, là kiểu người của nửa người đàn bà này và nửa người đàn bà kia cộng lại.

- Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Theo Đẹp

Các tin cũ hơn