Tuấn Ngọc: Tôi không có tuổi trẻ

Thứ năm, 21/04/2016, 08:37
Tuấn Ngọc sẽ cùng hai em gái là Khánh Hà và Lưu Bích xuất hiện trong đêm Gala Vàng son một thuở (24/4, Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội) với liên khúc của Vũ Thành An.
Danh ca Tuấn Ngọc ở Hà Nội.

Hai cô em nằm trong số ca sĩ hiếm hoi được nhận vào trường nhạc tại gia của “thầy” Tuấn Ngọc. Nói chung về cách hát, Tuấn Ngọc có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng lên một số đàn em nhưng cách ông nói chuyện trên sân khấu, khó ai bắt chước.

Danh hiệu nói hay nhất trong giới ca sĩ, anh quyết không nhường cho ai?

Cái này không biết khen hay chê. Giống tôi đang bước lên sân khấu có người gọi: “Anh ơi nhớ nói chuyện nhiều chút nhe, thích nghe anh nói chuyện”. Mình là ca sĩ lại bảo mình nói chuyện. (cười)

Cuộc đời tôi làm gì cũng không tính trước. Chẳng hạn có bao giờ tôi nghĩ mình hát nhạc Việt mà nổi tiếng đâu. Vì suốt đời tôi thích nhạc Mỹ, chỉ hát nhạc Mỹ. Tự nhiên trung tâm Diễm Xưa mời tôi hát nhạc Việt. Vì người ta nghĩ hát nhạc Mỹ hay thì chắc hát nhạc Việt cũng hay. Chứ tôi ở Hawaii làm 5 năm với ban nhạc Mỹ cho người Mỹ nghe không, hát trong khách sạn lớn như Park Hyatt, Sheraton, Hilton. Nên tôi mới đổi tên thành tên Mỹ, vì khi gặp cứ phải giới thiệu Tuấn, đánh vần mệt.

Hay là nói chuyện. Ngày xưa tôi đâu có nói, mình nghe thích hơn. Nhưng khi đi hát, không nói không được. Đứng trên sân khấu mình đâu có thể giới thiệu hết bài này đến bài kia. Bổn phận đến gần khán giả bắt mình phải nói. Năm 1990 ở Hawaii về, quyết định hát nhạc Việt lại, Khánh Ly còn nói tôi là câm à, chọc tôi trên sân khấu vậy mà tôi vẫn không dám nói... Tôi không tưởng tượng một ngày người ta khen tôi nói chuyện có duyên trên sân khấu.

Đời anh chắc gặp nhiều fan cuồng?

Khi người ta thương mình, mình không thể tưởng tượng được. Người ta thương mình hơn là mình thương mình nữa. Thành ra lúc nào mình cũng phải cố gắng đừng phụ lòng người ta. Người ta càng thương, mình càng khổ đấy. Phải chi người ta thương mình ít ít, mình thoải mái hơn.

Có doanh nhân vợ con gia đình đang hoàng mà ra Hà Nội mướn khách sạn ở một mình đi nghe tôi hát 3 đêm xong đi về. Ví dụ vậy, tôi có làm được chuyện đó cho ai đâu. Fan cuồng nữ chắc chẳng có ai đâu. Quên mất rồi... Không phải né nhưng tôi là người có gia đình rồi, có cuồng hay gì đó thì cũng chỉ gặp nhau bắt tay chào hỏi chụp hình rồi đi chứ làm gì bây giờ. Với tôi, ca sĩ nổi tiếng có fan cuồng là điều bình thường, không có gì đặc biệt.

Sao anh không truyền ít kinh nghiệm giao lưu cho Khánh Hà. Thấy chị ấy có vẻ hơi bị căng thẳng trên sân khấu?

Tôi cũng có nói Hà. Nhưng cái cảm xúc của Hà không chỉ huy được. Khi mình nhìn xuống dưới người ta ngồi đầy là mình run rồi. Sau đó tôi mới nghĩ cách “bắt” một người trong đó thôi ngồi đối diện nói chuyện, tôi đâu sợ đâu. Anh đến trong lĩnh vực của tôi mà. Tại sao tôi lại sợ, nhưng vì anh ngồi với 900 người nữa là tôi sợ. Thoải mái từ từ rồi mình quen. Cách tốt nhất mình tự nhiên, là mình thôi, chứ đừng lên sân khấu đổi thành con người khác. Cái đó đối với tôi là thất bại đầu tiên rồi đó. Tôi đâu có đi học nói chuyện với ai đâu nhưng tôi thấy mình phải là mình. Khi mình là mình, mình thoải mái. Tôi nói như vậy, Hà cũng đang tập. Tôi hy vọng càng ngày càng khá hơn.

Hai anh chị học chung trường?

Trường của tôi thôi. Mà trường của tôi là từ đĩa. Những gì tinh hoa nhất tác giả dồn vào sách, thành ra mình học hay nhất là từ sách. Còn hát, cái hay nhất ca sĩ thể hiện cả ở trong đĩa. Thành ra tôi mang ơn tất cả những ca sĩ (tôi từng nghe). Chẳng hạn bây giờ tôi hát có người bắt chước tôi, tôi cũng như thầy người ta. Nhưng tôi khuyên các ca sĩ trẻ không nên học như con vẹt. Đó không phải nghệ thuật. Nghệ thuật là can đảm. Bước đầu mình nghe, mình tập càng nhiều càng tốt nhưng phải biết lúc nào có hướng đi riêng và mình phải dám can đảm mình đi.

Khán giả tò mò không biết khi toàn gia là ca sĩ như nhà anh, gặp nhau thì thế nào?

Anh em nhà tôi rất thân mật. Gặp nhau nói chuyện tếu đủ thứ hết. Nhưng tôi có cái khi vào công việc, không còn yếu tố gia đình nữa. Lên sân khấu, vì mình lấy tiền của khán giả mình phải làm công việc của mình cho đàng hoàng. Hồi xưa tôi đối xử với em tôi trên sân khấu nghĩ lại cũng không đúng. Mình nghiêm quá không nên, làm người ta không thoải mái. Bù lại có kỷ luật cũng là điều tốt. Giờ lớn mình thấy bố mẹ độc tài với con cái cũng có cái tốt chứ không phải không. Dù sự suy nghĩ nó bị giới hạn nhưng bù lại nó... ngoan.

Nhà anh hai đời làm nhạc, đến đời cháu thì sao?

Chấm dứt.

Anh thấy thế là may hay không?

Tôi thấy không may. Vì tôi yêu nhạc. Với tôi may mắn lắm mới làm một nghệ sĩ. Âm nhạc, hội họa hay văn chương làm cho con người thanh thoát, an ủi mình những lúc yếu đuối. Chẳng hạn cuộc đời tôi không có tuổi trẻ, không có bạn, nhưng tôi rất hạnh phúc vì thế giới của tôi từ nhỏ là âm nhạc. Tôi không thấy cô đơn một phút nào.

Con tôi không được may mắn như tôi. Lớn lên phải lo đi học cái nghề, học 4-5 năm ra thấy không hợp lại đi kiếm nghề khác, có phải là bất hạnh không. Trong khi từ nhỏ tới lớn tôi chỉ có một con đường. May mắn già tới tuổi này lại có người nghe, tổ chức hỗ trợ còn gì bằng. Nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống hơn nhiều người, nhất là hạnh phúc về âm nhạc. Đối với tôi không có tuổi trẻ đâu có sao.

Không có tuổi trẻ nghe cứ...ghê ghê?!

Tuổi trẻ của tôi với âm nhạc thì có nhiều. Hồi trẻ chưa phải đi làm thì mình hồn nhiên, có bạn gái, bạn trai, mình đi tìm những gì hợp với tuổi mình lúc đó... Thì tôi không có nhưng tôi lại có âm nhạc, tôi nói chuyện với âm nhạc. Âm nhạc đẹp lắm. Tôi vẫn học về âm nhạc (hòa âm gì đó), thành ra một bài hát có thể năm nay mình thấy nó hay một, năm sau mình thấy ba.

Nghề ca sĩ cũng vậy, tới bây giờ tôi vẫn phải học. Cho nên năm sau tôi nghe ông Frank Sinatra hát bài đó lại thấy hay hơn năm trước - cách ông phiêu, nhả chữ, chọn nhịp. Hạnh phúc lắm, đâu có thì giờ để buồn. Các con tôi không vào nghề này, tôi buồn nhưng không có nghĩa chỉ có nghề này mới đem đến hạnh phúc. Ý tôi là nếu con tôi chọn âm nhạc thì tôi vui hơn.

Trong một buổi gặp gỡ báo giới ở Hà Nội, anh từng khuyên mọi người đừng đẻ con. Tại sao vậy?

Tôi không hối tiếc đã có con, vì tôi yêu con tôi nhất. Nhưng tôi biết có con là khổ. Cứ ràng buộc là khổ. Mai anh mua thêm con chó, trồng thêm cây cảnh là đã mang cái khổ vào mình, nhất là con lại kéo dài cái đau khổ triền miên. Tôi theo đạo Phật, tôi khuyên con đừng có con. Có hai cô nghe lời.

Con cái lớn hết đâu ở chung với mình nữa. Tự nhiên bà vợ lăn ra chết, mình cũng một mình vậy. Đâu có nghĩa là lấy vợ lấy chồng sẽ bảo đảm mình không cô đơn đâu. Đâu có nghĩa không có con là sướng hay có con là sướng, mình phải biết mình muốn gì thôi.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn