- Vì sao Dustin Nguyễn và Bebe Phạm không có mặt ở sự kiện Cánh diều 2015 để nhận giải cho "Trúng số"?
- Đúng buổi tối trao giải Cánh diều 2015 (20/4), tôi bận ở Bangkok, Thái Lan để làm hậu kỳ cho bộ phim Bao giờ có yêu nhau. Khi biết tin Trúng số thắng giải, tôi đã lập tức thực hiện một video ngắn nói rõ lý do vắng mặt và gửi về cho ban tổ chức, nhưng không hiểu sao nó không được phát sóng.
Có giải là vậy, nhưng xem ra tôi không “có duyên” với sự kiện Cánh diều cho lắm. Lần trước giành chiến thắng với phim Huyền thoại bất tử tôi lại đang ở Mỹ bận công việc nên không có mặt. Phải mãi hai, ba ngày sau sự kiện, anh Phước Sang gọi điện thông báo thì mới biết tin vui.
Bộ phim Trúng số mới thắng giải Cánh diều vàng hồi tuần trước. Tác phẩm do Dustin Nguyễn làm đạo diễn kiêm vai nam phụ. Ảnh: CGV |
- Trở lại mùa Tết 2015, khi ‘Trúng số’ phát hành trailer đầu tiên, nhiều người cho rằng đây là phim hài nhảm. Nhưng rồi tác phẩm được báo chí khen ngợi, trở thành đại diện của Việt Nam dự tranh Oscar 2016, và nay thắng giải Cánh diều. Cảm giác của anh ra sao?
- Thực sự là rất hài lòng. Tôi hay gọi vui Trúng số là “đứa con ghẻ”, từ lúc chạy tiền đầu tư cho tới khi kiếm nhà phát hành. Khi đọc kịch bản, nhiều người ái ngại: Tại sao lại chọn phim này? Làm sao kiếm được tiền? Chuyện phim nhà quê quá, giờ khán giả chỉ thích xem hot boy, hot girl thôi… Nghe xong ngần ấy ý kiến, tôi cũng thấy lo lắng.
Kịch bản Trúng số có thể không hấp dẫn, nhưng nó gây ra cho tôi cảm xúc đặc biệt. Chuyến hành trình ra rạp của phim rất khó khăn. Đến đêm Trúng số ra mắt tại TP.HCM, mọi chuyện xoay chuyển hoàn toàn. Khán giả, báo chí, người trong nghề đều đón nhận bộ phim, khiến tôi vô cùng hạnh phúc. Bài học mà tôi rút ra lúc này là hãy biết nghe theo bản năng và linh cảm của bản thân.
- 'Trúng số’ quay mất 17 ngày, có hôm cả đoàn chỉ được ngủ hai tiếng, còn thời tiết thì không ủng hộ. Anh là đạo diễn kiêm diễn viên, vợ anh - Bebe Phạm là nhà sản xuất bộ phim. Hai người cùng nhau vượt qua quãng thời gian khó khăn đó như thế nào?
- Điều giúp tất cả vượt qua chính là tình cảm mà mọi người dành cho kịch bản. Lòng tốt của nhân vật Lành trong phim đã truyền cảm hứng cho toàn bộ anh em, còn tôi thì cố gắng lèo lái tất cả vượt qua khó khăn.
Đây là phim đầu tiên của Bebe Phạm trên cương vị nhà sản xuất. Dự án không có kinh phí quá cao nên chuyện tiền bạc cũng không phải là áp lực gì lớn lao. Nhiều lúc chúng tôi nghĩ làm Trúng số hoàn toàn không phải vì tiền.
- Vậy còn những mâu thuẫn của hai anh chị khi khối lượng công việc nhiều đến mức phải hoãn cưới để làm phim?
- Mâu thuẫn cũng chỉ xảy ra vài lần thôi, chủ yếu bởi số lượng phân cảnh lớn, mà thời gian quay phim lại quá ngắn. Chẳng hạn như có lần quay một cảnh cánh đồng, và sau đó phải lập tức quay cảnh buổi tối ở nhà Út Thơm. Không ai muốn để anh em phải làm việc tới 20 tiếng mỗi ngày nên mọi chuyện cần phải nhanh gọn, dứt khoát.
Nhưng khi mới xong cảnh cánh đồng thì tôi thấy có đàn vịt chạy qua, lập tức muốn quay cảnh Lan Ngọc đi xe đạp qua chỗ chúng. Khi ấy là hoàng hôn, ánh sáng rất đẹp, nên tôi không muốn bỏ qua cơ hội ấy. Thế rồi tôi loay hoay quay đám vịt mất hơn hai tiếng đồng hồ, khiến Bebe thực sự tức giận bởi lịch quay bị lố.
Rốt cuộc chúng tôi không nói chuyện với nhau suốt ba ngày liền. Tôi bèn phải xoa dịu bà xã rằng mất hai tiếng chỗ này thì sẽ cố bù đắp ở nơi khác. Giữa vợ chồng tôi có nguyên tắc rằng nếu xảy ra mâu thuẫn, cách giải quyết không phải để “anh đúng, em sai” hoặc ngược lại, mà phải là làm thế nào tốt nhất cho bộ phim.
- Trong ‘Trúng số’ có sự xuất hiện một số nhân vật trẻ em thiệt thòi, phải đi bán vé số. Là cha của hai cô con gái, anh nghĩ sao khi thực hiện những cảnh này?
- Khi nghiên cứu đề tài số phận những người bán vé số, tôi được chứng kiến cảnh nhiều đứa trẻ vất vả mỗi ngày. Là một người cha, tôi thấy khó nhìn lắm. Không chỉ có những đứa trẻ bán vé số, mà bất cứ đứa trẻ nào không may mắn, tôi đều đau đớn lắm mà chẳng biết giải quyết thế nào.
Tôi rất thích làm việc với các diễn viên trẻ như bé Ben. Lúc chọn bé Ben cho Trúng số, có nhiều đứa trẻ trong xóm đó cũng bán vé số. Tôi đã nghiên cứu, quan sát cách người dân ở đó nói chuyện, sinh sống, ăn mặc…
Tôi có gần gũi, đi theo một số bé mà chưa bao giờ thấy máy quay trong đời. Tôi vốn rất quý trẻ em và muốn làm một phim về những đứa trẻ có cuộc sống cơ cực, khó khăn trong tương lai. Chỉ tiếc là tới giờ vẫn chưa có được kịch bản phù hợp.
- Giờ thì anh đã sắp hoàn thành "Bao giờ có yêu nhau". Dự án điện ảnh mới gặp những khó khăn như thế nào?
- Mỗi bộ phim là một chuyến hành trình, không bao giờ dễ dàng. Ban đầu, tôi đọc kịch bản Bao giờ có yêu nhau, thấy nó khá nhỏ, ít nhân vật, chắc không quá khó khăn. Nhưng thực ra không phải như vậy. Đây là tác phẩm thuộc dòng tình cảm liêu trai, tức có đề tài rất khác so với những gì tôi từng làm.
Tôi thấy lâu rồi điện ảnh Việt Nam chưa có phim nào giống như vậy nên sẵn sàng bắt tay thực hiện. Rồi khi sáng tạo, từ một phim nhỏ, dự án biến thành phim “không nhỏ lắm”, bởi tới hơn 70 cảnh cần sự can thiệp của kỹ xảo điện ảnh. Điều đó khiến cả bên nhà sản xuất cũng phải bất ngờ bởi số tiền đầu tư buộc phải cần nhiều hơn nữa.
Bao giờ có yêu nhau chỉ có đúng hai nhân vật chính. Ban đầu, tôi cứ tưởng mọi chuyện sẽ gọn gàng, thuận lợi. Nhưng số lượng nhân vật ít ỏi khiến người đạo diễn phải “sống chết” với hai diễn viên chính. Thử thách chính là nằm ở chỗ phải tìm ra hai người diễn viên phù hợp.
Hai vợ chồng Dustin Nguyễn - Bebe Phạm trong buổi giới thiệu bộ phim Bao giờ có yêu nhau tại TP.HCM hôm 25/4. Ảnh: Bá Ngọc |
- Anh nói ‘Trúng số’ không đặt nặng về mặt doanh thu. Vậy còn ‘Bao giờ có yêu nhau’ thì sao, nhất là khi phim ra mắt giữa mùa hè bom tấn?
- Tôi không muốn người ta hiểu lầm rằng mình không quan tâm đến doanh thu, bởi đây trước sau gì cũng là việc kinh doanh. Nếu phim cứ lỗ suốt, thì còn ai đem tiền đến cho mình làm phim nữa, bản thân người đạo diễn cũng không thể vui được.
Tôi không quan trọng “đứa con tinh thần” phải phá kỷ lục doanh thu, hay lãi gấp ba lần. Nói thật nhé, chỉ cần phim không lỗ là tôi vui rồi. Quan trọng là sau này, khi xem lại phim của mình làm ra, tôi không thấy xấu hổ là được.
Nhà sản xuất đã cho tôi rất nhiều lời khuyên về thời điểm phát hành Bao giờ có yêu nhau. Nhưng quá trình xử lý hậu kỳ cần rất nhiều thời gian nên phim cứ thế bị trì hoãn, từ tháng 3, tháng 4 và giờ là ngày 12/5.
Nếu không tung tác phẩm ra vào thời điểm này, chúng tôi sẽ phải chờ tới tận cuối hè, hay thậm chí là tháng 9. Tôi tự tin là Bao giờ có yêu nhauhoàn toàn có thể đứng riêng bởi nó sở hữu màu sắc khác biệt, không bị lẫn lộn với các bom tấn Hollywood.
- Vậy còn những áp lực khác ngoài mặt doanh thu?
- Vì kinh tế là một áp lực rất lớn nên nhà sản xuất luôn luôn hỏi tôi xem mình định chọn ai. Tôi biết là mình cần hai diễn viên giỏi, nhưng liệu họ có đảm bảo về mặt doanh thu, chiều lòng được nhà sản xuất không lại là câu chuyện khác.
Phía sản xuất cũng cho tôi một vài cái tên trẻ, có sức hút. Nhưng tới 80% số đó tôi thấy không hợp vai, 20% còn lại bị vướng lịch và không thể cộng tác.
Người đạo diễn cần biết lắng nghe nhà đầu tư, nhưng không thể chiều ý họ mà ra một sản phẩm không tốt. Điều quan trọng nhất là người được chọn phải hợp vai, thậm chí là ăn rơ với nhau bởi chuyện phim xoay quanh mối tình xuyên từ kiếp này sang kiếp khác. Khán giả trông thấy họ là phải thấy rõ ngay rằng hai người đang yêu nhau mãnh liệt.
- Anh từng được khen ngợi bởi sự thủy chung với người vợ đầu bị tàn tật sau tai nạn giao thông. Sau đó hai người lại chia tay và anh đến với Bebe Phạm. Vậy tình yêu và sự chung thủy của anh có như những gì bộ phim của anh sẽ thể hiện?
- Đối với tôi, sự chung thủy rất quan trọng. Nó không chỉ gói gọn giữa đàn ông với đàn bà, mà còn là giữa mình với bạn bè, gia đình. Tôi quan niệm sự chung thủy không phải là áp lực để mình sống hoàn hảo, rồi để mọi người khen ngợi, nể nang.
Hãy biết đặt mình vào vị trí của đối phương. Nếu mình gây tổn thương cho bất kỳ ai, đó chẳng phải là điều hay ho. Tôi từng bị tổn thương trong đời, nên khi nghĩ lại cảm xúc lúc đó, tôi không muốn gây ra cho người khác điều tương tự.
Theo Zing