Mới đây, thêm 3 thí sinh Hoa hậu Việt Nam ra đi cùng lúc một lần nữa làm dấy lên những thắc mắc từ khán giả. Phản ứng của người trong cuộc thế nào?
Cả ba thí sinh rất buồn và mong muốn được ở lại cuộc thi. Tất cả thí sinh khác cũng muốn ba bạn ở lại. Tuy nhiên, khi trao đổi với ban tổ chức về vấn đề của mình, cả ba em cũng nhận thức mình không đủ điều kiện để tiếp tục đồng hành và xin tự nguyện rút khỏi vòng chung kết.
Đến nay, việc 6 thí sinh đang tiến sát vòng chung kết lại bị loại hoặc phải rút lui đột ngột ảnh hưởng không nhỏ đến các em và gia đình. Tinh thần nhân văn của ban tổ chức đã được thể hiện ở đâu?
Trước hết, không phải cứ phát hiện là chúng tôi lập tức ra quyết định. Chúng tôi phải gặp gỡ các em và phân tích để các em hiểu mình đã sai ở đâu, kết hợp với khuyên nhủ để đạt được sự thấu hiểu và đồng thuận. Ngay cả với em Phạm Thị Thành, phương pháp tiếp cận cũng như vậy. Chúng tôi luôn cùng các em nghĩ cách để ít ảnh hưởng nhất đến cuộc sống của các em khi rời cuộc thi và vẫn giữ liên lạc với nhau sau đó. Ban tổ chức đã gởi lời mời trân trọng các em dự đêm Chung kết với tư cách khách quý.
Khi có đòi hỏi công khai chi tiết về vi phạm của các em, chúng tôi kiên quyết không đồng ý, bất chấp các sức ép. Vì thế, việc công bố rời khỏi của các em thường chỉ dừng lại ở những lý do như "không đáp ứng được tiêu chí vẻ đẹp tự nhiên", "vi phạm quy chế về việc đi thi các cuộc thi khác không xin phép", "lý do cá nhân"...
Ông Lê Xuân Sơn - Trưởng BTC Hoa hậu Việt Nam 2016 |
Cố gắng giữ tính công bằng, nghiêm túc nhưng vì sao ban nhân trắc học để sót nhiều thí sinh phạm quy từ vòng ngoài?
Vừa qua cũng có vài ý kiến như thế, và với tư cách trưởng ban tổ chức, tôi xin nhận trách nhiệm. Trách nhiệm như thế nào, đến đâu phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, các yếu tố khách quan, chủ quan... Thực ra tôi đã nêu trách nhiệm này trong nội bộ, từ khi bắt đầu giải quyết vụ em Thành. Tôi dự kiến sẽ phát biểu công khai về điều đó khi kết thúc vòng chung kết để tránh áp lực giữa chừng cho cuộc thi và ban tổ chức. Nhưng xem ra đó là một tính toán không đúng.
Khâu kiểm tra nhân trắc học thí sinh theo kế hoạch đã hoàn tất. Tôi hy vọng 30 thí sinh là con số cuối cùng. Với công nghệ làm đẹp ngày càng hiện đại, việc dùng các quy định và phương án kiểm tra truyền thống cũng có vẻ không còn phù hợp. Chúng tôi cần phải rút kinh nghiệm và đổi mới.
Ban tổ chức nghĩ sao trước đề xuất nới lỏng cơ chế trong việc thẩm định cái đẹp thời nay để tiệm cận xu hướng thi nhan sắc thế giới, chẳng hạn chấp nhận răng sứ?
Nếu quả thật đó là nhận thức chung của toàn xã hội thì chúng tôi phải xem xét lại. Tuy nhiên, tôi vẫn tin đây là cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, nên nó chủ yếu phải tuân theo những quy chuẩn Việt Nam.
Nhưng rõ ràng, ban tổ chức đã không lường hết được sự phức tạp của tình hình cũng như sự phát triển của công nghệ làm đẹp nhân tạo và nhiều vấn đề khác nữa. Tôi đã hiểu là phải xây dựng không chỉ một bảng tiêu chí cập nhật được tình hình mà còn cả một quy trình kiểm soát và chấm thi mới. Chắc chắn chúng tôi sẽ làm điều này và trình cơ quan chức năng xét duyệt cho những mùa thi sau.
Nguyễn Thị Thành - thí sinh ồn ào nhất về việc làm răng sứ thẩm mỹ |
Chưa bao giờ Hoa hậu Việt Nam "siết" quy chế gắt gao như năm nay. Những scandal về tác phong của Kỳ Duyên và sức ép từ dư luận chiếm mấy phần trong lý do này?
Chuyện về Kỳ Duyên chỉ là một phần. Các mùa Hoa hậu Việt Nam trước tôi chưa làm trưởng ban tổ chức nên không dám nói nhiều, nhưng tin là khâu tổ chức nghiêm túc nên mới tồn tại được gần 28 năm qua. Từ năm 2012, tôi cùng các cộng sự quyết tâm áp dụng nguyên tắc mới là không bỏ qua cho sai phạm, trừ khi không phát hiện được. Cái khác là năm nay nhiều thí sinh bị phát hiện không phù hợp hoặc vi phạm quy chế, quy định hơn. Thông tin tố cáo đến ban tổ chức nhiều hơn và sức nóng trên truyền thông cũng gia tăng mạnh.
Những lùm xùm, scandal về cuộc thi ảnh hưởng ra sao đến uy tín ban tổ chức?
Tôi thấy cay đắng khi nỗ lực tiến hành một cuộc thi nghiêm túc, công bằng lại biến thành các scandal trong một số bối cảnh cụ thể. Thực sự nó làm lu mờ những công sức và nguồn lực rất lớn mà chúng tôi và các đơn vị đồng hành đang đầu tư để nâng tầm cuộc thi.
Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoat động về nguồn, tuyên truyền truyền thống lịch sử cách mạng, quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam, văn hóa và du lịch các vùng miền. Đặc biệt, chương trình Người đẹp Nhân ái đã đưa gần bốn tỷ đồng tới các dự án ở khắp ba miền đất nước. Sau hai đêm chung khảo khu vực đã được đầu tư quy mô, đêm chung kết sẽ là một sự kiện văn hóa không thua nhiều chương trình đình đám của nước ngoài.
Chỉ còn 30 thí sinh, ông nghĩ sao trước nhận định đêm chung kết năm nay thiếu đi sự sôi nổi, bất ngờ?
Việc chọn 36 thí sinh, thay vì 38 hay 40 như các mùa trước cũng cho thấy sự chú trọng về chất lượng hơn số lượng có thí sinh. Nay sáu em rời cuộc thi thì con số không còn nhiều, nhưng vẫn đủ lớn để có cuộc lựa chọn thú vị cho top 10. Và dù có ác cảm đến mấy với Hoa hậu Việt Nam, tôi nghĩ không ai có thể phủ nhận phần đông thí sinh mạnh nhất vẫn tập hợp về đây.
Đêm thi Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016 sẽ được diễn ra vào ngày 28/8 tới đây tại Nhà thi đấu Phú Thọ. Mong rằng, cho đến thời điểm đó số lượng thí sinh tranh tài vẫn giữ nguyên con số 30
Theo Tri Thức Trẻ